Nghề tranh thất truyền, làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) hối hả chuyển sang sản xuất ô tô, xe máy, quần áo cho người âm. Năm nay, Đông Hồ còn làm cả… máy bay cho dịp xá tội vong nhân đang đến gần

Làng tranh thành… công xưởng

Đến làng tranh Đông Hồ vào dịp này, ai cũng có thể cảm nhận được sự hối hả của… mùa làm ăn đang vào vụ. Vài ba năm trở lại đây, phần lớn người dân Đông Hồ chuyển sang sản xuất vàng mã, bỏ nghề làm tranh.

Làng tranh Đông Hồ hối hả làm hàng mã mùa lễ xá tội vong nhân - Ảnh: Kiên Trung

Tính chất của nghề mới khiến làng tranh Đông Hồ trở nên chật chội xô bồ. Mỗi nhà là một xưởng sản xuất đảm nhiệm các khâu từ A đến Z: chế tác nguyên liệu, dựng khung hình, sản xuất, đóng hàng, xuất hàng… Không có bất kỳ một khoảng không gian nào bỏ trống; không có bất cứ nhân lực nào từ già trẻ lớn bé được ngồi chơi.

Xe máy chở hàng chạy phành phạch trên đường xóm đèo hàng cồng kềnh khiến con đường trở nên chật chội. Giấy màu, khung tre, tiếng máy cưa, tre pheo, nứa, bìa các-tông… ngổn ngang trong bất cứ xưởng nào của các hộ sản xuất hàng mã làng tranh Đông Hồ.

Lao động nhỏ tuổi nhất làng - Ảnh: Kiên Trung

Anh Nguyễn Văn Như, chủ cơ sở sản xuất đồ thờ cúng bằng vải lụa ở ngay đầu làng không buồn phân trần: cả làng, có lẽ duy nhất có mỗi nhà tôi không làm hàng mã. Nhà tôi chỉ làm đồ thờ cúng bằng vải, cũng không thiếu bất kỳ thứ gì trên đời: ông hổ, ông voi, lọng, tán, ngai thờ…  

Nói rồi, anh không ngần ngại tháo bọc giấy bóng có hai ông hổ sơn son thiếp vàng, bọc vải điều… đặt lên bàn uống nước khoe với khách. Anh Như bảo: những ông hổ kiểu này chỉ duy nhất nhà anh sản xuất được. Các điện thờ, nhà thờ dòng họ mua về hô thần nhập tượng, đặt trong tủ kính thay vì đắp các ông hổ bằng xi-măng, đá.

Một ông hổ như thế này, giá chừng 500 ngàn đồng, với gần 10 ngày công bỏ ra.

Xưởng sản xuất... khung xe máy hàng mã
 

Đi thêm mươi mét là xưởng chế tác cốt tre để làm… ô tô, xe máy, cả máy bay ở ngay ven đường. “Xưởng” là mặt bằng đổ xi-măng trải phẳng, rộng chừng bốn chục mét vuông, ngổn ngang tre, nứa, gỗ.

Ba công nhân gồm hai gái, một trai tuổi chừng 18 – 20 đang miệt mài thao tác máy cưa, máy dập ghim. Mỗi người một công đoạn: người cắt khúc tre, nứa theo một kích cỡ; người dập ghim, dựng khung bằng đinh, keo dán. Đây là xưởng sản xuất khung, cốt tre để làm xe máy cung cấp cho các xưởng sản xuất khác trong cả làng.

“Đủ cả, các loại xe từ xe số đến xe ga: JupiterV, Dream, Waze, @, Dyland, SH… có cả, muốn loại nào có loại đấy. Nhà em còn làm cả ô tô, máy bay ấy chứ!” – “Sao những cái xe này không làm luôn biển hả em?” – “Lắp biển luôn thì các cụ mắng cho chết ấy chứ. Anh bảo, xe mới mua thì làm gì có biển. Đã biếu các cụ là phải biếu xe mới, xuống đó các cụ tự đăng ký” – cậu thanh niên liến láu.

Con ngõ dài chừng vài trăm mét có bao nhiêu nóc nhà thì có ngần ấy xưởng sản xuất vàng mã. Mặc dù tự phát, không ai bảo ai và mới chuyển nghề được vài năm nay, nhưng “làng hàng mã Đông Hồ” đã chuyên nghiệp đến không ngờ: mỗi nhà sản xuất một loại mặt hàng, không trùng nhau.

Khách mua biết tiếng tự đến mỗi nhà để lấy những hàng mã có nhu cầu, sau đó phân tán đi khắp cả nước.

Ô tô, xe máy, tủ lạnh và… máy bay!

“Mỗi năm thêm một loại hàng mới. Trần sao âm vậy, trên này có gì mới thì con cháu cũng báo hiếu ông bà, tổ tiên mà gửi biếu các cụ những thứ đó, cho nên mình làm hết. Hơn nữa, nhiều khách cầu kỳ đến tận nơi đặt hàng đòi làm thứ này, thứ khác…”.

Cơ sở sản xuất đồ thờ ở ngay đầu làng Đông Hồ. - Ảnh: K.Trung
 

Tay vừa thoăn thoắt phết keo lên tấm bìa dính vào chiếc khung tre để làm ô tô, Mạnh vừa đon đả kể chuyện: lễ Vu Lan năm nay, cả làng ngoài các mặt hàng cũ như quần áo, giày dép, ngựa, lọng, xe máy còn làm thêm cả… máy bay. Tính tất cả các thứ vật dụng mà con cháu muốn “hóa” cho các cụ, chắc phải lên danh sách kẻo sót mất.

Sản xuất ô tô hàng loạt! - Ảnh: K.Trung
Tivi, cát sét...
 

Một bộ đồ lễ hàng mã như thế có thể lên tới vài chục món đồ: quần áo, giày dép, mũ nón, ngựa giấy… còn có cả vi-la, biệt thự, ôtô xe máy, tủ lạnh, điện thoại, nồi niêu xoong chảo. Có nhà kỳ quặc đặt cả ô-sin để phục vụ bố mẹ dưới đấy.

Cụ Phạm Thị Vui năm nay đã bước sang tuổi gần 80 nhưng vẫn phụ con cháu làm hàng. Công việc của cụ là hoàn thành nốt công đoạn của một vài vật dụng nhỏ như lắp cán trống, sau đó phân loại sắp thành một lễ.

“Năm nay còn có cả… đồ chơi cho người lớn, em bé: trống, đàn ghi-ta, đồng hồ, dây chuyền, kính mát, có cả bộ đồ trang điểm như gương, lược, phấn son… Trần sao âm vậy con ạ!” – cụ Vui mau mắn.

và cả villa, biệt thự... - Ảnh: K.Trung

Không hiếm gặp cả các nhân lực chưa đến tuổi lao động cũng tham gia sản xuất. Em H, học sinh lớp 8 ở làng bên cạnh tranh thủ nghỉ hè sang làm thuê cho xưởng sản xuất hàng mã ở bên Bát Tràng. Công việc của em là dính keo dán để làm ô tô. Mỗi ngày em được trả công 40 ngàn đồng, và làm được vài chục cái ô tô giấy như thế.

“Công việc không vất vả, nhưng tỷ mẩn và mất thời gian. Cả làng này chuẩn bị cho mùa Vu Lan này từ tận… tháng Ba. Đấy, cận ngày rồi mà khắp nơi vẫn gọi điện đến đặt hàng, muốn nghỉ cũng không nghỉ được con ạ…” – cụ Vui kể chuyện.

Kiên Trung

'Đốt' cả ôsin phục vụ bố mẹ dưới cõi âm
Những làng nghề sản xuất vàng mã truyền thống nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội đang tất bật vót tre, tạo khung, dán giấy. Từng chiếc xe ô tô nối đuôi nhau vào làng chuyển "thời trang âm phủ" vào thủ đô.