- Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề xuất kiến nghị tăng giá vé xe buýt tối đa lên tới 80% để giảm trợ giá cho ngân sách Nhà nước.

Tăng giá vé để… giảm trợ giá

Ông Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Transerco cho biết: Giá vé xe buýt ở Hà Nội hiện nay đang thực hiện theo quyết định số 35/2005/QĐ - UB ngày 15/5/2005. Đã qua 7 năm, nhưng Hà Nội vẫn chưa điều chỉnh giá vé xe buýt trong khi giá đầu vào tăng cao, chi phí vận hành bình quân cho 1 km của xe buýt tăng 312% dẫn đến trợ giá hàng năm của Thành phố cho xe buýt cũng tăng cao. 

Theo đề xuất của Tổng công ty Vận tải Hà Nội, giá vé xe buýt sẽ được đề xuất với mức cao nhất tăng 80% so với giá hiện tại.

Bên cạnh đó, ông Thường cho rằng, GDP bình quân đầu người của Hà Nội năm 2011 đã tăng lên 1,7 lần so với năm 2005 nên khả năng chi trả của khách đi xe buýt cũng cao hơn so với thời điểm 2005.

Chính vì vậy, Transerco kiến nghị, việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt là cần thiết để đảm bảo trợ giá cho xe buýt của Thành phố ở mức hợp lý và có điều kiện mở rộng vùng phục vụ cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt ở thời điểm này ít ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.

Theo đề xuất của Transerco, giá vé xe buýt sẽ tăng như sau: đối với vé lượt, cự ly tuyến dưới hoặc bằng 25 km là 5.000 đồng (tăng 66%); cự ly 25-30 km là 7.000 đồng (tăng 75%); cự ly trên 30 km là 7.000 đồng (tăng 40%).

Đối với vé tháng, đối tượng là học sinh, sinh viên là 45.000 đồng/1 tuyến (tăng 80%); 90.000 đồng/liên tuyến (tăng 80%); đối tượng không ưu tiên là 90.000 đồng/1 tuyến (tăng 80%); 145.000 đồng/tháng/liên tuyến (tăng 80%).

Ông Thường cũng đưa ra đánh giá, sau khi điều chỉnh tăng giá vé, nếu lượng khách đi xe buýt không bị giảm sẽ tiết kiệm được trợ giá trên 280 tỷ đồng/năm. Trường hợp từ 1-3 tháng đầu, nếu khách đi xe buýt có bị giảm và sau đó ổn định trở lại thì tối thiểu trợ giá của Thành phố cũng sẽ giảm được trên 224 tỷ đồng/năm.

Còn nhiều hạn chế, yếu kém

Ông Thường cho biết: Hiện tại mỗi ngày xe buýt vận hành trên 10.000 lượt xe và vận chuyển được trên 1 triệu lượt khách đồng thời hạn chế được trên 700.000 lượt xe máy tham gia giao thông, bình quân 1 xe vận chuyển 100 khách.

Muốn tăng cường xe buýt phải tăng tần suất và giải quyết tốt tình trạng khách quá tải giờ cao điểm và ưu tiên hạ tầng được lưu thông tốt hơn”, ông Thường đưa ra giải pháp.

Ngoài ra, ông Thường cũng kiến nghị Thành phố cần tiếp tục mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách để đạt được mục tiêu hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

Giờ cao điểm, khách tăng đột biến gấp 1,5-2 lần sức chứa của xe nên hành khách bức xúc vì chen lấn trên xe”, ông Thường nhận xét.

Bên cạnh đó, mạng lưới xe buýt của Thành phố còn rất nhiều hạn chế, yếu kém. Tại nhiều khu vực, người dân khó tiếp cận với xe buýt, thậm chí có khu vực còn trắng về xe buýt. Cùng với đó, nạn trộm cắp, móc túi ở các điểm trung chuyển và trên xe giờ cao điểm, hiện tượng xe bỏ điểm dừng và thái độ phục vụ kém của một số lái xe, bán vé đang gây bức xúc cho khách đi xe.

Thành phố cần tiếp tục mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách nếu không sẽ không đạt được mục tiêu hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân”, ông Thường ý kiến.

Sau 10 năm (từ 2001 – 2011) xe buýt phát triển tại Hà Nội, vùng xe buýt ngày càng được mở rộng, lượng hành khách đi xe ngày càng tăng thông qua việc luồng tuyến tăng 2,4 lần, lượng xe tăng 4 lần và khách đi xe buýt tăng 30 lần (với 400 triệu khách năm 2011).

Kết quả khảo sát của Transerco cho thấy, xe buýt chiếm dụng đường trên một số tuyến phố chính chỉ từ 4-12% nhưng vận chuyển 12-25% lượng khách (trục Cầu Giấy xe buýt chiếm dụng đường 11% đáp ứng 23% nhu cầu đi lại; trục Kim Mã, Nguyễn Văn Cừ xe buýt chiếm dụng đường 8% đáp ứng trên 20% nhu cầu đi lại…).

Chính những lý do trên đã đưa công suất khai thác xe buýt đạt hiệu quả cao và đã đến giới hạn. Hệ số sử dụng sức chứa bình quân toàn mạng đạt 80%, thậm chí vào giờ cao điểm ở các tuyến trục hành lang tăng lên gần 200%.

Vũ Điệp