Sau mỗi trận bão lũ, nhiều khu dân cư miền rừng tại các huyện miền núi cao Quảng Nam - Quảng Ngãi biến thành “ốc đảo” giữa rừng thẳm do lở núi cắt đường. Mọi thông tin liên lạc với bên ngoài được kết nối bằng những đôi chân trần cắt rừng vượt dốc về huyện khi lương thực, thực phẩm đã cạn kiệt...
 

Cứ mưa là chia cắt
 
Đã gần 10 ngày trôi qua, cả khu vực 12 xã biên giới của hai huyện Nam Giang và Tây Giang, Quảng Nam đã hoàn toàn bị chia cắt vì nước lũ, vì sạt núi vùi lấp đường.
 
“Bà con không thiếu lương thực vì đã có gạo của Chính phủ chuyển lên dự trữ. Nhưng khổ nhất là mọi con đường đều bị tắc do sạt núi. Lo nhất là đau ốm không biết mần răng đưa đến bệnh viện cấp cứu...” - anh Bríu Linh từ xã Chơ’ Um huyện Tây Giang vừa cắt rừng về huyện cho biết qua điện thoại.
 
Linh bảo anh vượt rừng hơn 2 ngày đường về huyện để báo tin tình hình bà con cho lãnh đạo huyện và mua ít thuốc men và thực phẩm.

Theo Linh nói, để thông tuyến lên các xã vùng biên giới phải mất ít nhất nửa tháng nữa nếu trời không mưa và chính quyền địa phương vào cuộc thì may ra bà con mới thoát được cảnh bị chia cắt.

Một điểm sạt lở núi vùi lấp chia cắt huyện Phước Sơn trên tuyến quốc lộ 14E

 
Sạt lở trên tuyến đường Nam Quảng Nam qua địa phận Nam Trà My - Kon Tum, chia cắt hoàn toàn các khu dân cư các xã vùng cao
Sạt núi vùi lấp trường tiểu học Trà Nam, huyện nam Trà My.
 

Còn tại xã miền núi cao Trà Linh, Trà Nam, huyện Nam Trà My, đến thời điểm này vẫn còn bị chia cắt.

Nhiều khu dân cư biến thành “ốc đảo” giữa rừng thẳm như trường hợp 12 ngôi làng của bà con xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Leng.. đến nay vẫn còn biệt lập với bên ngoài vì đường giao thông bị vùi lấp. 
 

Nhiều khu dân cư tại miền núi Tây Trà hiện vẫn còn cô lập do sạt lở đường chưa được thông tuyến.

Mưa lũ đã làm sạt lở và cuốn trôi đoạn tại km23-km 43, km 74-km81+500 thuộc Quốc lộ 24B và đoạn tại km31-km35 thuộc Quốc lộ 24. Nhiều đường Tỉnh lộ như ĐT625 (QL1A-Minh Long - Sơn Kỳ), ĐT 622B (đoạn Km0-km15, Quốc lộ 1A-Trà Phong), ĐT623B (km0-km5, Quảng Ngãi - Thạch Nham), ĐT 628 (km0-km9, Quốc lộ 1A - Chợ Chùa - Thanh An), ĐT 624B (KM14-km28+600, Quán Lát - Đá Chát),…có chiều dài sạt lở, cuốn trôi lên tới 6,5km.
 
Báo động đỏ nguy cơ sạt núi

Toàn bộ 11 hộ dân ở nóc Tắc Pong, thôn 1, xã Trà Linh, huyện núi Nam Trà My phải bỏ chạy khỏi làng vì bị núi sạt lở vùi lấp, trong đó 4 hộ bị núi lấp hoàn toàn nhà cửa. 

Núi vẫn tiếp tục sạt lở ngay tại Trà Mai, Nam Trà My đã khiến 10 hộ dân sống trong phập phồng lo sợ núi đè. Tuyến đường nối từ Nam Trà My qua huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum bị núi sạt lở vùi lấp tại 20 điểm, ách tắc giao thông hoàn toàn.

Từ lâu, nứt và trượt lở đất luôn là nỗi ám ảnh của người dân và chính quyền địa phương các huyện miền núi Quảng Nam và Quảng Ngãi mỗi mùa mưa lũ. 
 

Hàng loạt điểm núi sạt đang báo động sự an nguy của người dân sống trong khu vực. Núi Gò Chợ, thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh vừa xuất hiện nhiều vết nứt lớn và một số điểm sạt lở nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của 28 gia đình sống với gần 107 nhân khẩu. 
 
Núi Đầu Voi, xã Tiên An, huyện Tiên Phước bị nứt đất từ năm 1964, đến nay diễn biến ngày càng nghiêm trọng, trên sườn đông, đông nam có nhiều vết nứt ở độ cao 130 -140m, các khe nứt tách dài từ 30 - 40cm, rộng 0,2 - 0,5m, đe doạ 71 hộ dân dưới chân núi, nhưng mới chỉ có khoảng 20 hộ dân đã được di dời đến nơi ở mới.

Để đối phó với nạn nứt núi này, người dân và chính quyền địa phương chỉ còn cách duy nhất là... chạy để tránh núi đè.
 

Bên cạnh đó, tuyến đường Hồ Chí Minh được xem là điểm nóng của sạt lở núi gây tắc đường. Ngay đoạn đèo sông Bung, đèo Lò Xo dù đã được khôi phục toàn bộ trong giai đoạn 1999 - 2009 với giải pháp chống trượt bằng tường chắn bêtông (cao 2,5m, dày 0,7m, dài 40m), song đến nay vẫn bị phá hủy, các điểm nứt đất phá hỏng khoảng 400m.

 

Một điểm sạt lở núi Đầu Voi xã Tiên An, huyện Tiên Phước.
Sạt núi vùi lấp nhiều phu vàng tại Nước Vin, huyện Bắc Trà My.
Tuyến đường lên vùng cao Phước Sơn vị sạt lở núi chia cắt nhiều khu dân cư.
Sạt lở núi vùi lấp trên tuyến đường quốc lộ 14D lên biên giới.
 

TS Phạm Văn Hùng - Trưởng nhóm các nhà khoa học của Viện Địa chất (Viện KH-CN VN) cho biết: “Chỉ với diện tích 10.000m2, Quảng Nam có đến 529 khối trượt lớn nhỏ, 76 điểm nứt đất, cho thấy đây là một trong những địa phương có tai biến nứt đất, trượt lở đất diễn ra ở mức độ lớn nhất VN”.
 

Kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Viện Địa chất vừa đưa ra, những năm gần đây, tai biến nứt và trượt lở đất ở vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày càng có xu hướng gia tăng.

Nhiều đoạn đường bị vùi lấp, phá hủy, giao thông tê liệt (chủ yếu đường Hồ Chí Minh, các QL 14B, 14D, 14E, các tỉnh lộ 604, 610, 611, 616). Hệ thống chuyển tải điện 500kV, 220kV qua các địa bàn nói trên cũng bị hư hỏng. 

 
Nhóm các nhà khoa học đã lập sơ đồ khoanh vùng cảnh báo nguy cơ nứt đất. Trong đó, vùng có nguy cơ nứt đất rất cao là đới sông Bung - Trà Bồng và sông Pô Cô.
 
Vùng có nguy cơ nứt đất cao là đới Duy Xuyên -Hiệp Đức và Thạnh Mỹ - Đại Hiệp. Nhóm cũng khoanh vùng sơ đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất trên địa bàn Quảng Nam với 5 cấp nguy hiểm khác nhau.

Trong đó, vùng có nguy cơ trượt lở đất rất cao phân bố chủ yếu tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Duy Xuyên, Bắc Trà My, Quế Sơn, Tiên Phước và Phú Ninh tỉnh Quảng Nam.


Giải pháp được đưa ra trong công tác phòng tránh nứt đất và trượt lở đất gồm nhiều vấn đề lớn, như: Theo dõi, dự báo, cảnh báo tai biến địa chất đã và đang xảy ra, có nguy cơ xảy ra; quản lý quy hoạch; quản lý con người; các giải pháp kỹ thuật phù hợp. 
 
Mặc dù đã được các nhà khoa học đưa ra cảnh báo cùng những giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, đến nay hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi vẫn chưa thực hiện một dự án tổng thể nào để chủ động phòng tránh tai biến này.
 
Để đối phó với hiểm hoạ này, người dân tại các vùng sạt lở núi chỉ còn cách duy nhất là bỏ chạy. Nhiều người dân cho biết họ sống trong nỗi lo và sinh mệnh của họ phó mặt cho sự “hên, xui” mà thôi.
 
Vũ Trung