-  'Vẫn có những bác sỹ từ chối nhận phong bì hoặc không bao giờ vòi vĩnh bệnh nhân đấy. Nếu đối xử với bệnh nhân chân thành thì lúc nào người bệnh cũng biết ơn anh'.
 

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã bày tỏ suy nghĩ của mình về cuộc vận động “nói không với phong bì” của ngành y tế và đưa ra những quan điểm của mình trong việc cải thiện y đức.

Bác sỹ không đủ sống: Không đúng!

- Nhiều cán bộ y tế cho biết họ vòi vĩnh phong bì hoặc gây khó khăn để bệnh nhân tự đưa phong bì là do lương Nhà nước trả không đủ sống. Ông có đồng tình với cách lý giải này không?

Nếu nói bác sỹ tuyến xã, tuyến huyện, cán bộ làm công tác y tế dự phòng không đủ sống thì đúng. Nhưng nếu là bác sỹ từ tuyến tỉnh trở lên mà nói không đủ sống thì chưa đúng. Tôi cũng là một bác sỹ nên tôi hiểu.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: "Nếu nói bác sỹ tuyến xã, tuyến huyện, cán bộ làm công tác y tế dự phòng không đủ sống thì đúng. Nhưng nếu là bác sỹ từ tuyến tỉnh trở lên mà nói không đủ sống thì chưa đúng. Tôi cũng là một bác sỹ nên tôi hiểu" - Ảnh: Lê Anh Dũng

Cần nhìn một cách tổng quát rằng Việt Nam mới khấm khá lên độ hơn chục năm trở lại đây thôi, không phải nước giàu có. Tiềm lực kinh tế của chúng ta không mạnh, bác sỹ nói không đủ sống cũng chỉ là một phần. Vậy còn những cán bộ làm trong những lĩnh vực khác thì sao?

Hiện nay, lương của bác sỹ ở nhiều bệnh viện so với lương công chức làm hành chính cao gấp 1,2-1,5 lần, sắp tới lại tăng thêm phụ cấp đặc biệt (thêm khoảng 0,6-0,7 nữa).

Mâu thuẫn: Thu nhập của bác sỹ từ tuyến tỉnh trở lên không thấp như họ vẫn kêu, nhưng bệnh viện tuyến tỉnh và đặc biệt là truyến Trung ương lại là nơi bị người bệnh kêu ca nhiều nhất vì y đức

Như vậy là cao hơn công chức các ngành khác rồi. Nhiều ngành khác không có gì thêm nữa ngoài lương. Nếu bác sỹ cứ so sánh như thế sẽ rất khập khiễng.

Hơn nữa, anh được cả xã hội tôn trọng, gọi là “thầy” đó là sự trả nghĩa rất lớn của xã hội đối với anh rồi. Chỉ có điều Nhà nước đã đãi ngộ giáo viên, nhưng Nhà nước vẫn còn nợ cán bộ ngành y về chế độ đãi ngộ.

Đời sống của bác sỹ là rất quan trọng, ai cũng phải lo cho cuộc sống của mình nhưng đó không thể là yếu tố quyết định khiến y đức xuống cấp hay vòi vĩnh phong bì được. Bởi anh không thể làm giàu trên người bệnh.

Anh làm việc đủ sống, đủ duy trì phát triển song cái giá trị lớn hơn mang lại là sự động viên tinh thần và vị trí của người thầy trong xã hội. Trong xã hội này, chỉ có 2 nhóm cán bộ được gọi là thầy, đó là thầy giáo và thầy thuốc. Những cái giá trị đó không thể quy ra tiền được.

Vào nghề y rồi là phải chấp nhận dấn thân. Còn nếu muốn làm giàu thì hãy chọn nghề khác. Đây là nghề cứu người, mang lại phúc đức lớn cho cả đời sau.

 t
"Đời sống của bác sỹ là rất quan trọng, ai cũng phải lo cho cuộc sống của mình nhưng đó không thể là yếu tố quyết định khiến y đức xuống cấp hay vòi vĩnh phong bì được. Bởi anh không thể làm giàu trên người bệnh" - ông Nguyễn Văn Tiên

- Nhưng cũng không thể phủ nhận là chuyện đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn nhiều bất cập. Đảng và Nhà nước đã xác định nghề y là nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo và đãi ngộ đặc biệt song trên thực tế thì Nhà nước đãi ngộ họ chưa đặc biệt. Ông nghĩ sao về điều này?

“Ngành y được đãi ngộ đặc biệt” là chủ trương của Đảng nhưng chưa luật hóa thành văn bản pháp luật, cái đó là thiếu sót của Bộ Y tế. Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về nâng CSSK nhân dân đã nói rõ nghề y là nghề đặc biệt, có chế độ đãi ngộ đặc biệt, nhưng qua gần 10 năm, Bộ Y tế chưa đề xuất việc thể chế hóa quy định này, mặc dù các cơ quan Quốc hội đã có nhắc nhở.

Hiện nay, việc phân bổ ngân sách hàng năm theo quy định pháp luật, bởi nhà nước pháp quyền thì sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, nếu không đủ căn cứ pháp lý thì không thể đòi hỏi được.

“Y tế không phải ốc đảo”
 

"Không hết lòng với người bệnh thì nên ra khỏi ngành"

Tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng dạy và học đạo đức y học" (tổ chức sáng 7/8 tại Hải Dương), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (khi đó mới nhậm chức) cho biết:

“Cần có các lớp đào tạo lại về y đức cho nhân viên y tế. Nếu nhân viên y tế không hết lòng với người bệnh thì nên ra khỏi ngành"

- Ông nghĩ sao về nạn phong bì đang gây nhức nhối trong ngành y tế?

Cần nhớ y tế không phải cái ốc đảo. Nhiều ngành, nhiều chỗ trong xã hội đều có phong bì. Các ngành khác cũng có phong bì thì nó cũng xuất hiện trong y tế. Y tế là một phần của xã hội và nó phản ánh tất cả các mối quan hệ xã hội đó.

- Ông cũng là bác sỹ và ông hiểu khá rõ về ngành y tế. Theo ông, đâu là cái gốc của nạn phong bì và sự xuống cấp của y đức?

Tôi nghĩ vì y đức kém nên bác sỹ mới nhận phong bì, vòi vĩnh phong bì bằng nhiều hình thức. Còn vì sao y đức kém thì như tôi đã giải thích, do đào tạo, do giáo dục không tốt, do quản lý chưa nghiêm, do chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, do cơ chế tài chính chưa minh bạch, do quá tải dẫn đến cơ chế xin – cho và khiến bác sỹ làm việc vất vả, vv… Và do cả môi trường xã hội nói chung nữa. Rất nhiều yếu tố dẫn đến sự xuống cấp của y đức.

- Vậy nên làm gì để vực dậy y đức?

Y đức là cả một quá trình lâu dài và là tổng hợp của cả chuyên môn lẫn đạo đức của người thầy thuốc. Với y đức, chúng ta không thể nói đến một chiến dịch hay một phong trào là giải quyết được.

Y đức phải được giáo dục trong nhà trường, được giáo dục và tuyên truyền thường xuyên, lãnh đạo các bệnh viện, khoa phải gương mẫu, môi trường xã hội cũng phải tốt, vv… thì cán bộ y tế mới tốt lên được.

Nếu chỉ hô hào suông thì khó mà giải quyết được vấn đề gì. Cần phải giải quyết tổng thể từ lương bổng, chính sách và cải thiện môi trường xã hội chung thì mới cải thiện được y đức. Xã hội ta hiện nay nhiều nơi có phong bì, ai làm cái gì không có phong bì bôi trơn thì rất khó. Khi nào ta giải quyết vấn đề này “hòm hòm” thì ngành y tế cũng sẽ khởi sắc.

Theo ông Tiên, cần phải chú trọng đến giáo dục y đức cho cán bộ y tế và giải quyết đồng bộ các vấn đề về quản lý, đãi ngộ để cải thiện y đức (Ảnh: Cẩm Quyên)


- Như vậy sẽ là một vấn đề rất lớn. Theo ông, ta cần bắt đầu từ đâu?

Cách quản lý, giáo dục của chúng ta rất quan trọng. Theo tôi ta phải bắt đầu từ việc giáo dục, đào tạo các sinh viên ngành y từ trường Đại học y. Trong vấn đề này, chúng ta cũng mong muốn cải thiện nhiều ở khía cạnh kỷ cương của xã hội, của ngành sẽ được nâng dần lên nhưng ở trong môi trường và hoàn cảnh nào thì vai trò cá nhân của bác sỹ là rất quan trọng.

Vẫn có những bác sỹ từ chối nhận phong bì hoặc không bao giờ vòi vĩnh bệnh nhân đấy. Nếu đối xử với bệnh nhân chân thành thì lúc nào người bệnh cũng biết ơn anh.

“Tốt nhưng chưa đủ”

- Bộ Y tế đang đẩy mạnh triển khai thực hiện quy tắc ứng xử, trong đó có nội dung gây chú ý là “nói không với phong bì”. Ông có thể cho biết quan điểm của mình về những việc làm trên của Bộ Y tế?

Những chương trình hay cuộc vận động như vậy là tốt nhưng chưa đủ, nếu không muốn nói là có thể nó sẽ mang tính hình thức. Phải làm đồng bộ nhiều thứ nữa, từ giáo dục, tuyên truyền về y đức và Nhà nước phải quan tâm đến chế độ chính sách cho cán bộ y tế mới giải quyết được tận gốc của vấn đề.

- Ông đánh giá thế nào về tác động của cuộc vận động này?

Những cuộc vận động hay phong trào như trên dẫu không thực tế thì ta vẫn phải làm, phải tuyên truyền dần dần để nâng cao nhận thức cho toàn xã hội thì nạn phong bì sẽ biến mất.

Đây chỉ là một phong trào và phong trào này là cần thiết nhưng nếu không có kỷ cương hay giám sát chặt chẽ thì nó sẽ sớm mất dần.

- Xin cảm ơn ông!

Cẩm Quyên (Thực hiện)