Một điều khá bất ngờ trong vụ Chống người thi hành công vụ ở Hải Phòng là đối tượng Đoàn Văn Vươn (49 tuổi) ở thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là người từng được vinh danh “kỳ tài” trong việc “chinh phục lời nguyền của biển”.

TIN BÀI KHÁC

Bố trí “hàng nóng” chống người thi hành công vụ

Vụ việc chống người thi hành công vụ ở Hải Phòng, những ngày qua, đang làm xôn xao dư luận. Nhưng điều khiến nhiều người ngỡ ngàng nhất là trước đó, chủ đầm tôm Đoàn Văn Vươn từng là nhân vật được bao người mến mộ. Nghị lực phi thường trong lao động và sản xuất của Vươn đã được độc giả biết đến qua những bài viết mà báo chí phản ánh vào năm 2010.

Chuyện xảy ra vào sáng ngày 5/1, gần 100 cán bộ, chiến sĩ công an huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế đầm lầy do Đoàn Văn Vươn (49 tuổi) ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng thuê.

Điều khá bất ngờ là chủ đầm tôm này đã có nhiều kế hoạch nhằm “đón” các cán bộ, chiến sĩ công an. Con đường độc đạo dẫn ra đầm và ngôi nhà dùng để trông coi đầm đã được chủ đầm tôm bố trí sẵn bình gas cùng mìn, súng, kích nổ, dao kiếm...

Không chỉ dừng lại ở đó, nhóm đối tượng nấp trong ngôi nhà trông coi đầm dùng súng (loại bắn đạn hoa cải) liên tiếp bắn về phía lực lượng công an, quân đội đang làm nhiệm vụ khiến 6 cán bộ, chiến sĩ trúng đạn bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Nạn nhân của vụ xả súng (Ảnh: VietNamNet)

 

Chiều 6/1, công an Hải Phòng đã bắt chủ đầm tôm Đoàn Văn Vươn, vợ của Vươn là Nguyễn Thị Thương cũng bị cơ quan công an tạm giữ từ sáng ngày 5/1.
 
Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, nhưng điều khiến nhiều người khó có thể lí giải đó là tại sao từ một kĩ sư được báo chí ca ngợi như một tấm gương Đoàn Văn Vươn lại có những hành vi đầy tính côn đồ, manh động đến như vậy?

Chủ đầm tôm và quá khứ “vang bóng một thời”

Nhiều người vẫn chưa thể quên bài báo được đăng vào ngày 22/7/2010, khi Vươn là nhân vật được báo chí hào phóng tặng cho danh hiệu “Kỳ tài đất Tiên Lãng”.

Trong bài báo này, Đoàn Văn Vươn, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Vươn đã từ bỏ giảng đường đại học để lập nghiệp với hai bàn tay trắng và vùng đất được gọi là bị “lời nguyền của biển”.

Đoàn Văn Vươn đã quyết làm một điều gần như không tưởng: chinh phục "thần" biển. Chinh phục cả nỗi khát khao không chịu đầu hàng số phận. Thế là từ cuối những năm 80, những viên đá đầu tiên được chàng trai Đoàn Văn Vươn mang đến trong cuộc trường chinh lấn biển, tạo hành lang bảo vệ để lấy diện tích khai thác nuôi trồng thuỷ sản”. Báo D. đã nói về công việc của Vươn ở những tháng ngày đầu tiên lập nghiệp.

Ông trưởng thôn Thúy Nẻo, Đoàn Văn Mễ (54 tuổi) cũng chia sẻ trên báo Tiền phong ngày 6/1/2012, Vươn sống hiền lành, rất cần cù được làng xóm quí mến, chưa từng vi phạm pháp luật.

Gia đình còn nghèo nhưng Đoàn Văn Vương đã vay mượn tiền tỉ quyết đầu tư hết vào đầm nuôi trồng thủy sản cùng người em trai là Đoàn Văn Quý.

Năm 1993, vợ chồng Đoàn Văn Vươn kéo nhau ra bãi bồi hoang ven biển đầu tư tiền của, công sức cải tạo thành đầm nuôi trồng thủy sản. Đứa con gái đầu của hai vợ chồng đã không may bị chết đuối tại đầm từ nhỏ khi theo bố mẹ đi khai hoang...

Nguyên nhân

Được biết, khi UBND huyện Tiên Lãng có quyết định thu hồi đất tại khu vực trên thì nhiều chủ đầm, trong đó có Đoàn Văn Vươn đã từng phản đối. Bởi, họ đã đầu tư nhiều tiền bạc, công sức để cải tạo đất bãi bồi ven sông thành những đầm nuôi thủy sản, nếu bị thu hồi, họ sẽ trắng tay và khó thoát khỏi cảnh nợ nần.

Lực lượng cảnh sát huyện Tiên Lãng tham gia công tác cưỡng chế. (Ảnh: Báo Hải Phòng)

 

Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết trên báo Thanh niên, Đoàn Văn Vươn được giao đất với thời hạn 14 năm, hết hạn vào năm 2009, mức thuế đóng chỉ là 6 tạ thóc/năm cho cả diện tích khu đầm gần 40 ha.

Theo quy định của Luật Đất đai, khi hết thời hạn giao đất, chính quyền địa phương sẽ thu hồi. Nếu người được giao còn nhu cầu, chính quyền sẽ chuyển sang hình thức cho thuê đất.

Từ năm 2009 đến nay, cơ quan chức năng đã nhiều lần yêu cầu Vươn bàn giao lại khu đầm để sau đó nếu anh có nhu cầu và làm đơn, UBND xã sẽ đứng ra cho thuê.

Tuy nhiên, anh Vươn và các chủ đầm khác không đồng ý mà yêu cầu chính quyền phải giao đất chứ không thuê đất. Phải chăng vì đã đổ mồ hôi sôi nước mắt cho mảnh đất khắc nghiệt này mà chủ đầm tôm đã có những hành vi bộc phát, thiếu suy nghĩ như vậy?

Liên quan đến vụ việc này, ngày 6/1, Cơ quan CSĐT CA TP Hải Phòng đã tiến hành khởi tố vụ án giết người, vụ án chống người thi hành công vụ, tiến hành tạm giữ chủ đầm nuôi trồng thủy sản Đoàn Văn Vươn (SN 1963) cùng vợ là Nguyễn Thị Thương, con trai là Đoàn Xuân Quỳnh, Đoàn Văn Sinh (em trai Vươn), Nguyễn Thị Huệ (em dâu Vươn), Đoàn Văn Vệ (cháu Vươn) để phục vụ điều tra.

Vụ việc đang trong quá trình điều tra nhưng nhiều người không khỏi  tiếc nuối cho Đoàn Văn Vươn khi “kỳ tài đất biển” chỉ vì thiếu suy nghĩ đã có những hành động làm mất đi hình ảnh, thành quả với bao nhiêu công sức dày công vun đắp.

Lê Minh (Tổng hợp)