HTML clipboard

– Các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã trao đổi với VietNamNet xung quanh tình trạng trâu bò nhập lậu qua biên giới tại huyện Kỳ Sơn.

Thả lỏng trâu bò nhập lậu?

- Thưa ông, thời gian qua, tình trạng trâu bò nhập lậu qua biên giới tại xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) diễn ra rất ồ ạt, Sở có biết không?

Ông Trần Kim Thành (PGĐ Sở Công Thương, Phó Ban thường trực 127 về công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại tỉnh Nghệ An): Cái này cũng khó cho các ngành chức năng. Việc ở huyện Kỳ Sơn có những hộ gia đình mua một đến 2 con về nuôi, rồi họ dắt qua đường biên. Sau đó hợp thức hóa bằng việc xin giấy tờ chứng nhận của địa phương, hợp thức hóa kiểm dịch vùng đó. Khi mà các cơ quan chức năng bắt được thì họ đã có giấy tờ. Các ngành chức năng khó xác định được hàng lậu là trâu bò của Lào hay của Việt Nam. 

  Trâu bò nhập lậu đi qua cửa khẩu
 

- Vậy công tác phòng chống buôn lậu trâu bò tại khu vực cửa khẩu Nậm Cắn hiện nay như thế nào?

Hiện nay, các cơ quan chức năng vào cuộc cũng rất là mạnh mẽ. Nhưng về thủ tục pháp lí khó xác định đó là trâu bò buôn lậu qua biên giới. Vì được biết có một số trâu bò đi qua đường tiểu ngạch ở biên giới, được các đầu nậu thuê cư dân địa phương dắt qua. Nhưng việc xác định cho được đó là trâu bò của Lào hay của Việt Nam là vấn đề cực kỳ khó khăn. Bởi khi sang biên giới, được chính quyền địa phương hợp thức hóa, cũng có thể do họ làm ngơ để người dân khu vực đó có một thu nhập nhất định! Khi đã hợp thức hóa, đã trở thành trâu bò nội địa thì không thể nói đó là hàng lậu được.

Tức là biết đó là trâu bò nhập lậu, nhưng do chính quyền địa phương thao túng?

Cái thứ nhất là do cấp xã có trình độ dân trí thấp. Cái thứ hai là có sự nể nang trong bà con cư dân trong địa bàn. Một nguyên nhân sâu xa nữa là do pháp lệnh kiểm dịch gặp rất nhiều khó khăn, vì nếu nhập lậu thì thuế nhập khẩu chỉ có 5%. Nhưng thuế xuất khẩu bên Lào thì khoảng hơn 1 triệu đồng trên 1 con. Hơn nữa có một vấn đề bế tắc nhất là pháp lệnh thú y là dạng trâu bò như thế này phải cách khu dân cư 5km, nuôi 15 ngày không phát hiện dịch bệnh thì mới cho đi vào nội địa. 

Nhưng trâu bò nhập lậu được dắt ngang nhiên trên QL7A, ngay trước cửa khẩu Nậm Cắn?

Thực ra là rất khó, bởi vì họ không đi bên cạnh cửa khẩu để mà bắt, toàn đi trên đìa hình hiểm trở, gập ghềnh, trên đường rừng. Nhưng khi vượt qua đường rừng thì chính quyền địa phương lại xác nhận đó là trâu bò của họ rồi!

Tình trạng trâu bò nhập lậu diễn ra suốt nhiều năm nay, vậy Sở đã có những văn bản nào tham mưu cho cấp cao hơn giải quyết vấn đề này?

Có! Nhiều văn bản chỉ đạo rồi! Xuống tận các địa phương, nhằm ngăn chặn tình trạng nhập lậu trâu bò qua biên giới. Trong năm 2008, 2009 đã bắt rất nhiều vụ. So với các năm trước thì nay cũng đã giảm nhiều, nhưng hiện nay tình trạng buôn lậu vẫn đang còn tiếp diễn. Nếu như các năm trước thì mỗi ngày vào thời cao điểm có cả ngàn con dắt qua, bây giờ chỉ còn khoảng 40 đến 50 con trên một ngày, chở khoảng 2 xe ô tô.

Hải quan “bó tay” ?

Ông Đoàn Văn Cường
 
- Từ đầu năm 2010 đến nay, lực lượng hải quan Nghệ An có bắt thêm một vụ trâu bò nhập lậu nào không?

Ông Đào Văn Cường, Đội trưởng Đội phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại - Cục hải quan Nghệ An: Từ đầu năm đến nay cũng chưa bắt được vụ nào. Còn các hàng hóa khác thì nhiều. Đã có 3 lần ra quân bắt, có 4 xe ô tô trâu bò nhưng được chính quyền hợp thức hóa giấy tờ. Ra quân nhiều lần nhưng không làm nổi. Nhiều lần ra quân nói trước với Chủ tịch xã Nậm Cắn không xác nhận để bắt giữ trâu bò, nhưng nói rồi mà chính quyền xã lại vẫn xác nhận giấy tờ cho đầu nậu.   

- Vậy trách nhiệm của Hải quan Nghệ An trong vấn đề trâu bò nhập lậu tại khu vực cửa khẩu Nậm Cắn là như thế nào?

Đường tiểu ngạch cách đường quốc lộ và phía 2 bên cánh gà là chỉ 1km. Phần lớn trâu bò đều được dắt ngoài khu vực đó về tập kết tại khu vực xã Nậm Cắn. Cũng có trách nhiệm của hải quan một phần và biên phòng, quản lý thị trường, công an.

Cấp huyện chịu trách nhiệm!

T
rao đổi với VietNamNet, ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Chuyện trâu bò nhập lậu thẩm thấu qua đường biên giới thì trước hết trách nhiệm thuộc về những người quản lý tại cửa khẩu. Thực tế là đúng, nhưng (trâu bò - PV) về đến đây thì họ hợp lý hóa giấy tờ. Chúng tôi từng truy bắt, gia đình tôi từng bị 8 người Mông vây quanh nhà đòi hành hung”.

Còn ông Thái Văn Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói: “Để giải quyết vấn đề này, trước mắt việc có báo chí thông tin thì tôi sẽ chỉ đạo luôn bằng văn bản, cấm buôn lậu trâu bò. Giao cho chính quyền cấp huyện chịu trách nhiệm, nếu như cấp huyện để chính quyền cấp xã xác nhận trâu bò buôn lậu trở thành trâu bò nuôi thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm”.