- Một trong số 10 cá Ông (cá voi) lớn nhất thế giới và là cá voi lớn nhất Việt Nam đã dạt vào bờ cách đây tròn 2 thế kỉ. Làng Sa Động, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) tự hào là nơi may mắn được thờ “ngài”.

Khắc hình Bác

Chúng tôi tìm về làng biển Sa Động, nơi thờ “thần biển” lớn nhất Việt Nam vào dịp làng vừa vinh dự đón nhận quyết định công nhận Lăng cá Ông là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Dẫn chúng tôi ra ngôi đình làng, nơi đã thờ “ngài” từ 200 năm nay, ông Trương Phương Xa (68 tuổi) người trông coi đình cho biết, hiện làng đang thờ 2 đốt sống của cá Ông ở đây. Trong đó, có 1 đốt được khắc ảnh Bác.

Ông Trương Phương Xa, người trông coi đình làng bên những tài liệu, hình ảnh về ngài của làng.

Cánh cửa đình được mở ra, trên bàn thờ trang trọng, bên trong chiếc tủ kính có một đốt sống cá voi được đặt sừng sừng. Xương vẫn còn trắng, sáng.

Theo ông Xa, đốt xương đó là đốt thứ nhất nặng 20kg của ngài.

Nét tạc ảnh Bác trên đốt xương đã bị phai đi chút. Tuy nhiên, hình ảnh rất đẹp, rất tinh tế.

Người khắc ảnh Bác lên đó không ai khác, chính là một người con của làng Sa Động. Ông là Phạm Phi Trường, là họa sĩ, một thời từng làm Phó GĐ Mỹ thuật Bình Trị Thiên.

Bộ xương cá voi của làng Sa Động đang được triển lãm tại Bảo tàng biển Việt Nam tại Đồ Sơn – TP. Hải Phòng.
 

“Sau khi Bác mất, cả nước tiếc thương vô hạn. Làng Sa Động chúng tôi cũng thế. Để đời đời nhớ Bác, tôn kính Bác dân làng đã họp bàn rồi quyết định khắc hình bác lên ngài để cùng thờ. Sau khi thống nhất, người có tài điêu khắc của làng được chọn chính là ông Trường” - ông Xa kể.

Cũng theo ông Xa, ý nghĩa của việc khắc hình ảnh Bác lên đốt xương của ngài là vì người dân biển quan niệm cá Ông là vị thần cứu giúp họ trên biển, mang lại bình yên, may mắn cho họ.

Còn Bác Hồ là vị anh hùng của dân tộc, người đã cứu cả dân tộc thoát khỏi nô lệ, để có cuộc sống hòa bình, hạnh phúc như hôm nay. Vì thế cả hai đều được làng tôn thờ, ghi ơn.

Cơ duyên “ngài” đến với làng

Theo ông Xa cũng như tài liệu của làng, vào một ngày tháng 4 âm lịch, năm Gia Long thứ 10 (1812), ở vùng biển Nhật Lệ có một cá Ông to lớn trôi dạt vào bờ.

Người dân vạn chài phát hiện tìm mọi cách để kéo “ngài” lên.

Tuy nhiên, “ngài” quá to lớn, để đưa được lên bờ là cả vấn đề. Lúc đó lại đang gió Nam mạnh, mọi người không thể nào kéo được lên.

Bỗng có một người dân chài tên Khóa Thép đã thắp hương cầu: “Ngài linh thiêng thì nổi gió nồm và dâng nước lên cao, để con dân đưa ngài lên chôn cất và thờ phụng ngài”.

Dứt lời, trời bỗng nổi gió nồm (gió Nam), thủy triều dâng cao đẩy ngài vào tận cửa sông Nhật Lệ.

Hình ảnh Bác được khắc trên một đốt sống của cá Ông được thờ tại đình làng Sa Động.
 

Cá Ông sau đó được ngư dân làng Sa Động chôn bên động cát sát bờ sông Nhật Lệ. 10 năm sau họ khơi quật lên rồi xây đình làng, đưa bộ xương ngài về thờ ở đó.

Năm 1967, bom đạn Mĩ đã bắn phá làm hỏng đình làng, nhưng bộ xương của ngài thì vẫn được người dân bảo quản an toàn. Một năm sau đó, “Trung ương” về mượn bộ xương của ngài để triển lãm tại Bảo tàng biển Việt Nam ở Hải Phòng.

Tại đây, chiều dài bộ xương đo được là 20m, thiếu 2 đốt sống. Người ta khẳng định, khi còn sống cá Voi này phải dài 25m, nặng 130 – 150 tấn, là cá voi lớn nhất nước ta, và là tốp 10 cá voi lớn nhất thế giới.

Theo ông Xà, khi “Trung ương” mượn bộ xương ngài, một người dân đã bí mật cất giấu 2 đốt sống của ngài để thờ, vì họ không muốn mất đi vị thần của làng.

Năm 1995, làng quyên góp tiền, xây lại ngôi đình như hiện nay để thờ, với mong muốn “ngài” luôn phù hộ cho họ an toàn, may mắn mỗi chuyến ra khơi.

Theo ông Xa, cũng từ khi người của “Trung ương” về đưa ngài đi, thì người làng bặt vô âm tín, không biết ngài được đưa đi đâu, được bảo quản như thế nào.

Cho đến tháng 8/2010, làng quyết định góp tiền, cử một số người đi tìm tung tích của ngài.

Phải lùng sục khắp các tỉnh ven biển phía Bắc, cuối cùng người làng cũng đã tìm được “ngài” tại Bảo tàng biển ở Đồ Sơn. Vừa mừng, vừa tủi, các bậc cao niên của làng đã chắp tay vái lạy ngài mà chảy nước mắt.

Họ trình bày nguyện vọng của làng là muốn được đưa “ngài” về với làng để thờ nhưng không được chấp nhận.

Ngài đã từng thuộc về làng chúng tôi. Nguyện vọng tha thiết của làng là xin được đưa ngài về để thờ cúng, để tế lễ hàng năm. Nếu nguyện vọng này được chấp nhận thì thật là phúc đức. Còn không thì người làng buồn lắm, ngày nào chưa đưa được ngài về là trong lòng người con làng biển này vẫn thấy trống vắng”, ông Xa chia sẻ.

Trần Văn