– Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng giá viện phí đã quá lạc hậu (vì đã ban hành từ năm 1995) và nếu tiếp tục duy trì mức thu không hợp lý như hiện nay thì đối tượng đầu tiên chịu thiệt thòi chính người người bệnh, tiếp đến là bệnh viện, cán bộ y tế.

TIN LIÊN QUAN:

>> Bộ Y tế muốn được ủng hộ tăng viện phí


Chịu trách nhiệm với người dân

 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Bộ trưởng lấy ví dụ: Kỹ thuật xông tiểu tại bệnh viện tỉnh được BHYT thanh toán 12.000 đồng. Nhưng chỉ tính riêng tiền mua ống xông đã mất 12.000 đồng rồi. Đó là chưa kể đến các loại tiền như bông băng, thuốc, tiền công, điện nước, vv… Như vậy, người dân (dù có thẻ BHYT) phải tự bỏ tiền ra để mua các dụng cụ trên. Vậy là họ bị thiệt thòi.

“Nếu tính đúng, tính đủ, tham gia BHYT và được BHYT thanh toán thì người dân chẳng mất thêm đồng nào”, bà Tiến nói.

Vì thế, theo bà Tiến, đã đến lúc cần thay đổi, đột phá về vấn đề viện phí để giải quyết những vấn đề nhức nhối của ngành y tế hiện nay. Đó là chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ.

Bộ trưởng cũng chia sẻ đây là vấn đề nhạy cảm, khó khăn nên “khi đã xác định làm là xác định phải đương đầu và chịu trách nhiệm với người dân”.

BV làm không tốt sẽ không được tham gia khám chữa bệnh BHYT

Để thực hiện cam kết này, Bộ Y tế sẽ thành lập một ban kiểm định độc lập nhằm đánh giá chất lượng khám chữa bệnh và phục vụ của bệnh viện. Nếu bệnh viện nào không đạt các tiêu chí về chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng phục vụ thì bệnh viện đó sẽ không được BHXH “đặt hàng” để được tham gia khám chữa bệnh BHYT nữa.

Điều này sẽ thúc đẩy các bệnh viện phải chủ động trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ để thu hút, giữ chân bệnh nhân BHYT.
 
Bộ trưởng cho biết nếu tăng viện phí sẽ tạo điều kiện tốt để giải được bài toán về chất lượng điều trị và chất lượng phục vụ


Ngoài ra, Bộ Y tế cũng thành lập đề án tăng cường kiểm định chất lượng điều trị (gồm chăm sóc toàn diện và có đầy đủ điều dưỡng chăm sóc người bệnh, phục vụ ăn uống đúng quy định). Thậm chí, sẽ còn có quy chế về số điều dưỡng/số bệnh nhân.

“Nếu ban thẩm định kiểm tra mà thấy không đủ, tức là bệnh viện đó không đạt các điều kiện để chăm sóc người bệnh và sẽ không được tham gia khám chữa bệnh BHYT nữa”, Bộ trưởng Tiến nói.

Đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam – đơn vị trả tiền cho các bệnh viện – đưa ra tại Hội nghị tham vấn dự thảo nghị định của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tổ chức sáng 14/9 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH VN cho biết tăng giá viện phí phải đi đôi với việc thực hiện các biện pháp kiểm soát chất lượng khám chwuax bệnh, kiểm soát việc lạm dụng thuốc, lạm dụng xét nghiệm. Theo ông Thảo, đã có những nơi mà bệnh nhân nào đến cũng được làm tất cả các xét nghiệm hoặc chụp chiếu. Như vậy là rất lãng phí.

“Chỉ tính riêng tiền thuốc, nếu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, không có tình trạng lạm dụng hoặc sử dụng những thuốc thay thế hiệu quả thì mỗi năm quỹ BHYT đã có thể tiết kiệm được cả nghìn tỷ đồng”, ông Thảo cho hay.

Thực hiện có lộ trình

Để đảm bảo việc áp dụng giá dịch vụ y tế mới không gây biến động đột ngột, Bộ Y tế xác định lộ trình thực hiện điều chỉnh chính sách viện phí sẽ gắn liền với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, đảm bảo cân đối quỹ BHYT để phát triển và thực hiện mục triêu BHYT toàn dân.

Hiện nay, khoảng 62% dân số nước ta đã tham gia BHYT. Dự kiến đến 2012 tỷ lệ này sẽ là 65-70%. Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2014 sẽ thực hiện xong BHYT toàn dân (điều này là rất khó, các nhà làm chính sách cho biết có thể phải điều chỉnh mục tiêu này thêm 1-2 năm).

Việc điều chỉnh chính sách viện phí phải gắn liền với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân là bởi việc điều chỉnh viện phí/giá dịch vụ khám chữa bệnh giai đoạn này gắn với đổi mới cơ chế tài chính của bệnh viện. Thay vì trực tiếp chuyển tiền cho bệnh viện để triển khai và duy trì các hoạt động khám chữa bệnh thì nay, toàn bộ số tiền này sẽ được chuyển sang hỗ trợ trực tiếp người bệnh thông qua việc mua hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Dự kiến lộ trình điều chỉnh chính sách viện phí diễn ra như sau: Trong giai đoạn 2011-2012 sẽ điều chỉnh các yếu tố chi phí như thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao; điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, quản lý hành chính; Duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị.

Các chi phí về tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp; khấu hao các trang thiết bị trực tiếp; khấu hao sữa chữa lớn cơ sở hạ tầng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học sẽ bắt đầu tiến hành điều chỉnh từ năm 2013.

Mức đóng BHYT sẽ tăng

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội VN cho biết nếu áp dụng mức thu viện phí mới và vẫn duy trì mức phí tham gia BHYT như hiện nay (4,5% mức tiền công/tiền lương/lương hưu/trợ cấp/mất sức lao động/mức lương tối thiểu) thì quỹ BHYT sẽ âm từ 12.000 đến 15.000 tỷ đồng/năm (theo tính toán của Bộ Y tế thì mức âm là trên 5.000 tỷ đồng/năm).

Vì thế, theo đà tăng của mức lương tối thiểu thì phí tham gia BHYT được kiến nghị sẽ tăng thêm để đảm bảo quỹ BHYT được cân đối, không bị âm quỹ, vỡ quỹ, ảnh hưởng tới việc khám chữa bệnh của người dân. Hiện mức tăng chưa được đề cập cụ thể.

Cẩm Quyên