- Ngày 13/4, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, thanh tra sở này vừa đình chỉ 3 cơ sở y học cổ truyền không có giấy phép hành nghề, đã bán thuốc cam có hàm lượng chì cao ra thị trường.

Theo ông Cường, các cơ sở y học cổ truyền bị đình chỉ hoạt động là của bà Đặng Thị Tình, ở xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên; bà Biên, thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức và ông Chân, cụm 6, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ.

Hai trong số bốn mẫu thuốc cam lấy tại bốn cơ sở được mang đi xét nghiệm cho thấy chứa hàm lượng chì khá cao. Cả 12 mẫu thuốc cam có hàm lượng chì cao trên là của bà Biên và ông Chân.

Từ đầu năm đến nay đã có 130 trẻ bị ngộ độc chì được điều trị tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai). (Trong ảnh là thuốc không rõ nguồn gốc có chứa hàm lượng chì cao. Ảnh: BV Bạch Mai)
Ông Cường cho biết, hiện nay chưa có quy chuẩn về hàm lượng chì trong thuốc Đông y, cơ quan thanh tra đang đề nghị với Vụ Y dược cổ truyền, Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn của Bộ ra quy chuẩn hàm lượng kim loại nặng nói chung, trong đó có chì trong thuốc Đông y để làm căn cứ xử lý các trường hợp vi phạm.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền - cho biết vụ đã gửi công văn đến 63 tỉnh, thành yêu cầu tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Ông Sơn cho biết, sẽ đình chỉ hành nghề đối với những cơ sở không phép, lấy mẫu những chế phẩm nghi ngờ để kiểm nghiệm chì, cấm tuyệt đối mọi hình thức buôn bán thuốc rong, đặc biệt tại các chợ, các lễ hội.

Riêng các tỉnh có nhiều bệnh nhân ngộ độc chì đang điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), Bệnh viện Nhi trung ương... vụ còn yêu cầu kiểm tra cụ thể các địa chỉ hành nghề y dược mà trẻ đã phải nhập viện vì sử dụng "thuốc cam" tại đây.

Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, những ngày gần đây mỗi ngày có từ 30-40 cháu nhập viện để xác định lượng chì trong máu do có sử dụng thuốc cam trước đó. Nhiều bà mẹ tỏ ra rất lo lắng sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về các trường hợp nhiễm chì nặng do sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc từ các cơ sở y học cổ truyền.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) đã tiếp nhận hơn 130 trường hợp trẻ em bị nhiễm chì do sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc, có cháu mới vài tháng tuổi nhưng bị ngộ độc chì rất nặng. Đó là chưa kể đến những trường hợp tương tự đang điều trị tại BV Nhi TW.

Chì tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan, hoặc mô nhiều sừng như da, lông, tóc, móng. Nếu chì có trong máu với hàm lượng 0,3ppm sẽ ngăn cản quá trình oxy hóa glucose tạo ra năng lượng duy trì sự sống, nhưng nếu hàm lượng chì trong máu trên 0,8ppm sẽ gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin (tức huyết sắc tố tạo màu đỏ hồng cầu có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong hô hấp).

N.Anh