LTS: Thành công của Trấn Thành, Lý Hải với những bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ là điều hiếm hoi bởi đa số các phim Việt ra rạp lâm cảnh lỗ nặng. Sau phim doanh thu 550 tỷ ‘Mai’ của Trấn Thành, điện ảnh Việt lại ế ẩm cho tới khi 'Lật mặt 7' của Lý Hải xuất hiện. VietNamNet thực hiện loạt bài phân tích về sự thất bại của hàng loạt phim Việt, lý do thua lỗ cũng như hướng đi cho các bộ phim này khi nhận kết cục bi thảm ngoài rạp chiếu. 

Rạp chiếu Việt các năm gần đây luôn được mặc định 2 mùa làm ăn lớn: Tết Nguyên đán và dịp 30/4-1/5 với kỳ nghỉ dài. Chính vì vậy, đây là hai 'mùa vàng' luôn được các nhà sản xuất phim hướng tới bởi khả năng hút khán giả lớn và tăng doanh thu nhanh. Tuy vậy phim Việt vẫn ra rạp đều đặn vào các dịp trong năm, chỉ cố né lịch chiếu của đối thủ trong nước hoặc tránh đụng độ với bom tấn nước ngoài.

untitled 4.jpg
'Mai' đại thắng cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài. 

'Mai' thu đơn thu kép, số còn lại chật vật bán vé, ngắc ngoải doanh thu

Sau mùa phim Tết tưng bừng với thắng lợi lớn từ Mai của Trấn Thành cùng doanh thu hơn 550 tỷ đồng, Gặp lại chị bầu với 92 tỷ đồng hay Đào, Phở và Piano - phim Nhà nước đặt hàng đề tài lịch sử thu 22 tỷ.... thì phòng vé Việt từ đầu năm tới nay lại chứng kiến nhiều cú ngã chưa từng thấy. Phim Trà của Lê Hoàng ra rạp từ mùng 1 Tết Nguyên đán nhanh chóng rời rạp vì chỉ thu 1,6 tỷ đồng và chưa hẹn ngày trở lại vì bán vé lẹt đẹt, không thể cạnh tranh với Mai lẫn Gặp lại chị bầu.

Tương tự với Sáng đèn, bộ phim rời rạp nhanh chóng trong dịp Tết và quyết định trở lại rạp chiếu sau đó nhưng chỉ thu về 3,4 tỷ. Kế đến là cú ngã ngựa của Quý cô thừa kế 2 với 6,4 tỷ dù nhà sản xuất miệt mài quảng bá phim bằng những cảnh nóng.

Tuy nhiên, cú sốc lớn nhất phòng vé của năm 2024 tính đến thời điểm này là Đoá hoa mong manh khi phim ra rạp từ 12/4 nhưng chỉ thu về 400 triệu dù được PR rầm rộ với thông tin được quay hoàn toàn tại Mỹ song chất lượng lại không tương xứng với số tiền đầu tư.

screen shot 2024 04 28 at 093243.png
'Đoá hoa mong manh' của Mai Thu Huyền chỉ thu hơn 400 triệu đồng dù chi phí sản xuất hàng chục tỷ. 

Nhà sản xuất Mai Thu Huyền thông báo ngoài Việt Nam, phim được phát hành tại Ấn Độ từ 31/5 và trình chiếu ở 60 cụm rạp trên khắp nước Mỹ tại các hệ thống AMC, Regal, Cinemark, Angelika, Emagine. Đây cũng có thể coi là hướng đi của bộ phim khi hoàn toàn thất bại ở thị trường trong nước.

Tuy vậy rất khó nhận định về khả năng bán vé cũng như doanh thu của Đoá hoa mong manh bởi phim không có điểm gì đặc sắc để thu hút khán giả nước ngoài và khó cạnh tranh với các bộ phim ngoại khi đem chuông đi đánh xứ người. 

Trước đó, bộ phim hành động 578 phát đạn của kẻ điên dù được nhà sản xuất công bố chi phí sản xuất lên tới 60 tỷ đồng nhưng chỉ đạt hơn 3,5 tỷ đồng doanh thu sau 10 ngày ra rạp. Nhà sản xuất sau đó cho biết phim được phát hành thông qua công ty tại Anh, Đức, mục tiêu trong năm 2023 sẽ có mặt tại 62 quốc gia và dự kiến thu về 2,63 triệu USD. Nhưng đây mới là thông báo một chiều và chưa được kiểm chứng của nhà sản xuất bởi không ai rõ phim ra rạp hay chưa và thu về chính xác bao nhiêu tiền khi phát hành ở thị trường quốc tế. 

untitled 1.jpg
Doanh thu ghi nhận tại Việt Nam và Anh của 'Mai' tính đến 23/4/2024 (Nguồn: Box Office Mojo).

Tính đến thời điểm này, bộ phim Việt 'xuất khẩu' thành công nhất chính là Mai. Ngoài 6,5 triệu vé bán ra tại thị trường nội địa với doanh thu 520 tỷ, Mai còn thu về 2 triệu USD (khoảng 50 tỷ đồng) sau 2 tuần phát hành đồng thời tại Mỹ và châu Âu (theo thông tin từ bài viết trên Deadline ngày 4/4/2024).

Với con số trên, Mai đã trở thành phim Việt đầu tiên trong lịch sử đạt mốc doanh thu này ở cả hai lục địa. Trang Box Office Mojo ghi nhận doanh thu toàn cầu của phim chạm mốc 23 triệu USD (khoảng 575 tỷ đồng), con số hoàn toàn trùng khớp doanh thu phim đạt được toàn thị trường Việt Nam lẫn nước ngoài tính đến thời điểm này. Chưa dừng lại, Trấn Thành còn công bố lịch trình phim chiếu tại Australia, Đài Loan (Trung Quốc)...

Lối ra cho những phim Việt 'thảm họa' doanh thu  

Các bộ phim muốn chinh phục khán giả quốc tế buộc phải có câu chuyện mang tính toàn cầu hoặc nét đặc sắc của văn hóa và con người bản địa khiến khán giả tò mò muốn tìm hiểu. Tuy vậy phim Việt muốn phát hành ra nước ngoài cũng phải có chiến lược marketing bài bản, kết nối với các nhà phát hành và hệ thống rạp đủ tốt. 

Ngoài việc phát hành ngoài rạp chiếu các nền tảng trực tuyến (cả trong nước và thế giới) cũng là kênh phổ biến. Từ thời kỳ đại dịch tới nay, nhiều bom tấn 100-200 triệu USD của Hollywood thậm chí chỉ phát hành trên ứng dụng xem phim trực tuyến hàng đầu Netflix mà không cần ra rạp bởi có thể tiệm cận đến hàng trăm triệu khán giả trên toàn cầu. 

4untitled 2.jpg
 'Đóa hoa mong manh' trở thành phim Việt có doanh thu thấp nhất 2024 tính đến thời điểm này. 

Cùng với đó, việc mang phim tới các chợ  trong liên hoan phim quốc tế hay tham gia các liên hoan phim nước ngoài cũng là cách tiếp thị hiệu quả để phim có thêm cửa ra. Song điều này chỉ thực sự có hiệu quả với những tác phẩm xuất sắc, có bản sắc riêng hoặc hợp gu với khán giả quốc tế ở từng thị trường. 

Bàn về hướng đi của phim Việt, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt chia sẻ với VietNamNet: "Trong một thị trường phim, việc chất lượng phim không đồng đều cũng như doanh thu tiền vé tạo khoảng cách rất xa là chuyện bình thường. Tuy nhiên, với thị trường phim còn non trẻ như Việt Nam, tôi nghĩ câu chuyện tâm huyết và nỗ lực là không đủ. Do đó, với những nhà sản xuất vẫn muốn làm phim mà chất lượng có thể chưa tốt, chưa tạo ra được doanh thu khả quan khi chiếu rạp có nhiều hướng đi nhằm đưa bộ phim đến công chúng theo cách thuận lợi hơn. 

Trong đó, việc sản xuất và đưa phim chiếu trên các nền tảng trực tuyến có thu phí là bước đi khả dĩ phù hợp nhất. Phim có thể mang ra chiếu rạp nhưng thời gian đưa lên nền tảng trực tuyến thu phí sẽ nhanh hơn. Như thế vẫn đảm bảo nhà làm phim có được niềm vui của việc phim ra rạp cũng như tiếp cận khán giả nhiều hơn (thông qua các nền tảng)…

Còn lại chính các nhà làm phim phải cân đối ngân sách sản xuất sao cho bài toán doanh thu từ việc bán vé và bán phim có thể hòa vốn hoặc lãi chút ít. Dĩ nhiên, điều cốt lõi nhất vẫn là chất lượng của phim. Giá bán cao hay thấp sẽ do chất lượng phim quyết định chứ không phải là các giải thưởng của liên hoan phim nào đó.

Đam mê làm phim cũng giống như nhiều đam mê khác trong cuộc sống, rất khó để giải thích theo cách logic. Nên chỉ hy vọng các nhà làm phim có nguồn vốn và nguồn lực con người, biết cách tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho bộ phim mình làm trong tương lai gần".

Sau Trấn Thành, rạp Việt lại chờ Lý Hải cứu

untitled 2.jpg
'Đóa hoa mong manh' chỉ thu chưa đầy 200 triệu đồng sau khi phát hành ở một số thị trường nước ngoài (số liệu ghi nhận trên Box Office Mojo ngày 23/4).

Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày với sự đổ bộ của Lật mặt 7 - thương hiệu phim ăn khách của Lý Hải tiếp tục được kỳ vọng sẽ vực dậy thị trường phim Việt suốt thời gian dài bết bát và trầm lắng sau cú nổ doanh thu của phim Mai.

"Mùa phim hè đang đặt cược vào Lật mặt 7 để hy vọng sẽ là một cú hích tiếp theo của phòng vé như năm 2023 đã tạo ra. Đến thời điểm này, có thể xem Lật mặt 7 là tác phẩm lớn nhất mùa phim hè 2024 của Việt Nam.

Có lẽ phải chờ đến mùa phim cuối năm phim Việt mới sôi động trở lại, bắt đầu từ khoảng dịp lễ 2/9. Thế nên, mùa phim hè năm nay sẽ tiếp tục là mùa phim vắng vẻ của thị trường nội địa, nhường sân cho các dự án nước ngoài khuynh đảo phòng vé như bao nhiêu năm qua vẫn vậy", nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nhận định.

Quỳnh An

Bài 3: Mơ về phim Việt doanh thu 1000 tỷ đồng