- Nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng chưa đầy 5 km, nhưng khu dân cư Phước Lý, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đã nhiều năm liền sống chung với mồ mả, kế bên là nhà xác Bệnh viện lao Đà Nẵng, ẩn chứa một “kho tàng” vi khuẩn lao gây bệnh.

Sống trong nghĩa địa

Đến với khu dân cư Phước Lý, P. Hòa Minh, chúng tôi rẽ vào con đường Nguyễn Huy Tưởng nối dài mịt mù bụi, đập vào mắt tôi là Bệnh viện lao và bệnh phổi Đà Nẵng nằm sát con đường đi. Vào khoảng 100 m, không khỏi ngạc nhiên khi những ngôi nhà được bao bọc xung quanh là hàng loạt nấm mồ cũ san sát nhau.

Gia đình ông Chín sống với nghĩa địa đã mấy chục năm nay, trước nhà là Bệnh viện lao, anh không khỏi bất bình khi nói lên suy nghĩ của mình: "Vợ chồng tôi lớn tuổi rồi sống không được bao lâu nữa nhưng tội nghiệp mấy đứa nhỏ sợ ảnh hưởng về sau. Việc di dời mồ mả sang nơi khác, đến nay chỉ vẫn là lời hứa…”. 

Được biết, TP. Đà Nẵng đã giao cho Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng tiến hành đền bù giải tỏa các lăng, mộ trong khu dân cư Phước Lý để triển khai dự án xây dựng khu dân cư Hòa Minh 4, song cho đến bây giờ mồ mả vẫn chưa di dời được bao nhiêu. 

Người dân vẫn đành phải “ngậm ngùi” sống trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của nguồn nước hơn mấy chục năm nay.  

Đi sâu vào các ngõ hẽm của khu dân ở, nhà và mồ mả xen kẽ nhau, cạnh con đường đi là giếng chung của hàng trăm gia đình dùng khi trước đây chưa có nước máy (nước máy chỉ có từ năm 2009).

Giếng nước bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng hàng ngày 20 hộ dân vẫn bơm nước về dùng.

Cứ ngỡ rằng có nước máy, cái giếng ô nhiễm này sẽ được "nghỉ ngơi", nhưng rồi vẫn còn rất nhiều máy bơm hút nước về nhà bất chấp nước đục ngầu, hôi tạnh, đen thui. 

Bà Hồ Thị Phước- người dân ở đây than thở: Trước đây, giếng nước trong hơn, nhà ông tổ trưởng bơm về lọc qua bao nhiêu than, rồi lọc cát và lấy mẫu nước đem xuống Trung tâm Y tế dự phòng thành phố xét nghiệm. Kết quả nước không đạt yêu cầu, nhiều vi khuẩn nhưng dân không có nước sạch đành phải dùng. 

Bây giờ, nước máy không phải nhà ai cũng có, bởi muốn lắp đặt miễn phí phải có đợt còn không phải tốn phí cả triệu bạc. Những nhà thu nhập thấp không có tiền đành tạm dùng “nước bẩn” chờ đợt khác. 

Ông Mai Tạo- tổ trưởng tổ 53 cho biết: Do phải sống chung với nghĩa địa, nguồn nước uống của người dân ít nhiều bị ô nhiễm, lại thêm Bệnh viện lao không biết nước thải được xử lý như thế nào, nếu thải ra tự nhiên thì nguy cơ tìm ẩn bệnh trong mỗi người dân là rất cao.

Thản  nhiên ăn uống bên nhà xác

Mặc dù quán bún nằm sát bên nhà xác của Bệnh viện lao nhưng mọi người vẫn ăn uống đông đúc và trở thành quán điểm tâm quen thuộc với người dân khu vực này đã bao năm nay.  

Nơi đó không chỉ bán cho người bệnh mà có cả dân địa phương, dân lao động làm thuê ở vùng này… Họ cùng ăn uống chung chén bát với bệnh nhân được rửa vội sơ sài của một mình cô chủ quán.

Những ngôi nhà lọt thỏm trong nghĩa địa cách nhau chưa đầy bước chân.

Trong khi đó, khoảng cách giữa nhà xác bệnh viện và quán bún chỉ cách nhau mỗi tường rào không quá 1,5m, làm sao tránh được các vi khuẩn kí sinh vào ruồi, muỗi, chuột, gián…sau đó len lõi vào thức ăn và vào cơ thể con người.

Hiện nay, xung quanh bệnh viện không chỉ có dân ở mà còn có trung tâm thể dục thể thao, khu nhà trẻ, trường mầm non… Người dân địa phương rất lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh sẽ lây lan ra bên ngoài bệnh viện.

Ông Nguyễn Văn M – một người dân, nói: “Đặt nhà xác ở vị trí khu dân cư đông đúc như thế này rõ ràng là chẳng coi sức khỏe người dân chúng tôi ra gì. Hàng ngày, bệnh viện đốt rác thải cháy khét gây khó chịu, rồi bệnh nhân lao ra vào khạc nhổ, làm sao tránh khỏi lây lan”.

Điều lo lắng của dân không phải là không có cơ sở khi sức khỏe của gia đình mình phải đối đầu với môi trường ô nhiễm, bệnh tật.

Chết vì bệnh lao

Những người sống ở khu dân cư Phước Lý đa số thu nhập thấp, lại thêm đất nông nghiệp bị thu hồi, họ phải nhọc nhằn làm đầu tắt mặt tối để mưu sinh. Họ không có thời gian quan tâm đến sức khỏe cũng như tác động của môi trường xung quanh.

Lại thêm tâm lý giấu bệnh của những người bị bệnh lao, họ sợ mọi người xa lánh, không chịu khám chữa, cách ly mà mua thuốc về nhà uống không điều độ hay không kiên trì chữa bệnh… dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng và tử vong.

Nhà ông Ba Nhí nằm sát nhà xác bệnh viện, ông vừa mất cách đây không lâu vì bệnh lao, đến giờ gia đình vẫn chưa hết bàng hoàng, thấp thỏm lo lắng khi phải tiếp tục sống ở nơi đây.   

Còn gia đình anh Ngọt- kế bên giếng nước dùng chung của xóm, gia đình thường xuyên bơm nước giếng vào nhà uống, sinh hoạt. Không biết từ bao giờ, từ đâu vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể anh.

Từ một người trụ cột trong gia đình, anh đành nằm một chỗ ở nhà uống thuốc điều trị, nhà vốn nghèo bây giờ càng trở nên thiếu thốn hơn.

Chị Nguyễn Thị T. bán quán cà phê trong khu dân cư cho biết: Nhiều bệnh nhân mặc đồ bình thường vào quán chị uống cà phê. Chị góp ý thẳng không bán nhằm đảm bảo sức khỏe cho những người khác nhưng vẫn còn nhiều người mà chị chưa biết nên chẳng thể tránh hết được.

Tổ trưởng Mai Tạo còn cho biết thêm, hiện nay tổ 53 Phước Lý đã có 4 người nhiễm bệnh lao trong đó 2 người chết và 2 người bệnh nặng đang trong giai đoạn điều trị. 

Người dân Phước Lý vẫn đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với nguồn bệnh, họ chỉ mong sao được các cơ quan chức năng sớm có biện pháp can thiệp kịp thời để họ được yên tâm mà sinh sống.

Tuyết Phan