- Cuối cùng bà Trần Thúy Liễu phải trả giá cho cái tội ác giết chồng của mình. Khi nghe vị chủ tọa vừa tuyên án chung thân, dưới khán phòng hàng loạt tiếng vỗ tay đồng tình. Nhưng khoảng lặng phía sau vụ án nhà báo Hoàng Hùng, tâm điểm của 14 tháng qua chính là nỗi đau về sự đời, tình người đắng cay.


Bạc như… tình !

Có lẽ từ lâu ở cái quê đang lên phố như TP.Tân An mới có một vụ động trời như thế - vụ án sát hại nhà báo Hoàng Hùng (báo NLĐ).

Có lẽ vì thế, khi nghe phiên xử ngày 29/3, người dân không chỉ ở Long An mà còn ở TPHCM, Tiền Giang…kéo về TAND tỉnh Long An rất sớm, để biết thực hư câu chuyện mà lâu nay họ chỉ đọc qua báo chí.

Có lẽ đến giờ bà Liễu mới thấm thía tình đời nó bạc bẽo như thế nào (?)

Họ đến để tường tận mặt bà Trần Thúy Liễu, xem thái độ của ông Nguyễn Văn Tâm – “người tình” bà Liễu như thế nào? Quan trọng hơn là trực tiếp nghe tường tận câu chuyện tội ác diễn ra kinh hoàng ra sao? Đơn giản dân gian là thế, dù vụ án này chẳng liên quan đến họ.

Tôi gặp ông Trần Văn Minh (80 tuổi, ngụ phường 7, TP.Tân An) bên ngoài phòng xử lúc 6h30 sáng. Ông nói rằng, ông không quen bà Liễu, cũng chẳng biết Hoàng Hùng là ai, càng không biết mặt ông Tâm; thế nhưng ông đến đây vì đọc báo thấy…ghê rợn quá, độc ác quá; đến đây để thấy đôi nhân tình thể hiện mình ở “vai diễn” cuối như thế nào? Có phải nhân tình giúp sức bà Liễu sát hại chồng hay không?

Thế nhưng gặp tôi lúc chống gậy khập khiễng ra về sau khi nghe tuyên án, ông Minh chỉ bỏ lửng một câu “bạc như…tình” rồi khuất vào đám đông tham dự phiên tòa.

Có lẽ, khi gây ra tội ác giết chồng, bà Liễu không ngờ có kết cục như ngày hôm nay. Suốt phiên xử bà chỉ khóc, nhiều lúc khóc rất lớn, náo cả động pháp đình khi chủ tọa hay luật sư phân tích hành vi tội ác của bà trong đêm 19/1/2011.

Cũng là nước mắt, cũng là sự đau đớn nhưng có những giọt nước mắt, những đau đớn hiếm có sự cảm thông, chia sẻ.

Tại nhiều phiên tòa, khi bị cáo không còn bình tĩnh, vật vã như trường hợp bà Liễu, thông thường…là hoãn, thế nhưng ngày 29/3 chủ tọa vẫn bình thản…chủ trì; luật sư cứ chất vấn dù bà Liễu đang quằn quại, kêu la trong nước mắt...

Có lẽ cũng có nhiều lý do khác nhau mà cơ quan tố tụng tỉnh Long An vẫn cương quyết xử; phiên tòa dường như tất yếu phải diễn ra, chẳng có thể nào khác được.

Ai cũng sững người khi nghe bà Liễu thú nhận tường tận tội ác. Người đàn bà mang tội “sát phu” đó trước sau vẫn khai rằng: “Do bị cáo bị chồng ghen tuông, đánh đập nhiều lần, nên bị cáo thực hiện hành vi để hăm dọa…nhưng không ngờ….”.

Nhưng mấy ai tin được những lời khai của bà? Bởi lẽ những ai là hàng xóm, bạn bè của gia đình Hoàng Hùng đều biết bi kịch của gia đình bà. Trong thời gian xảy ra vụ án, người viết đã có dịp tiếp xúc với một người bạn thân của Hoàng Hùng, là nhà báo Nguyễn Phấn Đấu (báo Lao Động).

Anh kể rằng, khi Hoàng Hùng còn sống, anh biết rõ có những đêm Hoàng Hùng phải ngậm ngùi xách đồ hoặc bị quăng đồ ra khỏi nhà, bởi lẽ bà Liễu…nổi giận. Thậm chí mới đây khi trải lòng trước phiên xử kẻ sát hại con trai của mình, bà Tám Nga cũng từng nói “có những lúc nó (tức Hoàng Hùng) về cho tui 50 – 100 ngàn cũng giấu giấu, giếm giếm; nó sợ con dâu tui biết”.

Có lẽ với người đã khuất nói nhiều về bi kịch không hay gì, nhưng có lẽ cũng cần nói để nhiều người biết rằng, cái sự đánh đập vợ của Hoàng Hùng là điều…khó xảy ra.

Điều này được chứng minh khi nghe lời khai của bà Liễu, nhiều người dự khán đã lắc đầu, thở dài chán ngán. Và trước tòa, bà Liễu có ít nhất hai lần nói về việc Hoàng Hùng mang bệnh nên không đem lại được sự…vui vẻ, hạnh phúc cho vợ.

Không nói ai cũng hiểu, do cái thiên chức làm…chồng thiếu hụt đó đã gây nên bi kịch gia đình, và vì thế bà Liễu đã tìm đến niềm vui, “hưởng lạc” với người đàn ông khác – ông Nguyễn Văn Tâm.

Chẳng ai nói ai nhưng ở phiên tòa ngày 29/3, nhiều ánh mắt hiếu kỳ đổ dồn về ông Tâm. Ông cứ đăm đăm, ánh mắt có nỗi niềm khó tả. Cả ông Tâm và bà Liễu, khó khăn lắm mới thốt ra lời thừa nhận, giữa hai người có mối quan hệ tình ái từ đầu năm 2008 đến khi xảy ra vụ án.

Như cũng “đau” thay cho bà Liễu, khi chính miệng bà thừa nhận đã có viết 4 – 5 lá thư nhờ con chuyển đến tay ông Tâm để trao đổi, tâm sự sau khi vụ án Hoàng Hùng xảy ra. Nhưng đối đáp lại, ông Tâm khẳng định “chẳng nhận được lá thư nào cả”?

Còn hàng chục điện thoại, tin nhắn qua lại với nhau ông cũng chỉ thừa nhận: “chỉ là sự quan tâm, hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống bình thường…”.

Hết nước mắt khóc cho cái chết oan nghiệt của con trai, và có lúc bà Tám Nga quay về hướng con dâu Trần Thúy Liễu nói lớn “Nếu có ai xúi giục hay cùng con giết thằng Hùng thì con cứ khai ra đi!. Khai ra để người ta chia sẻ với con!”.

Một đồng nghiệp báo GĐ&XH tâm sự với người viết rằng, khi kết thúc phiên xử anh thấy ông Tâm vội vã ra lấy xe ra về và có lau nước mắt.

Không biết ông khóc vì... mừng, thoát được vụ “rác rối” ở phiên tòa ngày 29/3 - cho thấy ông chẳng mấy liên quan? Hay ông khóc vì cảm thương cho “người tình” dính vào lòng lao lý, trót nặng một chữ “tình” với ông?

Có lẽ điều này - tới nay - chỉ ông Tâm mới biết. Phũ phàng hơn, khi vừa nhận mức án chung thân tội “giết người”, bà Liễu chuẩn bị đối diện với một cái vụ kiện khác, vụ kiện đòi nợ.

Đau cho bà, người kiện chẳng ai khác chính là nhân tình của bà – ông Nguyễn Văn Tâm.

Xui gia không nhìn mặt nhau

Trong phiên tòa, ai cũng xót thương cho bà Tám Nga – mẹ của Hoàng Hùng. Bà đã khóc hết nước mắt sau cái chết đau đớn của con trai; còn ở phiên tòa này, nước mắt bà có rơi, nhưng không nhiều bằng nỗi đau hằn trên khuôn mặt bà khắc khổ…

Đến giờ bà vẫn khẳng định: “Tui không tin con dâu của tui lại một mình ra tay nhẫn tâm như thế!”.

Có lúc bà nói lớn, quay nhìn về phía con dâu của bà “Con ơi! Nếu có ai xúi giục hay cùng con giết thằng Hùng thì con cứ khai ra đi !. Khai ra để người ta chia sẻ với con!”.

Trong phiên xử, cháu Lê Hồng C. - con gái út của nhà báo Hoàng Hùng lặng lặng đề nghị “Con xin HĐXX tìm ra đồng phạm giết cha con”.

Thế nhưng khi Tòa tuyên mẹ ruột mức án chung thân, hai đứa con gái bé bỏng của Hoàng Hùng đã bật khóc. Chúng đã mất cha, bây giờ là rời xa mẹ, bi kịch của tuổi thơ có lẽ còn đeo bám suốt cuộc đời.

Khi Tòa tuyên án, nhiều người thấy bà Trần Thúy Loan (em gái bà Liễu) quay sang cầm tay bà Tám Nga khóc, nói những lời chia sẻ, xin lỗi thay cho chị gái và gia đình mình. Bà Tám Nga cúi đầu nuốt nước mắt ngược vào trong.

Thật ra, cái nắm tay, lời xin lỗi trong giây phút này chỉ có thể chỉ làm vơi đi phần nào trong cái trăm ngàn nỗi đau mà người mẹ nhà báo Hoàng Hùng gánh chịu. Giây phút ấy chóng vánh qua đi, bởi lẽ bà Loan và hai đứa con của Hoàng Hùng phải chạy ra trước trụ sở tòa án, cố nhìn theo chiếc xe giải phạm để thấy mặt bà Liễu trước khi bà được đưa về trại giam.

Kết thúc phiên tòa, ai cũng thấy ông Mến (cha ruột của bà Liễu) lẳng lặng ra về. Bà Tám Nga được con trai dìu về trong những bước đi khập khiễng do căn bệnh đau xương khớp lúc về già. Chẳng ai nói ai, hỏi thăm được lời nào sau phiên tòa.

Kháng cáo toàn bộ bản án:

Ngay sau khi phiên xử kết thúc, trao đối với P.V VietNamNet luật sư Nguyễn Văn Đức (chi nhánh công ty luật Biển Đông, đoàn luật sư tỉnh Bình Phước) và bá Tám Nga khẳng định, gia đình đang làm đơn kháng cáo toán bộ bản án.

Trước đó, trong phiên tòa luật sư Đức kiến nghị trả hồ sơ, để điều tra làm rõ những tính tiết bị lãng quên nhưng đã bị HĐXX bác.

Cụ thể phía gia đình bị hại sẽ kháng cáo yêu cầu làm rõ một số tình tiết như: cơ chế hình thành hai mồi lửa tại vị trí giường ngủ khi Hoàng Hùng bị thiêu cháy, động cơ giết chồng của bà Liễu là xuất phát từ bạo hành gia đình hay từ nguyên nhân khác, chi tiết hành vi gây án của bà Liễu trong đêm 19/1/2011 có nhiều điều chưa rõ ràng, việc mua vật chứng trước khi gây án cũng như các vật chứng bị “bỏ quên” trong quá trình điều tra, việc bỏ qua tình tiết quan trọng là lời sinh cung của Hoàng Hùng trước lúc qua đời….


Đàm Đệ - Minh Nhật