- Sau những phân tích về tính hiệu quả mà đơn vị thu phí cao tốc TP.HCM- Trung Lương đưa ra, hầu hết xe tải nặng và container đã quay lại lưu thông trên QL1A.


Container “chê” cao tốc, quay về… giảm tốc

Đúng như đánh giá và dự báo của nhiều chuyên gia, ngày đầu tiên thu phí cao tốc TP.HCM- Trung Lương, hầu hết xe tải nặng và container đã tiếp tục hoặc quay trở lại lưu thông trên QL1A.

Ghi nhận của VietNamNet tại trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa thuộc địa phận Tiền Giang, vào thời điểm trước 8h ngày 25/2 có một số xe tải nặng trên 18 tấn vẫn lưu thông qua cao tốc vì biết chưa phải mất 320.000 đồng tiền vé.


Xe container chọn QL1A dù biết đường xấu hơn và xa hơn cao tốc.

Tuy nhiên, ngay sau thời điểm này khoảng 1 giờ, hiếm hoi lắm mới thấy một xe tải nặng xuất hiện, riêng container thì tuyệt nhiên…vắng bóng. Tại điểm giao giữa QL1A với đường dẫn vào cao tốc TP.HCM- Trung Lương, một số xe tải nặng còn dừng lại nghe ngóng thông tin thời điểm thu phí chính thức.

Sau đó, biết chính xác 8h sẽ thu phí, tài xế đã chọn QL1A chứ không đi cao tốc nữa. Huỳnh Công Phương ( 24 tuổi, ngụ Thủ Đức) tài xế xe đầu kéo container 40 feet chở hàng sắt thép đi Cần Thơ dí dỏm nói: “Công ty em vẫn chưa đồng ý cho đi cao tốc vì phí cao quá, các sếp bảo thế nên tài xế chỉ biết chào cao tốc mà quay lại QL1A dù biết đường này xấu hơn và xa hơn”.

Theo anh Phương, hiện nay một số xe tải dù biết cao tốc thu phí cao nhưng vẫn đi lý do vì những xe này chở quá tải nhiều, nếu đi QL1A gần như chắc chắn bị CSGT xử phạt. Cho đến trưa ngày 25/02, chưa có xe tải nào bị phạt lỗi quá tải khi qua cao tốc TP.HCM- Trung Lương.


Một tài xế nhăn nhó khi trả tiền thu phí tại trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa.

Trong khi lực lượng CSGT của Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67) và CSGT 3 tỉnh TP.HCM, Long An và Tiền Giang được tăng cường rầm rộ tại 2 trạm thu phí Chợ Đệm và Thân Cửu Nghĩa để hỗ trợ công tác điều tiết, chỉ dẫn xe qua trạm thì phía QL1A, áp lực giao thông tăng lên trông thấy.

Khoảng 13h cùng ngày, trên QL 1A đoạn qua thành phố Tân An, tỉnh Long An, xe tải nặng và container có lúc nối đuôi nhau thành hàng dài dù không phải giờ cao điểm.

Một người dân địa phương cho hay, thông thường khoảng 5h sáng và chiều tối các ngày, những xe này mới qua lại nhiều. Từ lúc cao tốc TP.HCM- Trung Lương chính thức thu phí, cánh tài xế dù biết đường QL1A xấu hơn, thời gian sẽ chậm hơn nhưng vẫn đi.

Hiệu quả kinh tế?

Bộ giao thông vận tải đã từng đàm phán với Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC - thuộc Ngân hàng đầu tư và phát triển) về việc bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM- Trung Lương.

Theo dự thảo của hợp đồng, nếu đồng ý tham gia BEDC phải thanh toán cho Nhà nước khoảng 9.156 tỉ đồng trong 30 tháng kể từ khi tiếp nhận đường cao tốc với thời han được thu phí là 25 năm.


Hầu hết xe qua trạm trong ngày đầu thu phí cao tốc TP.HCM- Trung Lương là xe du lịch.

Mức thu phí đã được Bộ tài chính quy định là 1.000 đồng/km đối với xe con tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cuối năm 2011 BIDV thông báo không mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nữa với 2 lý do: khó khăn trong việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và hiệu quả tài chính của dự án thấp.

Sau khi BIDV chính thức tuyên bố rút lui, Bộ GTVT đã đề xuất xin Thủ tướng cho phép Cửu Long CIPM được tổ chức thu phí tuyến đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương và được chấp thuận.

Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Cửu Long CIPM cho biết hiện đang bắt đầu tìm kiếm nhà đầu tư muốn mua lại quyền thu phí đường cao tốc để lấy tiền đầu tư các dự án khác theo yêu cầu của Bộ giao thông vận tải.

Trả lời về việc các ý kiến cho rằng mức phí quy định đối với cao tốc TP.HCM- Trung Lương quá cao, ông Minh nói: “Xe đi trên đường cao tốc sẽ rút ngắn khoảng 11 km so với đi quốc lộ 1, tiết kiệm nhiên liệu từ 27.000 đến 30.000 đồng/xe tiêu chuẩn. Trong khi phí đi trên cao tốc cho xe tiêu chuẩn từ Chợ Đệm đến Thân Cửu Nghĩa (suốt tuyến cao tốc) chỉ 40.000 đồng”.

“Chi phí chênh lệch không nhiều nhưng thời gian đi lại sẽ rút ngắn đáng kể, còn khoảng 30 phút so với 60 phút nếu đi trên quốc lộ 1. Chúng tôi tin rằng tài xế sẽ thấy được những lợi ích này và tiếp tục chọn đi đường cao tốc”, ông Minh phân tích.

Tuy nhiên, trên đây là bài toán với với xe tiêu chuẩn của đơn vị thu phí. Trên thực tế, một doanh nghiệp vận tải ở quận 8 cho hay, xe tải chở bột mì chỉ lời được khoảng 350- 400 ngàn đồng sau khi khấu trừ các chi phí. Nếu đi cao tốc phải đóng phí 640 ngàn đồng thì bị lỗ là điều chắc chắn vì các xe này hầu hết chỉ đi một chiều chở hàng, một chiều… xe không.

Quốc Quang