- Hai ngày sau khi việc “xóa sổ” hàng trăm điểm trông giữ xe trên lòng đường, hè phố được thực hiện, người dân Hà Nội vẫn khá lúng túng, thậm chí khốn đốn với quy định này.

Vạ vật tìm chỗ đỗ xe

Vòng vèo mãi mới được một chỗ đỗ xe an toàn tại một con ngõ nhỏ trong khu Làng Quốc Tế Thăng Long, anh Nguyễn Văn Hùng – lái xe taxi hãng Mỹ Đình mới thở phào nhẹ nhõm.

Đến bây giờ anh mới có thể nghĩ đến việc “tranh thủ” chợp mắt một chút.

Anh Hùng cho biết: “Về quy định mới, xóa các điểm trông giữ xe trên các tuyến phố Hà Nội, công ty chúng tôi đã phổ biến và hầu hết đều nắm được nhưng thực sự anh em rất không đồng tình!”.



Xe đậu hàng dài trên đường Nguyễn Phong Sắc, đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy – Hà Nội)

Anh Hùng bức xúc nói: “Hai hôm nay mình cứ phải vạ vật ngoài đường để tìm chỗ đỗ xe an toàn. Lớ ngớ là bị phạt ngay. Nhưng bãi đỗ xe không có, đành phải chui vào những ngõ ngách, hoặc lang thang tìm những khu như khu đô thị để đỗ xe thôi. Thực ra ở đây họ cũng cấm, nhưng không gắt lắm nên mình mới dám dừng vì không làm cách nào khác được”.

Sau lệnh cấm taxi một số tuyến đường, nay lại đến quy định dẹp bãi đỗ xe, cánh tài xế như anh chịu thiệt thòi không ít vì ảnh hưởng tới thu nhập.

Anh lý giải, vì phải vòng vèo đón khách chứ không tìm được chỗ đỗ xe nên lượng xăng hao hụt tăng, tài xế phải chịu. Khách cũng ít hơn ngày thường.

“Mình cũng là người dân lao động, làm việc đàng hoàng. Biết rằng quy định muốn tốt cho thành phố, nhưng cứ hết cấm này cấm khác mà không xem xét kỹ, không lường trước những khó khăn, bất lợi của người dân thì quá vô lý!” – anh Hùng nói.

Quả thực, việc các bãi đỗ xe bị “xóa” khiến các tài xế rơi vào cảnh khóc dở mếu dở. Không tìm được chỗ đậu, họ phải chui vào khu đô thị, vào các con đường nhỏ, “tranh thủ” để đỗ.

Cũng có nhiều lái xe biết có quy định nhưng vẫn bất chấp vì “cực chẳng đã”. Ghi nhận của PV, dọc các phố Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Phong Sắc... từng hàng dài ô tô nối đuôi nhau đậu đỗ.

Anh Hoàng Văn Thảo (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh có nghe nói về quy định, bản thân anh đồng tình, nhưng quy định này có “vấn đề”.

Anh nói: “Theo tôi quy định là đúng, đáng lẽ phải được thực hiện từ lâu là đằng khác. Nhưng không thể nói cấm là cấm được vì lượng người, vì hạ tầng giao thông của Hà Nội còn rất yếu. Lượng xe thì quá lớn, nếu không có phương án để xe hợp lý cho người dân thì chắc chắn quy định này không thể được chấp hành nghiêm chỉnh được”.

Vài hôm sẽ… lắng?

Theo quy định mới, các nhà hàng sẽ bị xử lý nếu cho khách để xe tràn ra vỉa hè, lòng đường.

Tuy nhiên nhiều nơi vẫn “phớt lờ”. Trưa chiều ngày 16/2, dọc phố Xuân Thủy, Cầu Giấy vẫn tồn tại tình trạng ô tô, xe máy ngang nhiên đậu đỗ trên vỉa hè, lòng đường.

Một số nhân viên bảo vệ quán cà phê Maxx – Xuân Thủy, Cầu Giấy cho biết, hôm đầu tiên quy định xóa bãi đỗ xe, lực lượng công an giao thông làm việc rất gắt gao, xử lý nhiều vụ vi phạm. Nhưng đến hôm nay thì “đâu lại vào đấy”.

Khách hàng ngang nhiên đậu, đỗ xe trên lòng đường, vỉa hè.

“Quanh đây cũng chẳng có chỗ để xe nào khác. Nếu cấm thì khác gì cấm khách vào quán. Chắc vài hôm sẽ “lắng” thôi” – anh này nói.

Chị Trần Thị Quyên, một khách hàng tại quán cho rằng, “cấm kiểu này thật thì không khác gì đánh đố” bởi: “Chẳng lẽ cứ phải đi tìm cửa hàng nào có chỗ để xe cho khách để vào mua? Con đường này rộng, mình để xe cũng chẳng ảnh hưởng gì đến giao thông thì tại sao không cho để? Hơn nữa mình không phải là người ở đây, biết chỗ nào có bãi đỗ xe mà vào cả”.

Khổ hơn cả là người dân phải gửi tại các bệnh viện. Mặc dù đã có quy định nhưng tại BV Phụ sản Hà Nội các bãi đỗ xe trên vỉa hè vẫn chưa bị dẹp bỏ.

Điểm trông xe BV Phụ sản chật cứng bất chấp quy định “cấm”

Một nhân viên trông xe chỉ cười trừ mà rằng: “Không để đây thì không để đâu được hết, kể cả cấm thì có việc người nhà bệnh nhân người ta cũng vẫn để như thường!”.

Anh Hưng, một người dân vào BV chăm sóc người nhà cho biết: “Tôi đã phải lòng vòng cả tiếng đồng hồ, hết từ Viện K sang Việt Đức, lại sang đây mới tìm được chỗ gửi xe. Ở đâu cũng trưng biển hết chỗ, nhân viên trông xe thì hách dịch, mình đi gửi xe mà cũng phải năn nỉ, xin xỏ”.

“Lợi bất cập hại”, những quy định như quy định “dẹp” bãi đỗ xe của Hà Nội khó có thể áp dụng một cách triệt để nếu không có những tính toán, cân nhắc cho phù hợp với nhu cầu của người dân.

Minh Tâm