Sáng 5/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và những tháng cuối năm 2023.

Chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng

Tại phiên họp, Thủ tướng và các đại biểu cho rằng cần đặt Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới. Các tổ chức quốc tế đánh giá và dự báo tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam. Việt Nam tăng 4 bậc về "Chỉ số Hòa bình toàn cầu" năm 2023.

Thủ tướng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên ngoài và bên trong nhưng vẫn đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. 

Thủ tướng: Đặc biệt lưu ý 6 nội dung trong chỉ đạo, điều hành - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong tháng 8 và những tháng cuối năm, Thủ tướng nêu rõ dự báo tình hình sẽ khó khăn hơn, nhiều vấn đề chưa lường hết được, trong đó lưu ý khả năng thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp; song phải kiên trì, kiên định, tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát đã đề ra.

"Chúng ta chưa thay đổi mục tiêu về tăng trưởng, như vậy trong 6 tháng cuối năm, phải đạt tăng trưởng khoảng 9%", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu rà soát lại cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể, phù hợp để tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng.

Về tiêu dùng, có giải pháp hiệu quả kích cầu tiêu dùng trong nước, phát triển mạnh thị trường trong nước, (miễn giảm thuế, phí, lệ phí, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng...).

Về đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng, liên vùng; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút, tạo thuận lợi cho đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư (PPP).

Về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới; có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn mới, nhất là tiêu chuẩn xanh. Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội FTA đã ký kết mang lại; thúc đẩy đàm phán, ký kết FTA mới, nhất là với thị trường tiềm năng, lưu ý thị trường Trung Đông, châu Phi, Mỹ La tinh, Bắc Mỹ…

Tập trung nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phân cấp, phân quyền, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Xử lý dứt điểm dự án Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2

Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của 2 tổ công tác, gồm: Tổ công tác xây dựng báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng.

Để phục vụ 2 sự kiện rất quan trọng vào cuối năm là Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tổng hợp, phân loại, đề xuất tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý. 

Phát huy vai trò 26 tổ công tác của Chính phủ làm việc với các địa phương, tập trung xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan, người dân, doanh nghiệp. 

Thủ tướng yêu cầu rà soát, thúc đẩy triển khai chương trình phục hồi và phát triển, phân bổ, điều chỉnh, giải ngân vốn đầu tư công. Rà soát, thúc đẩy, có báo cáo hằng quý để giải ngân gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và 15.000 tỷ đồng cho ngành sản xuất đồ gỗ, thủy sản theo tinh thần kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt.

Thúc đẩy tiến độ, bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, phấn đấu cơ bản hoàn thành công tác này trong năm 2023, nhất là quy hoạch 5 vùng kinh tế - xã hội còn lại. 

Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó có giải pháp hiệu quả về lao động, việc làm, sớm đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.

Tăng cường dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về hạn hán, xâm nhập mặn, bão, mưa lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất để có biện pháp phòng, chống hiệu quả, kịp thời; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.

Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức tốt hoạt động, sự kiện đối ngoại cấp cao; tiếp tục tăng cường quan hệ song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương. Làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thủ tướng: Đặc biệt lưu ý 6 nội dung trong chỉ đạo, điều hành - Ảnh 3.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung xử lý vấn đề tồn đọng kéo dài, dự án thua lỗ, nhất là dự án thép Thái Nguyên. Ảnh: VGP

Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh hoàn thuế VAT; tiếp tục xử lý thực chất, hiệu quả tồn tại, bất cập của thị trường trái phiếu.

Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, đào tạo khoảng 30.000-50.000 kỹ sư và 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip bán dẫn.

Bộ GTVT khởi công bằng được Nhà ga Sân bay Long Thành trong tháng 8. Bộ TN&MT hoàn thành việc hướng dẫn định giá đất trước ngày 15/8. Bộ Y tế xử lý dứt điểm vấn đề liên quan dự án xây dựng Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2.

Bộ GD&ĐT chuẩn bị tốt năm học mới, lưu ý bảo đảm đủ sách giáo khoa với giá phù hợp. Bộ VHTT&DL xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chính phủ sẽ bố trí kinh phí cho chương trình này.

Trần Văn Thường, Lê Vĩnh Sang, Vũ Việt Bảo Phùng, Lê Bích Thủy

Thủ tướng: Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng '4 không'

Thủ tướng: Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng '4 không'

Trong hội nhập quốc tế, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng "4 không", với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.