- Những ngày đầu xuân, hàng ngàn du khách từ khắp nơi đã đổ xô đến làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá để dự lễ hội khai hạ (diễn ra từ mùng 8 - 15 tháng Giêng hàng năm) và ngắm suối cá thần.

Suối cá thấn Cẩm Lương (còn gọi là Mó Ngọc), nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc Bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá (cách trung tâm thành phố Thanh Hoá hơn 80 km về phía Tây Bắc).

Đàn cá ở suối cá thần này có hàng nghìn con lớn, nhỏ. Mỗi con cá có thể nặng từ 2 kg đến 8 kg, có cá chúa nặng tới 30 kg. Hình thù các loài cá ở đây rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng... Mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc rất đẹp.


Dòng suối nhỏ rộng khoảng 3m, từ ngoài vào, đã nhìn thấy những đàn cá con tung tăng. Càng vào sát chân núi, càng nhiều cá lớn. Ngay cửa hang, hàng nghìn con cá to bằng bắp chân nằm sát bên nhau, kín đặc cả suối.

Vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20 cm đến 40 cm, nước trong vắt, có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá thần. Đây là điều hấp dẫn nên đã thu hút hàng nghìn lượt du khách đến suối cá thần Cẩm Lương mỗi năm. Tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không bao giờ tanh. Người dân ở đây vẫn thường nấu ăn bằng nước của dòng suối này.

Người ta tin rằng cá ở đây linh thiêng nên mọi người chỉ đến chiêm ngưỡng và cầu may, không ai được đánh bắt.


Du khách thích thú ngắm đàn cá đông đúc hàng vạn con. Trung bình mỗi con nặng 2 đến 8kg. Đặc biệt, có ngày người ta nhìn thấy chú cá ông nặng trên 30 kg.

Theo niềm tin của người dân bản Mường trong vùng, đây là giống cá thần. Sự sung túc của đàn cá trên dòng suối sẽ đem lại sự bình yên no ấm cho cuộc sống của bà con dân tộc Mường, nên truyền đời người dân trong khu vực luôn gìn giữ nuôi nấng, không ai dám ăn thịt loại cá này, vì đó là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây ra tai hoạ cho mình mà còn cho cả cộng đồng.

Thanh Lê