- Diễn tiến dịch bệnh sớm hơn 7 tuần, nếu không can thiệp mạnh mẽ dịch bệnh năm nay sẽ tăng rất cao. Đặc biệt, bệnh có xu hướng xuất hiện và gia tăng tại các trường học…

Đây là lời cảnh báo được đưa ra trong buổi Hội nghị khoa học về chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh tay chân miệng diễn ra tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM vào sáng nay (20/3).

Trong buổi làm việc, TS Trần Ngọc Hữu – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết những tuần đầu năm 2012, tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đã diễn biến rất phức tạp.

Tính đến ngày 9/3, cả nước đã có 12.442 trường hợp mắc, 60/63 tỉnh thành đã có ca nhiễm bệnh, tổng cộng có 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2011, số ca mắc đã tăng gấp 7 lần, tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 3 tuổi. Riêng địa bàn TP.HCM, tổng số ca mắc nhập viện tính đến ngày 14/3 đã lên tới 1.351 ca, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Một bệnh nhi bị TCM đang điều trị tại BV Nhi đồng 1
Về độ tuổi nhiễm bệnh, TS Trần Ngọc Hữu cho biết bệnh tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 96,5%), 85% là trẻ dưới 3 tuổi. Ở độ tuổi trên, hầu hết trẻ đều được đưa đi học tại các trường mầm non, mẫu giáo tư thục hoặc cơ sở giữ trẻ.

Theo thống kê, năm 2011, trong tổng số ca mắc có 20% bệnh nhân có đi học, đã có 13 trường học phải đóng cửa 1 hoặc 2 lớp, 6 trường học phải đóng cửa toàn bộ để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Năm nay, tính trong 2 tháng đầu năm, trong tổng số các ca mắc TCM, có 15% là bệnh nhân có đi học và hiện tại con số này đang có xu hướng tăng lên.

Do đó, Viện trưởng Viện Pasteur khẳng định Sở Y tế, các cơ quan chức năng cần phối hợp đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời trong công tác phòng tránh, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh TCM. Đối với các trường học, thành công hiện nay là đã hạn chế tình trạng phải đóng cửa, duy trì học để đảm bảo điều kiện sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên lớp nào có 2 ca mắc trở lên có liên quan đến dịch tễ cần phải đóng cửa ngay, tiến hành các biện pháp để hạn chế nguy cơ lây lan.

Cuối tháng 2/2012, Bộ Y tế đã có công điện về việc triển khai chiến dịch quốc gia phòng, chống bệnh TCM. Ngày 5/3, UBND TP.HCM cũng đã có công văn gửi đến hệ thống cơ quan chức năng về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh TCM.

Ngày 16/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM và một số bệnh viện lớn trên địa bàn về tình hình dịch bệnh TCM. Thứ trưởng cũng đã khẳng định, Bộ rất coi trọng các biện pháp dự phòng nhưng trong thời kỳ hiện nay, việc điều trị, giảm ca tử vong TCM là nhiệm vụ tiên quyết.

M.Phượng