- BS Trần Phúc, Giám đốc BV Đa khoa Ninh Thuận xác nhận: “Qua theo dõi phương pháp điều trị của TS Khải, chúng tôi nhận thấy về cơ bản các triệu chứng ngoài da của các cháu đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, bệnh TCM không phải chỉ điều trị các triệu chứng ngoài da...

Đã diễn ra 10 ngày huy động tổng lực để chống dịch tay chân miệng tại tỉnh Ninh Thuận, các cơ quan chức năng đã chủ động giám sát, kiểm soát và khống chế bằng nhiều biện pháp tích cực ở từng giai đoạn dịch.

Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, các bệnh viện trong tỉnh rất khó kiểm soát toàn diện vì đa phần việc giữ vệ sinh trong gia đình cho trẻ chưa thực hiện tốt.

 

Khi trẻ em bị sốt, nhiều gia đình tự mua thuốc điều trị mà không đến cơ sở y tế ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời, nếu bệnh nhân nhập bệnh viện quá trễ có nguy cơ dẫn đến tử vong.  

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại, Ninh Thuận đang triển khai rất nhiều biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống dịch TCM đang hoành hành.

Chúng tôi đã khảo sát thực tế tại một số bệnh viện khu vực tỉnh Ninh Thuận và chứng kiến trong những ngày này bệnh nhi nhập viện khá đông, hầu hết các bệnh nhi mắc bệnh dưới 5 tuổi, nhập viện với trình trạng triệu chứng ban đầu là sốt, mẩn ngứa toàn thân.

 

Mỗi ngày các bệnh viện trong tỉnh tiếp nhận hàng trăm ca khám nhi, chúng tỏ tình trạng dịch bệnh TCM chưa được kiểm soát toàn diện.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Sơn xác nhân: Suốt 10 ngày nay, có ngày chúng tôi khám gầm trăm ca bệnh nhi sốt và mắc bệnh TCM. Bệnh viện đã bị quá tải, điều trị nội trú phải nằm 2 cháu 1 giường. Hầu hết các trẻ mắc bệnh nằm trong vùng các xã công bố dịch, nhiều nhất là xã Lâm sơn.

Một số bà con dân tộc ở huyện Bác Ái cũng đưa con đến khám và điều trị như: trường hợp của cháu Katơr Thị Linh 3tuổi ở xã Phước Bình, tuần trước cháu Linh nhập viện sốt cao, nổi mụt đã lở loét lan rộng cả người, nay bé đã vui cười vì các vết thương khô lành.

'Chúng tôi áp dụng phác đồ điều trị của bệnh viện và áp dụng đầy đủ quy trình các biện pháp phòng ngừa nên chưa có trường hợp nào tử vong' – ông Hải nói.

Tại Bệnh viện Ninh Thuận, chúng tôi gặp cậu bé Duy Thanh 3 tuổi nhập viện được 3 ngày nay, các vết chấm đỏ ở chân vẫn còn hiện rõ nhưng không lở loét vì đã nhập viện sớm.

Mẹ cháu Duy Thanh là chị Nguyễn Thị Lài (36 tuổi) ở phường Mỹ Bình, TP Phan Rang - Tháp Chàm tâm sự: “Tôi ở trong Khoa Nhiễm bệnh viện này 3 ngày nay chứng kiến các bác sĩ làm việc rất có trách nhiệm. Hàng ngày khám cho thuốc và luôn nhắc nhở chúng tôi vệ sinh cho cháu sạch sẽ, thuốc điều trị uống vào thấy nhanh giảm. Tôi cũng thấy có “ông già Ô zon” đến thăm “xứt thuốc” cho các cháu nhỏ mắc bệnh nặng lở loét chân miệng. Ổng rất thương các cháu, đã đích thân làm vệ sinh và hướng dẫn người nhà “xứt thuốc”. Tôi thấy chỉ 1 ngày sau là vết lở khô lành'.

 

Trường hợp khác là cháu Chámlé Thị Zdánh (3 tuổi), con của chị Chamalé Thị Gánh (32 tuổi, ở xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc). Bé Zdánh nhập viện vì bệnh TCM đã được 7 ngày nhưng miệng và tay chân vẫn chưa hết lở loét.

Sau 3 ngày được “ông già Ô zôn” dùng dung dịch Anolyt lau rửa các vết loét trong miệng cũng như cho uống, chiều 13/11, bé và mẹ đã dạo chơi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Võ Đại - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch TCM của tỉnh đã đi thăm các bệnh nhi, khảo sát thực tế việc TS Nguyễn Văn Khải điều trị bằng dung dịch Anolyt và công nhận hiệu quả của việc dùng Anlolyt để chữa bệnh TCM.

Tuy nhiên, ông Võ Đại cũng tâm sự thẳng thắn: “Vì Bộ Y tế đã có ý kiến không đồng ý cho TS Khải dùng dung dịch Anolyt để chữa bệnh TCM nên chúng tôi cũng đề nghị TS Khải thông cảm cho tỉnh”.

TS Khải làm việc với PCT tỉnh Ninh Thuận

BS Trần Phúc, Giám đốc BV Đa khoa Ninh Thuận xác nhận: “Qua theo dõi phương pháp điều trị của TS Khải, chúng tôi nhận thấy về cơ bản các triệu chứng ngoài da của các cháu đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, bệnh TCM không phải chỉ điều trị các triệu chứng ngoài da là có thể khỏi hẳn, bởi vì các vết lở loét và nổi mẩn chỉ là một trong nhiều triệu chứng của bệnh TCM, chúng tôi vẫn áp dụng phát đồ điều trị y khoa”.

Trước tình hình dịch bệnh, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo: “Huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, ưu tiên, huy động các nguồn lực của xã hội để chống dịch. Chủ động khống chế dịch TCM không để dịch lan rộng và kéo dài.".

Võ Tấn