- 'Hầu hết, các thành phố này đều có phân làn đường và đều có hiện tượng tắc nghẽn giao thông xảy ra, nhưng không nơi nào theo kiểu vô tổ chức như Hà Nội cả' - sống ở Thủ đô đã lâu và có nhiều dịp 'trải nghiệm' về giao thông ở nước ngoài, độc giả Hoài Phương gửi đến VietNamNet bài viết phân tích sâu sắc về những bất cập và đưa ra giải pháp phân làn ở Hà Nội.

Bạn đang ngày ngày ngồi sau vô lăng ô tô, đang điều khiển xe máy hoặc sử dụng phương tiện vận tải công cộng cũng đều liên quan đến những vấn đề 'nóng' của giao thông hiện nay.

Phân làn hay không, như thế nào cho hợp lý? Hạn chế xe máy ảnh hưởng ra sao với bạn? Thu phí ô tô vào nội đô, nên hay không? Vì quyền lợi của chính mình và cộng đồng, bạn sẽ đưa ra quan điểm?

VietNamNet mở diễn đàn đóng góp ý kiến về những vấn đề 'nóng' trên. Những ý kiến, bài viết tham gia xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn hoặc box "gửi ý kiến phản hồi' sau mỗi bài viết.


Là người sinh ra, lớn lên, học tập, làm việc gắn liền với Thủ đô hơn 40 năm, nên tôi rất hiểu về từng con đường tuyến phố của Hà Nội.

Tôi cũng may mắn được tới hơn 50 thành phố lớn nhỏ trên thế giới, trong đó có nhiều thành phố trên 5 triệu dân, từ hiện đại giàu có như London, NewYork, Paris, Tokyo, Hong Kong, Singapore.. cho đến những nơi đang phát triển như Beijing, Shanghai, Seoul, Bangkok,...

Hầu hết, các thành phố này đều có phân làn đường và đều có hiện tượng tắc nghẽn giao thông xảy ra, nhưng không nơi nào theo kiểu vô tổ chức như Hà Nội cả.

Trong khi chờ được hưởng các thành quả đó, chính quyền Hà Nội cần tổ chức lại giao thông một cách hợp lý nhất, vì lợi ích của toàn bộ người dân.

Khi tắc nghẽn giao thông tại các đô thị lớn, tất cả các phương tiện đều xếp hàng dài một cách trật tự trong làn đường của mình và kiên nhẫn chờ đợi giải tỏa.

Còn ở Hà Nội chúng ta khi tắc đường, giao thông theo kiểu “ong vỡ tổ” hay “lấp đầy chỗ trống” bất luận là loại phương tiện nào trên làn đường nào, thậm chí là là trên cả vỉa hè.

Còn phân làn ở các nước như thế nào? Trên đường phố họ phân thành nhiều làn đường, tùy theo độ rộng của con đường, có thể là 2,3 hay thậm chí đến 5,6 làn đường. Khi các phương tiện lưu thông trên đường sẽ đi trong làn của họ lựa chọn.

Các phương tiện chuyển làn trong các trường hợp khi thực hiện vượt (bên trái hay bên phải đều được), khi chuẩn bị rẽ trái hay rẽ phải (buộc phải đi đúng làn khi thực hiện rẽ tại các ngã rẽ).

Khi muốn chuyển làn để vượt, lái xe phải quan sát (gương chiếu hậu) và bật đèn xi nhan để chuyển làn. Sau khi đã chuyển làn xong, phương tiện lại đi đúng trong làn của mình.

Hình ảnh 'phát sợ' về giao thông Hà Nội
Cảnh tắc đường tại Hà Nội dường như đã trở thành... quen thuộc đối với người dân Thủ đô mỗi khi tan tầm hay thành phố có sự kiện gì lớn. Nhưng ít người biết đến những hình ảnh Hà Nội tắc đường nhìn từ trên cao...


Tại một số thành phố, họ có thể có quy định riêng về làn ưu tiên nếu như con đường rộng và phân thành nhiều làn xe. Ưu tiên có thể theo tốc độ xe hay ưu tiên riêng cho phương tiện công cộng, hay ưu tiên cho xe chở trên 2 người (hạn chế xe cá nhân)…

Các quan chức giao thông của Thủ đô chúng ta đi công tác thăm quan nước ngoài thường xuyên, có lẽ là nhìn rõ hơn ai hết về cách tổ chức giao thông tại các đô thị lớn.

Nhưng cần nói thẳng rằng, các ý kiến họ tham mưu cho UBND TP Hà Nội ra các quyết định về tổ chức giao thông là rất yếu kém. Họ không những thiếu tầm nhìn về chiến lược mà còn thiếu sâu sát thực tiễn để nắm vững cốt lõi các vấn đề cần giải quyết.

Bỏ qua các dự án tiêu tốn hàng chục tỷ đồng đã phá sản trước đây như “dự án nâng cao năng lực giao thông”, chúng ta hãy xem họ phân làn ra sao tại Hà Nội với hai tuyến phố đầu tiên là Phố Huế - Hàng Bài và Bà Triệu.

Không cần các thông số kỹ thuật chuyên nghành giao thông, người dân Thủ đô đều có thể chỉ ra các đặc điểm của tuyến phố này là gì:

  1. Nhiều điểm ngã ba, ngã tư giao cắt trong khoảng cách ngắn 100 đến 200m.
  2. Nhiều nhà dân, cửa hàng, cửa hiệu ở cả hai bên đường.
  3. Có nhiều xe buýt lưu thông.

Cách tổ chức phân làn của Thành phố là phân làn theo phương tiện giao thông (xe con bên trái và xe máy, xe đạp bên phải) ngay tại đầu các ngã ba, ngã tư và thông báo rằng đây là phân làn “mềm” tức là cho phép chuyển làn nếu cần thiết.

Thực tiễn như thế nào thì mọi người đều thấy. Và có thể chỉ ra một số nguyên nhân sau dẫn đến không thể phân làn kiểu này hay phạt người vi phạm được:

  1. Xe máy muốn rẽ trái hay xe ô tô muốn rẽ phải đều phải chuyển làn ngay sau khi vừa vào làn của phương tiện mình tại ngã tư trước (vì khoảng cách giữa các ngã tư này là rất ngắn).
  2. Xe máy muốn đến một cửa hàng bên trái thì làm thế nào? Thậm chí họ vi phạm ngay từ đầu phân làn nếu cửa hàng đó nằm tại đầu ngã tư.
  3. Người đi ô tô có nhà ở bên phải thì họ cũng cần vi phạm phân làn để về nhà.
  4. Xe buýt dừng trả đón khách tại bên phải thì cần chuyển làn trái-phải-trái trong khoảng cách 100-200m.

Vậy thì phân làn này có tác dụng gì và có thể phạt người vi phạm được không khi họ viện dẫn các lý do vô cùng hợp lý trên?

Hà Nội cần tìm kiếm giải pháp phù hợp với điều kiện của mình hiện tại. Hiện tại tức là làm ngay sao cho có hiệu quả tức thì chứ không phải chờ các giải pháp cho tương lai như kiểu các dự án xe điện trên cao, tàu điện ngầm, cầu vượt, giải pháp đồng bộ, nâng cao ý thức giao thông, giao thông nhiều tầng…

Hà Nội cần tìm kiếm giải pháp phù hợp với điều kiện của mình hiện tại.

Hưởng ứng ý kiến của Bộ trưởng Giao thông, là công dân Thủ đô, tôi xin đưa ra một số giải pháp để Hà Nội tham khảo và có thể làm ngay trong điều kiện hiện nay.

  1. Tối đa hóa đường một chiều giao thông trên các tuyến phố Hà Nội. Điều này không những làm giảm tắc đường do xung đột giao thông mà còn làm cho người dân quen với sự bất tiện (giảm sự tiện lợi) khi sử dụng xe cá nhân.
    Họ sẽ đi bộ nhiều hơn do không thể đi ngược chiều hoặc phải di chuyển xa hơn nếu sử dụng phương tiện giao thông. Đường một chiều cũng dễ dàng cho phép đỗ dừng xe tại bên phải đường.
     
  1. Phân làn xe theo các nguyên tắc:

a)      Các loại phương tiện giao thông (không phân biệt loại phương tiện) luôn lưu thông trên đường trong làn của mình trừ khi đang chuyển làn. Khi dừng xe để chờ tại các điểm giao thông xe buộc phải nằm trong làn đường của mình (không được dừng giữa các làn).
Như vậy nếu có tắc đường khi quan sát sẽ thấy các phương tiện (đặc biệt ô tô) sẽ xếp thành hàng dài chứ không lộn xộn như hiện nay.

b)      Khi phương tiện rẽ buộc phải đi đúng làn quy định. Rẽ phải phương tiện phải đi trên làn bên phải, rẽ trái phương tiện phải đi trên làn bên trái. Như vậy tại các điểm giao thông sẽ không có hiện tượng xe từ bên phải rẽ sang bên trái gây rối loạn giao thông tại các ngã tư.

c)      Các ngã tư cho phép phương tiện rẽ phải có làn riêng, các phương tiện đi thẳng hoặc rẽ trái tuyệt đối không được đỗ dừng trên làn đường này. 

  1. Xóa bỏ các đảo giao thông (bùng binh) tại các ngã năm, ngã sáu hoặc lắp thêm đèn tín hiệu giao thông tại đây. Các đảo giao thông này chỉ phù hợp với các thành phố nhỏ (vài trăm ngàn dân). Biện pháp tốt nhất là xây cầu vượt hoặc hầm tại các nút giao thông này. Khi chưa có đủ ngân sách thì cần tổ chức giao thông theo tín hiệu đèn.

    Giao thông nội đô: Miếng bánh và đàn kiến
    Chúng ta thử hình dung, nội đô như một miếng bánh, còn người và phương tiện giao thông như một đàn kiến.

  1. Tổ chức lại tín hiệu đèn giao thông phù hợp tại một số điểm giao thông. Không thể vừa cho phép đi thẳng lại vừa cho phép rẽ trái trong cùng một lúc. Cần tách rời thời điểm lưu thông của hai dòng phương tiện này.
     
  1. Tập trung tổ chức xử phạt các lỗi vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm về giao thông theo làn.
     
  1. Chuẩn bị lộ trình và cơ sở hạ tầng để tiến tới cấm xe máy hay ô tô trên một số tuyến phố. Nên có cả tuyến cấm xe máy và tuyến cấm ô tô. Tuy nhiên, cần có các phương tiện công cộng thay thế. Và đặc biệt là các bãi đỗ xe cho người dân. Không thể cấm mà không có đủ bãi đỗ xe cho người dân tại các tuyến phố đó.

Hà Nội chúng ta sẽ trở thành một đô thị hiện đại trong tương lai với giao thông nhiều tầng, với tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt nhanh…

Nhưng trong khi chờ được hưởng các thành quả đó, chính quyền Hà Nội cần tổ chức lại giao thông một cách hợp lý nhất, vì lợi ích của toàn bộ người dân.

Độc giả Hoài Phương