– Sau khi mở diễn đàn về phong bì và y đức trong các bệnh viện, VietNamNet đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc, từ các bác sỹ, từ những chuyên gia và cả những người làm quản lý. Cái nhìn đa chiều, đến từ nhiều phía về vấn đề nóng bỏng này đã xới xáo lên những bất cập cũng như đưa ra cách thức giải quyết trước mắt cũng như về lâu về dài.

TIN LIÊN QUAN:

Phong bì gây bức xúc, làm xấu hình ảnh cán bộ Y tế

Phong bì lót  tay gây bức xúc, làm xấu hình ảnh cán bộ Y tế

Khảo sát của Công đoàn Y tế Việt Nam cho thấy có đến 45% số bệnh nhân được hỏi cho biết họ không hài lòng với cán bộ y tế và các thủ tục hành chính trong bệnh viện. Trong khi đó, khảo sát của VietNamNet cho thấy nhiều bệnh nhân cho biết họ bức xúc, mất lòng tin ở ngành y tế vì y đức cũng như thái độ phục vụ quá kém và họ không hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh.

Mỗi khi đi viện, ngoài mối lo lắng về bệnh tật trong người, họ rất lo lắng về chuyện sẽ được khám và đón tiếp ra sao, sợ bị bác sỹ mắng hoặc có thái độ thờ ơ lạnh nhạt, sợ phải chờ đợi quá lâu và không biết vào viện thì thủ tục sẽ phải như thế nào.

Các kết quả khảo sát trên cũng trùng khớp với kết quả trong nghiên cứu của RTCCD (Trung tâm đào tạo và phát triển cộng đồng – thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam).

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chỉ cần 1 năm, từ một nhân viên y tế "trắng tinh” sẽ biến thành một người "nghiện” phong bì. Phong bì trong dịch vụ y tế không làm chất lượng dịch vụ y tế tốt lên, mà ngược lại, nó làm cho niềm tin của người dân đối với nhân viên y tế giảm sút, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, không tin tưởng nhau giữa các nhân viên y tế.

Điều này cũng dẫn đến nguy cơ trong xã hội là người dân mất niềm tin vào nhau, vào chính sách y tế của Nhà nước.

Cái nhìn 2 chiều


Trong khi người bệnh kêu ca nhiều về việc cán bộ y tế vòi vĩnh phong bì thì ở chiều ngược lại, các bác sỹ cùng những nhà quản lý cho rằng người bệnh cũng rất cần hợp tác trong khâu khám chữa bệnh để giảm bớt tiêu cực. 

Bệnh viện K cấm cán bộ y tế nhận tiền và quà biếu của người bệnh và cho biết sẽ từ chối điều trị đối với những bệnh nhân cho tiền nhân viên y tế

Ông Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K đánh giá: “Tôi thấy ở đâu đó có một sự ích kỉ của người dân, ví dụ như khi tham gia giao thông ai cũng muốn chen ngang để mình được đi trước, còn trong bệnh viện thì bệnh nhân đến sau muốn khám trước, muốn được ưu tiên. Tôi nghĩ đây là lí do chính, tạo thành thói quen trong suy nghĩ và là động cơ đưa phong bì của người bệnh”.

Chưa hết, các bác sỹ hiện đang công tác trong các cơ sở y tế cho biết hiện nay, công việc và áp lực của họ quá căng thẳng bởi tình trạng quá tải trầm trọng ở các bệnh viện. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ đối với các y, bác sỹ hiện nay chưa thỏa đáng. Theo các cán bộ y tế, đây không thể là lý do biện minh cho những hành vi tiêu cực nhưng đã tạo điều kiện thuận lợi cho những cái xấu phát sinh.

Hạn chế phong bì, nâng cao y đức: Cần giải pháp tổng thể

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K cho rằng nguyên nhân khiến nạn phong bì tồn tại và khiến y đức xuống cấp đến từ nhiều phía. Đó là do quá tải bệnh viện, từ một số cán bộ y tế, từ người bệnh, … không muốn phải xếp hàng, chờ đợi giống mọi người.

Còn Tiến sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) – cho rằng y đức xuống cấp và nạn phong bì hoành hành không thể đổ lỗi cho một mình cá nhân người bác sỹ (dù vai trò cá nhân của họ là rất quan trọng). TS Tuấn cho rằng môi trường không tốt đã dung dưỡng cho cái xấu phát triển trong ngành y tế.

Theo đó, những “rối nhiễu” của cấu trúc hệ thống y tế nước ta (công – tư lẫn lộn, người bệnh bị coi là đối tượng sinh lợi khổng lồ, việc phân chia và giới hạn các tuyến khiến tình trạng quá tải thêm trầm trọng, vv…) là những nguyên nhân sâu xa và quan trọng nhất dẫn đến việc y đức xuống cấp và nạn phong bì phát sinh.

Những rối nhiễu đó tạo nên một hệ thống y tế thiếu minh bạch, không công bằng và hiệu quả. Cộng với việc bác sỹ lương không đủ sống thì những rối nhiễu đó nó vô tình đã tạo ra điều kiện “thuận lợi” cho những tiêu cực hình thành.

Đề xuất thành lập bộ phận giám sát chất lượng y tế độc lập để nâng cao minh bạch trong khám chữa bệnh.

Theo ông Trần Văn Thuấn, giải quyết vấn đề phong bì và y đức bệnh viện là việc phải làm dần dần, từng bước một và đồng bộ nhiều giải pháp, trước mắt thì chưa thể triệt để ngay được. Cùng với trau dồi y đức thì phải giải quyết quá tải bệnh viện và chăm lo đến đời sống cán bộ y tế.

Còn ông Trần Tuấn cho rằng Nhà nước phải cấu trúc lại hệ thống y tế theo 3 khu vực: Y tế tư nhân, y tế công lập và y tế nhân đạo, đồng thời thành lập bộ phận giám sát chất lượng y tế độc lập để nâng cao minh bạch trong khám chữa bệnh.

Theo đó, y tế tư nhân tập trung cho điều trị, y tế công lập tập trung cho dự phòng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Còn lại là y tế nhân đạo, tập trung giúp đỡ người nghèo. Đi liền với việc cấu trúc lại nền y tế cần đẩy mạnh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân.

Người bệnh chờ đợi

Bắt đầu từ tháng 9/2011, 5 bệnh viện lớn nhất tại Hà Nội đã được chọn để “thí điểm” triển khai Quy tắc ứng xử nâng cao Y đức, nâng cao văn minh trong giao tiếp.

Động thái này được ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá là “tốt nhưng chưa đủ, nếu không muốn nói là có thể nó sẽ mang tính hình thức”.

Tuy nhiên, ông Tiên cũng nhấn mạnh: “Những cuộc vận động hay phong trào như trên dẫu không thực tế thì ta vẫn phải làm, phải tuyên truyền dần dần để nâng cao nhận thức cho toàn xã hội thì nạn phong bì sẽ biến mất. Đây chỉ là một phong trào và phong trào này là cần thiết nhưng nếu không có kỷ cương hay giám sát chặt chẽ thì nó sẽ sớm mất dần”.

Từ phía người bệnh, dù khá “bàng quan” trước hiệu quả của những động thái này nhưng đại đa số vẫn kỳ vọng, chờ đợi sẽ có sự thay đổi, bởi những bất cập không thể cứ tồn tại mãi mãi, đến khi bất cập đã quá lớn thì những nhà quản lý không thể làm ngơ.

Ngọc Anh