- Khi người dân nộp phí, các đoạn đường dần dần được đầu tư sẽ tốt dần lên. Đã thu phí của người sử dụng đường thì phải công khai. Bộ GTVT sẽ đổi mới toàn diện trong quản lý duy tu đường bộ...


Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết một số vấn đề liên quan đến phí bảo trì đường bộ và phí hạn chế phương tiện.

- Hiệp hội vận tải kiến nghị nên coi taxi là phương tiện công cộng chứ không phải phương tiện cá nhân chịu phí hạn chế phương tiện, vậy quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Phí bảo trì đường bộ được xác định là các phương tiện đi lại trên đường, trừ những xe đặc thù của quân đội, nên không loại trừ taxi và các phương tiện vận tải khác.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông.
Trong đề án quỹ bảo trì đường bộ xác định phí đó chiếm tỉ trọng rất thấp so với cước phí vận tải. Với xe máy thu 100.000 đồng/năm, bằng 5 lít xăng, tiết kiệm đi lại hơn 100km là được. Mức phí cho các xe khác cũng không phải cao.

- Nhiều ý kiến cho rằng, bối cảnh xăng dầu lên giá, người dân và DN vận tải chịu nhiều sức ép nên phí bảo trì và phí hạn chế phương tiện đang đề xuất là gánh nặng thêm cho dân?

Phí bảo trì đường bộ thực hiện theo luật giao thông đường bộ năm 2008. Nghị định là văn bản dưới luật có thời gian chuẩn bị dài được lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành nên ban hành vào thời điểm này cũng không phải là nhạy cảm và không ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân .

- Nhiều người đồng ý đóng quỹ bảo trì đường bộ để đường được tốt hơn, nhưng Hiệp hội vận tải mong lùi thời hạn thực hiện và mức phí?

Chúng tôi đã hoàn thành xong các dự thảo thông tư hướng dẫn và chuẩn bị gửi sang Bộ Tài chính để thống nhất. Khả năng sẽ ban hành trước thời gian Nghị định 18 của Chính phủ có hiệu lực vào ngày 1/6 tới.

- Vậy xin ông cho biết cách thu quỹ bảo trì đường bộ?

Ô tô sẽ thu thông qua hệ thống kho bạc nhưng qua đầu mối là đăng kiểm. Về hình thức có thể nộp trực tiếp hoặc đến kỳ đăng kiểm sẽ nộp, nhưng có điều kiện khi được cấp đăng kiểm của kỳ tiếp theo thì phải đóng phí bảo trì ở kỳ trước và đưa ra thời gian thu linh hoạt 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm để hợp với kỳ đăng kiểm.

- Quỹ Bảo trì đường bộ được thu qua đầu phương tiện, nhiều ý kiến cho rằng thu như vậy không công bằng khi xe đi nhiều đi ít phải đóng phí như nhau?

Đúng là khi một xe vận tải lăn bánh đều một tháng trên 2.000km thì mức phí có khi sẽ thấp hơn với xe chỉ chạy vài trăm km/tháng. Nhưng chúng tôi tính toán trên cơ sở trung bình.

Nếu thu qua xăng dầu thì có thể công bằng với phương tiện giao thông, còn người đánh cá, nông nghiệp sử dụng xăng dầu lại có bất cập.

Tôi cho rằng có cái mình chưa thể giải quyết hết được. Các nước hiện đại như Nhật Bản cũng thu theo đầu phương tiện và trọng lượng xe.

- Bộ GTVT và Bộ Tài chính có thể phối hợp để hoàn phí cho thành phần sử dụng xăng dầu không tham gia giao thông đường bộ?

Vấn đề là không có số liệu để ta bù cho ngành đấy hoặc phương thức bù thế nào. Đó cũng là bài toán phức tạp. Như đánh cá đi đường thủy thì biết bù bao nhiêu. Lại câu chuyện người đi đường thủy nói tôi chỉ đi 100 km/ tháng thôi nhưng có ông bảo tôi phải đi 5.000km.

Cho nên lấy mức phí ở mức chấp nhận được ở mức trung bình 1 xe con đi khoảng 1.500km/tháng. Các chuyên gia nước ngoài đánh giá cũng khá phù hợp.

- Với mức phí hạn chế phương tiện, khiến người dân băn khoăn phải đóng nhiều phí quá?

Bộ GTVT đã trình và tiếp tục giải thích. Khi các cơ quan có yêu cầu sẽ tiếp tục cung cấp các thông tin.

- Người dân rất muốn được giải thích, mức thu phí phương tiện cá nhân là 20-50 triệu đồng với ô tô dưới 9 chỗ và 500.000 - 1 triệu đồng với xe máy dựa trên cơ sở nào?

Cái này dựa trên cơ sở kinh nghiệm của các nước và mình đưa ra mức ban đầu như vậy.

- Nhưng nhiều ý kiến cho rằng so sánh với các nước là khập khiễng vì người trung lưu ở Việt Nam có khi mức sống bằng người nghèo ở nước khác?

Khi so sánh cũng so sánh với cái tương đồng như GDP là một cái mốc để mình so sánh chứ không chỉ so sánh thuần tuý. Ví dụ, phí đường cao tốc ở Trung Quốc 1 Nhân dân tệ/km nhưng GDP của họ gấp mấy lần ta.

Khi so sánh ta đưa về tương đối 1 mặt bằng để thấy cao so với thu nhập trung bình của người dân hay thấp với cái gì. Nếu so tuyệt đối thì chưa phản ánh hết tất cả.

- Các khoản thu phí bảo trì của người dân sẽ được minh bạch thế nào?

Đây là một nội dung chúng tôi đang bàn. Trong thông tư hướng dẫn, ngay khâu kế hoạch sẽ có hội đồng quản lý quỹ có thành phần có tính chất phi chính phủ như phòng thường mại công nghiệp VN. Dưới địa phương cũng có những đơn vị trung gian đại diện cho người dân nói chung. Phải có công khai về kế hoạch sử dụng năm này bao nhiêu tiền dùng vào dự án nào...

- Khi người dân nộp phí, Bộ GTVT có khẳng định chất lượng đường sẽ tốt hơn?

Cái này không phải tức thời ngay, nhưng các đoạn đường dần dần được đầu tư thì sẽ tốt dần lên. Cũng phải xây dựng tiêu chí đánh giá công khai chuyện đó.

Đã thu phí của người sử dụng đường thì phải công khai. Bộ GTVT sẽ đổi mới toàn diện trong quản lý duy tu đường bộ từ giao kế hoạch chuyển sang đặt hàng, đấu thầu, tiêu chí và sẽ được nghiệm thu như đường bằng phẳng, không có ổ gà…

Hàng năm sẽ có bước chuyển bằng km được sửa chữa bảo trì dài hơn trước kia.

- Bộ GTVT sẽ kiểm soát xe quá tải như thế nào để tiền đóng phí bảo trì đường bộ không vô ích?

Chúng tôi làm đồng bộ. Đề án kiểm soát tải trọng xe được Bộ GTVT gửi các địa phương và bộ ngành để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.

- Xin cám ơn ông!

Vũ Điệp (ghi)