- “Với biến động tăng trưởng của người và phương tiện tham gia giao thông tại Hà Nội như hiện nay, trong thời gian tới, nếu không có giải pháp mạnh mang tính đột phá thì nhiều tuyến phố Hà Nội sẽ luôn ở trong tình trạng quá tải, ùn tắc, bất kể giờ nào”.

PGS.TS Doãn Minh Tâm, thuộc Viện khoa học và công nghệ Giao thông vận tải cảnh tỉnh trước thực trạng giao thông Đô thị hiện nay.

Một thực tế đang tồn tại là cơ sở hạ tầng giao thông đô thị của Việt Nam phát triển chậm hơn kinh tế ít nhất là 15-20 năm. Điều này đang ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mặt khác gây ra sự ùn tắc và mất an toàn giao thông trong các đô thị lớn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, cần phải quy hoạch đô thị theo một cách làm mới, hướng tới sự phát triển bền vững.

Quỹ đất thiếu, phương tiện tăng nhanh

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, hiện quỹ đất dành cho giao thông nội đô ở Việt Nam còn quá thấp. Tỷ lệ giữa diện tích đường giao thông so với tổng diện tích đất của các quận nội thành Hà Nội là 3,51%; Hải Phòng là 3,09%. Trong khí đó, theo tiêu chuẩn chung của các nước tiên tiến, để đáp ứng giao thông thông suốt, chỉ số này phải đạt từ 20 -25%.

Tương tự, mật độ đường ở Hà Nội chỉ đạt 2,38 km/km2, Tp.Hồ Chí Minh là 1,44 km/km2; thấp hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn 5-6 km/km2 của các đô thị trên thế giới.

Báo cáo từ Sở GTVT Hà Nội cho thấy, tính đến 30/6/2011, số lượng xe ô tô tại Hà Nội là hơn 370.000 chiếc, xe máy là 3,7 triệu chiếc; xe đạp là 1 triệu chiếc. Trong khi đó, mạng lưới vận tải xe buýt của Hà Nội có hơn 1.200 xe, vận chuyển được trên 1 triệu lượt khách mỗi ngày cũng mới chỉ đáp ứng được 9% nhu cầu đi lại của người dân thành phố.

Quỹ đất thiếu, hệ thống vận tải công cộng còn nghèo nàn cùng với lượng phương tiện lưu thông nội đô quá lớn đang là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, đẩy tình hình an toàn giao thông ở các đô thị lớn ngày một xấu đi.

 

 

Theo ông Tâm, cần quy hoạch tổ chức phân luồng phân tuyến trên cơ sở quy hoạch tổng thể về tổ chức giao thông trên toàn bộ các tuyến đường giao thông tại Hà Nội và Hồ Chí Minh

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Doãn Minh Tâm, thuộc Viện khoa học và công nghệ Giao thông vận tải cho rằng, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ phương tiện và dân số tăng nhanh trong khi hạ tầng cơ sở giao thông tuy có tăng nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông đô thị diễn ra như là một quy luật tất yếu.

Viện KH&CN Giao thông vận tải cho biết, đến cuối năm 2020, cả nước có thể sẽ đạt tới 36 triệu mô tô, xe máy và khoảng gần 3 triệu ô tô, trong đó, xe con chiếm khoảng 50%. Hà Nội hiện có khoảng 4.000 km đường, chiếm 6-7% diện tích toàn thành phố, trong khi số dân thành phố vào năm 2019 có thể đạt tới 9,53 triệu. Với sự gia tăng 10-12% phương tiện cá nhân, hiện nay các tuyến đường đô thị đang bị quá tải bởi gần 400.000 ô tô cùng gần 4 triệu xe máy, xe đạp.

"Với biến động tăng trưởng của người và phương tiện tham gia giao thông tại Hà Nội như hiện nay, trong thời gian tới, nếu không có giải pháp mạnh mang tính đột phá thì nhiều tuyến phố Hà Nội sẽ luôn ở trong tình trạng quá tải – ùn tắc, bất kể giờ nào", ông Tâm lưu ý.

Tổ chức phương tiện hiệu quả

Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT và TP. Hà Nội, TP.HCM đã nghiên cứu và đề xuất nhiều biện pháp để góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn xảy ra thường xuyên.


Nguyên nhân theo ông Tâm là do cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ chưa sẵn sàng, cùng với hai vế cung - cầu liên quan đến nhu cầu và đáp ứng của giao thông nói chung chưa được giải quyết một cách thỏa đáng, do đó tình trạng ùn tắc giao thông đô thị không tránh khỏi.

Giải quyết cung - cầu giao thông chưa thỏa đáng nên ùn tắc là tất yếu

Theo ông Tâm, trước mắt, để hạn chế phần nào ùn tắc giao thông, cần phải có các giải pháp tổ chức giao thông một cách hiệu quả.

Cụ thể, cần phải giải quyết các dòng xe hỗn hợp – một trong những nguyên nhân chính gây ra ùn tắc giao thông đô thị. Theo đó cần quy hoạch, tổ chức phân luồng phân tuyến trên cơ sở quy hoạch tổng thể về tổ chức giao thông trên toàn bộ các tuyến đường giao thông tại Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Thứ hai, cần xem xét quy hoạch tổ chức giao thông tại các nút, trong đó tận dụng tối đa hiệu quả các nút đã được bố trí đèn điều khiển; tổ chức phân loại tất cả các nút giao thông trong thành phố để từ đó tiến hành xây dựng các phương án tổ chức và điều khiển giao thông qua nút tùy thuộc vào số liệu và đặc điểm dòng xe.

Đồng thời, thực hiện bố trí các bãi trông xe ô tô và xe máy trong ngày tại nhiều khu vực hợp lý trong thành phố để phục vụ trung chuyển giao thông. Đặc biệt, duy trì lệnh cấm xe tải đi vào các tuyến phố nội đô trong giờ cao điểm; thu lệ phí giao thông theo hình thức bán vé một chiều vào các giờ cao điểm đối với các xe ô tô từ ngoại tỉnh vào nhằm mục đích hạn chế xe vào nội đô trong các giờ cao điểm.

Cùng đưa ra các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông, ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, trong khi kinh phí đầu tư còn hạn hẹp thì nên ưu tiên tập trung phát triển mạng lưới khung về GTVT, trong đó lựa chọn một số công trình giao thông cấp bách có vai trò quan trọng trong việc làm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố để triển khai trước nhằm từng bước thực hiện mục tiêu đề ra là đến năm 2030, mật độ đường giao thông chính phải đạt 3,5-5 km/km2, tỷ lệ đất cho giao thông chiếm 20-26% quỹ đất xây dựng đô thị.

Ngoài ra, ông Hùng cũng cho rằng cần tập trung xây dựng các bến bãi đỗ xe trong nội đô, ven đô; xây các điểm trung chuyển đa phương thức, các bến xe đầu mối; ưu tiên các bãi đỗ xe cao tầng, đỗ xe ngầm, đỗ xe thông minh … nhằm giải quyết tình trạng thiếu bãi đỗ xe trầm trọng như hiện nay.

Gia Văn