Cung đường QL48C chạy qua phần lớn địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đang trở thành “cung đường chết” trong vòng 20 năm trở lại đây. Đã có ít nhất 3 vụ lật xe gỗ và con số người thiệt mạng liên quan đến gỗ lên tới 24 người.
>> "Cung đường gỗ lậu"


Khi người dân xã Châu Lý đưa tang các nạn nhân xấu số chết do gỗ đè đã râm ran kể lại cho nhau nghe chuyện quá khứ về chiếc xe chở gỗ ở những năm 90 làm 11 người chết. Và, cách đây 3 năm, một vụ lật xe ben chở gỗ làm thêm 3 người chết trên địa bàn xã nhà.


Và nóng nhất, mới nhất và ám ảnh nhất là vụ tai nạn lúc gần 4h sáng ngày 7/12, cướp đi tính mạng 10 người đàn ông trụ cột trong gia đình, 10 người vợ mất chồng và hàng chục đứa con thơ từ nay mất cha. Nghĩ đến cung đường QL48C chuyên chở gỗ lậu, ai ai cũng ám ảnh và hoài nghi trước sự bất lực của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Quá khứ hãi hùng

Giữa dòng người tiễn đưa các nạn nhân chết bi thương tại xã Châu Lý, chúng tôi được nghe kể về những vụ tai nạn thảm khốc do xe chở gỗ trên cung được QL48C đầy ám ảnh.
 

Cung đường QL48C đang trở thành nỗi ám ảnh trong vòng 20 năm trên địa bàn xã Châu Lý

Vụ tai nạn thảm khốc nhất là vào năm 1991 khi một chiếc xe chở gỗ có hàng chục người ngồi trên xe làm đủ các nghề như: đào vàng, chặt gỗ, bốc gỗ,… Đã có 11 người tử nạn.

Chiếc ô tô chất đầy gỗ quý lật nhào xuống khe Nậm Choọng, tại bản Choỏng (xã Châu Lý ngày nay) làm 7 người chết ngay tại chỗ và hàng chục người khác được đưa đi cấp cứu, sau đó có 4 người chết tại bệnh viện.

Ông Vi Hồng Xuyên, trú tại xã Châu Lý, từng có 1 người em bên ngoại chết thảm trong vụ tai nạn, đó là anh Vi Văn Bài (trú tại bản Bổn, lúc đó mới 17 tuổi) nhớ lại vụ tai nạn tang thương cách đây 20 năm: Khi vụ tai nạn lật xe gỗ xảy ra thì tui đang làm Thanh tra nhân dân xã Châu Lý, trên xe chở toàn gỗ lim, gỗ sến là loại gỗ quý hiếm cả.

Ngày đó, đoạn đường QL48C bây giờ rất khó đi, trên xe thì chở gỗ nặng, người đi đường cứ bám chặt sau thùng xe xin đi nhờ. Nào là những người làm vàng, làm gỗ, đủ các công việc. Trên xe chở gỗ đã nặng lại còn chở thêm hàng chục người trên xe nữa, hồi đó đi nhờ xe như thế nhưng không biết sợ.

Khi xe đi đến gần khe Nậm Choọng thì mất lái, lật úp cả xe gỗ cùng hàng chục người xuống khe nước. Khi tui lên đến nơi thì có xác chết đã trôi đi một đoạn phía dưới khe nước, có người đang chìm nghỉm dưới đống gỗ và có người đang vẫy tay ra tín hiệu kêu cứu".

Thời điểm đó ông Xuyên mới hơn 20 tuổi, trực tiếp đưa đứa em trai lên khỏi khe nước và đếm thì có 7 người chết tại chỗ, sau này có thêm 4 người chết tại bệnh viện.

Một sự trùng lặp ngẫu nhiên là vụ tai nạn lật xe chở gỗ cách đây 20 năm và vụ tai nạn rạng sáng ngày 7/12/2011, đều có 7 người chết thảm tại hiện trường.
Ông Vi Văn Xuyên mô tả lại vụ tai nạn thảm khốc cách đây 20 năm (1991) và gia đình ông có một người thân tử nạn. Ảnh: Quốc Huy

Nhưng chỉ có điều vụ tai nạn hàng chục năm trước, người dân xã Châu Lý chỉ mất duy nhất 1 mạng người và vụ tai nạn mới đây nhất là con số kinh hoàng: 10 người tử vong.

Trao đổi với ông Vi Văn Hoá, Bí thư Đảng uỷ xã Châu Lý (huyện Quỳ Hợp), ông xác nhận chính xác mốc thời gian xảy vụ tai nạn thảm khốc trên: “Tôi còn nhớ vào khoảng 5h chiều ngày 21/11/1991 (âm lịch), cũng là vào dịp này cách đây 20 năm về trước có 7 người chết tại chỗ.

Số người chết trên đều là những người đi nhờ xe và là những người làm gỗ, còn ở xã Châu Lý thời điểm đó chỉ có 1 người chết”.

Cung đường chết

Sau vụ tai nạn thảm khốc trên, người dân xã Châu Lý nói riêng và người dân huyện Quỳ Hợp và những huyện lân cận khác vẫn không ngừng vào rừng triệt hạ những cây gỗ lớn. Những người dân nghèo lương thiện nơi vùng núi heo hút lại phải tiếp tục chứng kiến những vụ tai nạn thảm thương liên quan đến xe chở gỗ.
 
Dốc Pù Huột trở thành ‘dốc chết’ trên cung đường QL48C đi qua xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông). Ảnh: Quốc Huy 

Cách đây 3 năm, năm 2008 lại xảy ra một vụ sau vụ xe ben chở gỗ làm 3 người chết cũng tại địa bàn bản Choỏng, trên trục đường QL48C, đi qua xã Châu Lý. Trong các nạn nhân, có 2 cha con trú tại xã Châu Thái (huyện Quỳ Hợp).

Ông Vi Hồng Xuyên và một số nhân chứng khác kể tiếp câu chuyện về cung đường với những vụ tai nạn thảm khốc cho chúng tôi nghe: “Địa điểm xảy ra tai nạn là cách trung tâm UBND xã Châu Lý khoảng 3Km, thời điểm chiếc xe bị là loại xe IFA chở gỗ đang đi thì bị lật nhào, có ít nhất là 3 người chết và nhiều người bị thương.

Vụ tai nạn này cũng chết vì liên quan đến gỗ và đa số chết nhiều là do xe chở gỗ. Tui còn nhớ là có 2 cha con ở xã Châu Thái ngồi trên xe bị nạn, đứa con thì chết ngay tại hiện trường, còn người cha thì đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Quỳ Hợp.

Khi đang được bác sĩ cấp cứu, ông ấy tỉnh dậy và hỏi, con trai tôi có bị làm sao không? Mọi người bảo cháu chết rồi. Thế là ông ấy ngất lịm, lăn đùng ra chết ngay tại bệnh viện”.
 
Hơn 10 đám tang tại xã Châu Lý sau vụ tai nạn ngày 7 tháng 12 vừa qua

Trong lúc kể chuyện vụ tai nạn thảm khốc, ông Xuyên còn miêu tả lại rất rõ ràng bằng những cử chỉ khiến người nghe cũng cảm nhận được những hình ảnh rùng rờn của 2 vụ tai nạn thảm khốc năm xưa.

Và gần đây, rạng sáng ngày 7/12/2011, sẽ là ngày mãi nhớ và khó nguôi trước nỗi đau tột độ của nhân dân xã Châu Lý. Những ngôi nhà tranh vốn đã xiêu vẹo, nay lại càng thảm thương và chênh vênh hơn bao giờ hết.

Và "cung đường chết", con đường vận chuyển gỗ lậu, đang trở thành nỗi khiếp đảm trong lòng những người dân nghèo phải lặn lội mưu sinh, bất chấp hiểm nguy.

Quốc Huy