- “Không công bố dịch tay chân miệng (TCM), không có nghĩa là chúng tôi chủ quan lơ là không triển khai công tác bao vây khống chế dịch. Hiện dịch TCM trên địa bàn đã có dấu hiệu giảm. Điều đó chứng minh chúng tôi đã quyết liệt phòng chống...” - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Phạm Hồng Phương khẳng định...


Trao đổi với P.V VietNamNet, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ngãi Hồ Minh Nên khẳng định: Quảng Ngãi không hề xuất hiện dịch TCM mà chỉ có bệnh TCM xuất hiện trên địa bàn từ tháng 4-2011 đến nay.

Bệnh TCM đã bùng phát sau đó và ngành y tế đã triển khai các phương án phòng chống không cho bệnh lây lan trên diện rộng.

Ông Nên khẳng định: Để phòng chống bệnh TCM, tỉnh Quảng Ngãi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và huy động tối đa phương tiện, con người cùng nguồn kinh phí 5,1 tỉ đồng mua hóa chất, trang thiết bị và các hoạt động vệ sinh môi trường và hỗ trợ cho cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống bệnh.

Hơn 30 ngày nay, bệnh TCM tại Quảng Ngãi đã giảm trên 80% (Ảnh: M.Thu)
 

"Tính đến giữa tháng 10 đầu tháng 11, trên địa bàn tỉnh đã có 70 xã qua 30 ngày không có ca mắc bệnh mới. Hiện bệnh TCM đã giảm 80%" - ông Phạm Hồng Phương khẳng định.

Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) Quảng Ngãi, từ tháng 4-2011 bệnh TCM bắt đầu bùng phát tại một số trường học, sau đó lây lan nhanh ra 166/184 xã, thị trấn thuộc 14/14 huyện, TP.

"Đây là địa phương có số người mắc bệnh cao nhất khu vực miền Trung (chiếm hơn 70% tổng số ca bệnh) và đứng thứ 7 cả nước về số ca tử vong" - đó là con số thống kê từ ngành y tế đưa ra.

Khi được hỏi vì sao Quảng Ngãi vẫn không công bố dịch TCM như tỉnh Ninh Thuận, ông Phương khẳng định: Mặc dù bệnh TCM ở Quảng Ngãi tăng cao, nhưng do kịp thời triển khai phương án phòng chống tích cực và quyết liệt nên bệnh TCM đã được khống chế và đảy lùi. Vì vậy chúng tôi không cần phải công bố dịch.

Khi đưa ra con số thống kê số trẻ em mắc bệnh và số tử vong tại Quảng Ngãi với hơn 6.570 trường hợp tại 166/184 xã, thị trấn thuộc 14/14 huyện, TP trong tỉnh, tăng gấp 45 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 5 ca tử vong, TS Nguyễn Tấn Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, năm 2011, so với các tỉnh miền Trung, số bệnh nhân TCM của tỉnh Quảng Ngãi cao nhất.

Nhưng so với một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước thì không nhiều hơn (kể cả số trường hợp mắc bệnh và tử vong) và ngành y tế đã hoàn toàn khống chế được bệnh.

Đúng như cam kết của ngành y tế Quảng Ngãi, bệnh TCM trên địa bàn đã hoàn toàn được khống chế trong hơn 30 ngày qua. Khi đi vào các bệnh viện tuyến huyện như Bình Sơn, Mộ Đức, TP. Quảng Ngãi và BV Đa khoa Quảng Ngãi số bệnh nhân mắc bệnh TCM đã giảm rõ rệt. Không còn cảnh bệnh nhân quá tải như trước đây.

Còn ông Châu Nguyễn Thương, Giám đốc TTYT huyện Tây Trà khẳng định: bệnh TCM đã được khống chế. Đó là nhờ chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và huyện cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ tối đa và thuốc men cùng phương tiện.

"Đến thời điểm này chúng tôi hoàn toàn yên tâm về bệnh TCM sẽ được xử lý tốt tại tuyến huyện. Vấn đề là người dân không nên lơ là chủ quan về bệnh này" - ông Thương nói.

Chị Nguyễn Thị Ly, nhà ở đường Hùng Vương, TP. Quảng Ngãi cho biết: Trước đây thấy báo chí đưa tin nói về bệnh này chị cũng lo. Nhưng khi đọc tài liệu và nghe tuyên truyền công tác phòng tránh, chị thấy bệnh này không có gì đáng lo ngại.

Nhiều cha mẹ khi được hỏi có lo sợ bệnh TCM trên trẻ con hay không, tất cả đều trả lời là họ lo ngại, nhưng đây không phải là bệnh nan y không chữa được. “Vấn đề là khi phát hiện có dấu hiệu là đưa đến BV ngay, không điều trị tại nhà...” - chị Vân, nhà ở đường Lê Lợi, TP. Quảng Ngãi nói.

Hỏi chuyện có phải vì bệnh thành tích mà không dám công bố dịch, giám đốc Sở Y tế Phạm Hồng Phương khẳng định: Chúng tôi không hề sợ “trái lệnh” cũng như không vì bệnh thành tích mà không công bố dịch. Bởi chúng tôi hiểu rõ một điều rằng có đầy đủ sức lực, phương tiện, kinh phí thì hoàn toàn có khả năng để khống chế.

'Chúng tôi không bao giờ lấy sức khoẻ, tính mạng của người dân để đánh đổi thành tích. Nhiệm vụ của chúng tôi là chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân và kiên quyết không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Trừ những trường hợp bất khả kháng chúng tôi sẽ kêu gọi ngành y tế TW giúp sức" - ông Phương tâm sự.

Vũ Trung - M.Thu