- Kỹ sư Lê Văn Tạch đã bày tỏ những quan ngại của mình khi xuất hiện ồ ạt dụng cụ, thuốc tiết kiệm xăng trên thị trường.

Theo kỹ sư Tạch, để giảm mức tiêu hao nhiên liệu cho phương tiện nhưng vẫn giữ đựợc các yêu cầu kỹ thuật cần thiết như: độ an toàn, khả năng vận hành… thì độ bền của phương tiện là một trong những tiêu chí quan trọng cho bất kỳ một mẫu xe ô tô hay xe máy phổ dụng ngày nay.

Tuy nhiên, để đạt được điều này thì đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa kết cấu cơ khí, chất lượng gia công của các linh kiện, hệ thống điều khiển nhiên liệu và khí sao cho tỷ lệ không khí và nhiên liệu là tối ưu và nhiên liệu cháy đúng thời điểm.

Kỹ sư Lê Văn Tạch đã bày tỏ những quan ngại của mình khi xuất hiện ồ ạt dụng cụ, thuốc tiết kiệm xăng trên thị trường.

Bởi vậy, các nhà thiết kế đã tính toán kỹ lưỡng để có mẫu xe bán ra thị trường sao cho vừa tiết kiệm nhiên liệu tối đa, vừa đảm bảo an toàn.

Viên “tiết kiệm xăng” hay dụng cụ tiết kiệm nhiên liệu có thể làm tăng khả năng bay hơi của nhiên liệu dẫn đến làm tăng hiệu suất cháy của nhiên liệu (vì nhiên liệu chỉ cháy được khi ở dạng hơi).

Trong trường hợp này có thể làm tăng hiệu suất của động cơ nên có thể giảm được mức tiêu hao nhiên liệu. Tuy nhiên, nó không mấy tác dụng trên các dòng xe sử dụng kim phun điện tử mà có thể có tác dụng đối với các dòng xe sử dụng bộ chế hòa khí và xe cũ.

Cũng theo kỹ sư Tạch, việc sử dụng các loại thuốc, dụng cụ tiết kiệm nhiên liệu có thể dẫn tới nguy cơ mất an toàn. Nếu chế tạo ra các dụng cụ tiết kiệm xăng như vậy thì các nhà thiết kế chuyên nghiệp của các hãng xe lớn đã không thể bỏ qua.

Về việc hiện nay, một số tài xế taxi, xe tải nghe theo lời quảng cáo đã đổ xô đi mua thuốc tiết kiệm xăng để thu lợi nhuận, kỹ sư Tạch khuyến cáo: phần lớn các xe taxi là những dòng xe có cấu hình kỹ thuật thấp, động cơ vẫn dùng loại chế hòa khí và xe đã cũ nên dễ xuất hiện các sự cố.

Bởi thế, các lái xe không nên sử dụng phương pháp này khi chưa có cơ quan kiểm định về chất lượng cũng như cảnh báo sự nguy hại có thể xảy ra.

“Chưa thể khẳng định việc thời gian qua ô tô, xe máy bị cháy hàng loạt liên quan đến các thiết bị, dụng cụ tiết kiệm xăng này. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần xem xét, nghiên cứu có phải đó là một trong những nguyên nhân gây ra cháy xe hay không” – kỹ sư Tạch cho biết.

Theo kỹ sư Tạch, việc sử dụng các loại thuốc, dụng cụ tiết kiệm nhiên liệu có thể dẫn tới nguy cơ mất an toàn

Liên quan đến vấn đề chất lượng của các loại “thuốc lắc” dành cho ô tô và xe máy, Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (Bộ KH-CN) cũng đã có văn bản khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng.

Cơ quan này cũng cho hay, viên tiết kiệm xăng hay dung dịch tiết kiệm xăng trên thị trường Việt Nam hiện nay chưa được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, chưa được Bộ KH-CN cấp đăng ký sử dụng theo quy định về sử dụng phụ gia. Bởi vậy, người tiêu dùng nên thận trọng để tránh việc cháy, nổ có thể xảy ra với phương tiện.

PGS - TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng động cơ đốt trong Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định không có chuyện thiết bị tiết kiệm xăng tiết kiệm được 20-30% nhiên liệu như trong quảng cáo.

Nếu có cũng chỉ tiết kiệm được 5- 10 % nhiên liệu là cùng. Và người nào phát minh ra dụng cụ tiết kiệm xăng đó, chắc sẽ đạt giải Nobel!

Theo một số Giáo sư đầu ngành về Động cơ, nếu quả thực có dụng cụ hay thuốc tiết kiệm nhiên liệu thì đó là một phát minh lớn. Và đã là phát minh lớn thì không thể bán với cái giá rẻ mạt như vậy. Các kỹ sư đầu ngành này khuyến cáo người tiêu dừng không nên tin vào lời quảng cáo mà ảnh hưởng đến an toàn cho tính mạng và tuổi thọ của động cơ.

Hoàng Sang