- “Hà Nội cần cương quyết dành lại vỉa hè cho người đi bộ. Cần tiếp tục triển khai quyết liệt việc cấm trông giữ xe tại lòng đường, vỉa hè một cách đồng bộ, liên tục. Phải tạo thói quen cho cả người thực thi công vụ và người tham gia giao thông…”.

Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ nhiệm Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia Đinh La Thăng cho biết trong buổi làm việc với Quận ủy Hoàn Kiếm , Hà Nội xung quanh các vấn đề về an toàn giao thông.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đi khảo sát các tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm.

Tại buổi làm việc, các vấn đề cấm trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường cũng như chủ trương xây dựng bãi đỗ xe tại quận Hoàn Kiếm đã được bàn bạc rất sôi nổi.
Theo Thượng tá Phạm Văn Thời, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, hiện quận đang khó khăn trong việc xử lý phương tiện bị bỏ lại. Việc bỏ lại hàng nghìn phương tiện hư hỏng đang gây lãng phí về tài sản.

Ông Thời dẫn chứng, năm 2011 quận thu 60 xe. Nhưng bán thì không đủ phí trả thuê bến bãi.

Ông Thời cũng nêu lên một thực tế, có nhiều xe bị phạt mức phạt cao hơn giá trị xe. Rồi mua bán không sang tên, không chứng minh được phương tiện để tra. Trong khi bến bãi không có phải đi thuê. Để xe vài năm, giá lúc đầu là vài trăm triệu, nhưng sau chỉ bán được vài triệu, vì chỉ còn sắt vụn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT cho biết, địa bàn quận Hoàn Kiếm tập trung nhiều cơ quan chính trị, thương mại nên giao thông tĩnh của quận hiện rất khó khăn. Vấn đề bức xúc nhất vẫn là thiếu bãi đỗ xe chưa thể giải quyết ngay được.

Mặc dù vậy, ông Hùng vẫn cho rằng, cần tập trung hạn chế đỗ xe tại lòng đường, vỉa hè trên các tuyến phố cấm đỗ, tận dụng tuyến phố còn lại để giải quyết giao thông tĩnh.

Nhất là trong thời gian tới thành phố cần di chuyển một số bệnh viện ra ngoài thì mới giảm được mật độ phương tiện tại nội đô.

Để giải quyết tình trạng thiếu điểm đỗ xe, Phó chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết: Hiện tại đã có 3 dự án bắt đầu được đầu tư trong hơn 30 bãi đỗ theo quy hoạch

Về cơ chế đầu tư, ông Khôi cũng cho biết: Với quận Hoàn Kiếm, thành phố sẽ ủy quyền cho lãnh đạo quận tìm đất trống ngoài bãi sông để xây dựng các bãi đỗ xe.

Và chỉ khi giải quyết được nhu cầu đỗ xe mới tạo thêm các tuyến đi bộ trong trung tâm.

Phó chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu tiếp tục quản lý vỉa hè để dành cho người đi bộ, không để tình trạng lấn chiếm hè đường làm nơi kinh doanh; dẹp lấn chiếm xong mới tính đến chuyện sắp xếp đỗ xe, trông giữ xe.

Trước quyết tâm của Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: Hà Nội cần cương quyết dành lại vỉa hè cho người đi bộ. Việc cấm trông giữ xe tại lòng đường, vỉa hè cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ và liên tục.

"Phải tạo thói quen cho cả người thực thi công vụ và người tham gia giao thông. Bộ GTVT sẽ cùng các cơ quan thanh, kiểm tra việc sử dụng lòng đường vỉa hè" - ông Thăng nói.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng khẳng định, cần phải quyết liệt giành đường cho người tham gia giao thông, vỉa hè cho người đi bộ. Tránh tình trạng hết tháng cao điểm ra quân rồi đâu lại vào đấy, tạo suy nghĩ đánh trống bỏ dùi gây tâm lý không tốt cho người dân.

Về chủ trương xây dựng bãi đỗ xe, ông Thăng cho biết, để kêu gọi được các nhà đầu tư tư nhân vào xây dựng hạ tầng giao thông, đặc biệt là bãi đỗ xe thì phải 'mở' ra được giá. Tuy nhiên, giá trông giữ xe phải tương xứng với chất lượng dịch vụ và vị trí từng nơi.

Ngoài ra, để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bãi xe ngầm, thành phố cần sớm có chủ trương, phân cấp triệt để cho các quận để thực hiện.

Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng: “Hiện nay nhiều cơ quan, tòa nhà khi thiết kế đều có chỗ đỗ xe, nhưng sau đó lại sử dụng không đúng mục đích, rồi tổ chức trông giữ xe ra vỉa hè, đường phố, đẩy bức xúc của mình cho xã hội”.

Ông Sỹ dẫn chứng, như Cung văn hóa thiếu nhi, trong khi ở khuôn viên cho thuê diện tích bán cà phê, nhưng lại dùng hè phố để trông xe. Cũng như vậy, tại Bệnh viện Việt Đức, điểm mà hiện tại đang là căng tin, chỗ bán thuốc, trước đây chính là nơi trông giữ xe, còn xe thì đẩy ra vỉa hè…
Gia Văn