- Cho rằng các điểm đỗ xe tại Hà Nội “loạn” lên cũng xuất phát từ chính công tác quản lý, bà Nguyễn Thị Thanh Lam, Phó giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nói: Việc sinh ra một doanh nghiệp chuyên doanh nhà nước quản lý thì mới đúng bản chất. Ai sai có thể “gõ” được ngay và việc quản lý cũng chuyên nghiệp hơn.

Sau khi Hà Nội tiến hành thu hồi giấy phép trông giữ phương tiện tại 262 tuyến phố tại 9 quận nội thành, bước đầu cho thấy các tuyến đường, hè phố đã thông thoáng hơn.

Tuy nhiên, việc thiếu nơi gửi xe đang khiến cho người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, dù việc quy hoạch xây dựng điểm đỗ đã được tiến hành gần chục năm nay nhưng thực tế lại bị biến tướng vì các mục đích khác.

PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Lam, Phó Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội:

- Hiện nay Hà Nội đang phân cấp việc trông giữ xe trên vỉa hè giao cho các quận. Theo bà, việc này có nảy sinh vấn đề về phân cấp khoán quản không?

Thực ra, xe đỗ trên vỉa hè chủ yếu của người dân trên địa bàn hoặc người ở nơi khác đến gửi. Thành phố giao cho quận, phường quản lý thì sẽ chuẩn hơn nhưng điều quan trọng chính quyền phải quản lý không để thu phá giá.

Cần phải siết chặt quản lý trông giữ xe để ai sai có thể “gõ” được ngay và việc quản lý cũng chuyên nghiệp hơn.

Cần phải quy định khu vực nào được trông giữ, không phải phường nào thích thì trông ở đấy mà phải siết chặt công tác quản lý.

Ngoài ra, các quận rà soát cùng với các cơ quan chức năng, sau đó lên danh mục sẽ sắp xếp được trật tự điểm đỗ xe ngay trên vỉa hè lòng đường sao cho phù hợp.

- Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, phân cấp chính quyền, cơ quan quản lý là đúng nhưng trách nhiệm lại không rõ ràng?

Năm 2008, khoán quản điểm trông giữ xe ban đầu thành phố chỉ cho thí điểm tại quận Hoàn Kiếm để xem xã hội hóa ra sao. Sau đó, hầu hết các quận đều làm công tác thí điểm này một cách ồ ạt nên càng lung túng. Nhiều điểm đỗ xe “loạn” lên cũng xuất xứ chính từ công tác quản lý.

Điểm đỗ xe mới đầu giao cho quận quản lý, trên văn bản là đấu thầu nhưng thực ra là quận phường chỉ định đơn vị nào được vào, đơn vị nào phải trả. Các điểm đỗ tự phát kinh doanh tận dụng vỉa hè làm điểm đỗ tràn lan dẫn đến vi phạm.  

- Hà Nội đã phê duyệt rất nhiều dự án bãi đỗ xe. Nhưng đến thời điểm này, các dự án đều đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Phải chăng các điểm đỗ xe vừa thiếu, vừa yếu là do công tác quy hoạch giao thông xây dựng chưa tính đến?

Thành phố ban hành Quyết định 165/2003, trong đó có việc xây dựng 9 điểm đỗ, gửi xe và hàng loạt các giải pháp khác từng là niềm tự hào cho bài toán giao thông tĩnh nội đô.

Các điểm đỗ xe nếu cứ thực hiện theo quy hoạch thì sẽ trật tự. Nhưng thực tế lại không như thế, quy hoạch bị phá vỡ, bến bãi đỗ xe bị biến thành trung tâm thương mại, vậy nên quỹ đất không còn nữa.

Cụ thể: Theo quy hoạch TP.Hà Nội đã cho xây bến ở cửa ngõ ở Gia Thụy (Long Biên) có 10 ha ở bên đấy thì nay là trung tâm thương mại, dưới Kim Ngưu, Hải Bối cũng tương tự.

Theo đúng quy hoạch 165, công ty có 9 dự án bãi đỗ xe. Công ty đang làm thì lại sát nhập vào Tổng công ty vận tải (trước công ty trực thuộc Sở). Hệ thống giao thông tĩnh không có người giúp việc chính thống là chúng tôi. Sở hay Viện chiến lược cũng chỉ dựa trên người đi làm cụ thể thì mới chính xác hơn về nhu cầu điểm đỗ.

- Đã có đánh giá nào về việc thực hiện thay đổi quy hoạch từ dự án bãi đỗ xe thành các trung tâm thương mại liệu có hợp lý hay phải xem xét lại không?

Hiện tôi được biết các Sở, ban, ngành, viện chiến lược, thành phố cũng có chỉ đạo, Thành ủy cũng có văn bản từ năm 2010 và đã yêu cầu các đơn vị tiến hành báo cáo, rà soát lại việc thực hiện quyết định 165 để có những biện pháp chấn chỉnh.

Tuy nhiên, đến nay, báo cáo rà soát này vẫn chưa được công bố ra dư luận. Việc thực hiện đúng, sai quy hoạch như thế nào vẫn chưa rõ.

- Theo bà, trong thời điểm hiện tại cần làm gì để thúc đẩy nhanh hơn việc xây dựng các điểm đỗ xe đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân?

Phí trông giữ xe hiện nay thực tế chưa cao, trong khi doanh nghiệp lập dự án luôn muốn thu hồi vốn nhanh. Vốn ngân sách chỉ thí điểm phần nào được thôi. Cơ chế quản lý phù hợp thì doanh nghiệp mới dám đầu tư.

Thành phố phải có nhiều bước đột phá, cơ chế phải thông thoáng hơn như cho vay vốn với mức lãi suất thấp, miễn thuế thuê đất... thì doanh nghiệp mới mặn mà.

Trông giữ xe là một loại dịch vụ mà doanh nghiệp cũng rất muốn đầu tư; người dân có nhu cầu và sẵn sàng trả tiền để sử dụng dịch vụ tốt.

- Xin cám ơn bà!

Gia Văn (thực hiện)