- Ngày 28/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có xác nhận chính thức về trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 thứ 3 kể từ đầu năm 2012 đến nay.

Theo đó, bệnh nhân là nam, 22 tuổi, nhiễm cúm A/H5 đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM. Ngày 24/2, kết quả xét nghiệm vi sinh học tại Bệnh viện nhiệt đới cho thấy bệnh nhân được xác định nhiễm cúm A/H5N1.

Bệnh nhân quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cư trú tại phường Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một và làm việc tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân có tiền sử tham gia giết mổ, ăn thịt và tiết canh vịt.

Dịch cúm gia cầm H5N1 đang có diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa: ANTĐ)


Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính của bệnh nhân này, lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM đã làm việc với lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương nhằm triển khai các phương án siết chặt, không để cúm A/H5N1 lây lan ở tỉnh Bình Dương.

Tất cả những trường hợp tiếp xúc với người bị nhiễm cúm A/H5N1 đều được cách ly để kiểm tra.

Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương đã lấy mẫu xét nghiệm tất cả gà, vịt nuôi và tịch thu gia cầm sống được buôn bán trôi nổi quanh khu vực có bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H5N1 sinh sống.

Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát và phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm A/H5N1.

Từ đầu năm 2012 đến nay cả nước đã phát hiện 3 trường hợp mắc cúm A/H5N1, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.

Bộ Y tế nhận định: Hiện nay dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm đang xảy ra tại nhiều địa phương trên toàn quốc và có nguy cơ xảy ra trên phạm vi rộng.

Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 lây truyền từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân không giết, mổ gia cầm ốm, chết và gia cầm không rõ nguồn gốc; Không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ;

Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

Hiện nay, theo báo cáo của Cục thú y (Bộ NN&PTNT), cả nước có các tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Nam, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Nam Định có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

Dịch cúm gia cầm H5N1 được dự báo có nguy cơ lan rộng và kéo dài do thời tiết bất lợi, vắc-xin ít đáp ứng, công tác phòng chống chưa hiệu quả do chủ quan, lơ là, …

Dịch cúm gia cầm H5N1 xảy ra trên gia cầm và lây lan sang người qua đường hô hấp.

Bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 có nguy cơ tử vong cao (đến nay là 100%).

N.Anh