- Sau bài viết “cho thuê dinh tỉnh trưởng làm nơi nuôi chim yến” trên VietNamNet, chúng tôi tiếp tục nhận được lời kêu cứu từ bà Trần Thị Ngõ, một giáo viên hưu trí hiện là chủ nhân của di tích “Nhà trăm cột”, một di tích được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, đang bị xâm hại trước sự làm ngơ của các ngành chức năng...

Lịch sử “nhà trăm cột”

Di tích “Nhà trăm cột” tọa lạc tại ấp Cầu Ngang xã Long Hựu Đông (H. Cần Đước, Long An) trên một doi đất cù lao mà ngày xưa được gọi là Long Hựu thôn, tổng Lộc Thành tỉnh Chợ Lớn.

Di tích “Nhàm trăm cột” bên cạnh tấm biển và bản đồ khoanh vùng.

Tổng diện tích tính theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 4.866m2 trong đó diện tích ngôi nhà trăm cột là 822m2. Toàn bộ khuôn viên di tích hình chữ nhật được hàng me bao bọc chung quanh.

Thực tế ngôi nhà này nguyên thủy có 120 cột được khởi công xây dựng vào năm 1898 và hoàn tất 5 năm sau đó. Trong năm năm xây dựng ngôi nhà này, chủ nhân là ông Trần Văn Hoa phải mất 2 năm làm nền móng và 3 năm tập trung chạm trổ hoa văn nội thất.

Trên bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích, khuôn viên :Nhà trăm cột” vuông vức. (trong vòng tròn)

Vốn là một phú hộ, thành viên hội đồng quản hạt vùng Chợ Lớn đồng thời cũng là hương sư làng Long Hựu, ông Hoa với lòng đam mê nghệ thuật đã bỏ ra một số tiền khá lớn để hình thành công trình này. Ông đã lặn lội ra tận kinh đô Huế đến làng Mỹ Xuyên gặp 17 nghệ nhân cùng nhau bàn bạc bản vẽ thiết kế và phương án thi công. Ông đã mời họ vào Long Hựu để thực hiện xây dựng ngôi nhà.

Thiết kế của “ngôi nhà trăm cột” dựa trên nền tảng triết lý Á Đông, pha lẫn một chút sắc thái của địa phương miền nam tạo thành một tác phẩm vô cùng độc đáo.

“Nhà trăm cột” có mặt tiền hướng về phía tây bắc, phần khung được làm hoàn toàn bằng các loại danh mộc như cẩm lai, mun, gõ, mái lợp ngói âm dương, nền cao 0,9m, lát gạch tàu hình lục giác. Nhà được chia ra làm 2 phần, nhà chính gồm 3 gian nơi để tiếp khách, thờ phượng và 2 chái dùng trong sinh hoạt ăn ở nấu nướng. Một ngôi nhà phụ ở phía sau làm kho chứa lúa và chỗ ở của gia nhân.

Khu vực thờ phụng. Nơi đây có ảnh thờ của chủ nhân và cũng là người thiết kế ngôi nhà, ông Trần Văn Hoa.

Theo nhà nghiên cứu Hồ Đắc Duy, nhà trăm cột có lối kiến trúc xuyên trính. Các bộ phận kết cấu chính như trính kèo đều chạy chỉ và uốn cong theo kiểu nhà rường ở Huế. Nơi giao nhau giữa trụ lỏng và trính được biểu tượng bằng hình chày cối theo kiểu Linga – Youni.

Xem bản vẽ của Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích ở mặt cắt A – A và B – B mới thấy được hết cái tài hoa độc đáo về thiết kế bên trong của ngôi nhà. Nhìn trên sơ đồ mặt bằng, vị trí của hơn 100 cây cột được thể hiện khá rõ qua đó nổi bật được cái cao cường uyên thâm của nghệ nhân khi phân bổ lực chịu trên mỗi cột của dàn mái ngói, trên 8 vì kèo của gian nhà chính và 18 vì kèo của các chái.

Đây là một kiểu nhà truyền thống có ưu điểm là bộ khung nhà rất chắn chắn điển hình cho lối kiến trúc nhà của những lớp người giàu có, phú hộ đất phương Nam vào cuối thế kỷ 19.

Hiện nay, bên trong ngôi nhà vẫn còn lưu giữ và sử dụng những vật dụng dùng trong sinh hoạt như bàn ghế tủ giường vốn đã được làm ra từ các thế kỷ trước.

'Quả bóng trách nhiệm' bị đẩy sang tòa án

“Văn bản bảo vệ di tích có giá trị cao nhất là quyết định công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật nhà trăm cột do bộ Văn Hóa Thông tin cấp ngày 27.9.1997 trong đó qui định nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực của di tích đã khoanh vùng. Vậy mà, hơn 800m2 đất bị xâm hại mà chúng tôi đã nhiều lần kêu lên chính quyền các cấp đến nay vẫn chưa được giải quyết” - bà Trần Thị Ngõ, 64 tuổi, hiện là người quản lý di tích đã cho chúng tôi biết như thế khi đến thăm di tích.

Nhưng thực tế, đã bị lõm vào trong hơn 2m dài hang chục mét. Vị trí cây cọc (mũi tên) là mốc của ranh đất trước đây.

Bà Ngõ là một giáo viên tiểu học. Chồng bà là nhà giáo Trần Văn Ngộ, trước đây ông là hiệu trưởng trường Tiểu học Long Hựu Đông và đã mất hơn một năm nay. Ông Ngộ là cháu nội của chủ căn nhà trăm cột này. Vốn là một nhà giáo lại am hiểu tường tận lịch sử và giá trị của căn nhà, ông Ngộ là người thuyết minh cho du khách mỗi lần có đoàn khách đến thăm. Ông đã đột ngột qua đời sau buổi thuyết minh cho một đoàn khách ở miền trung vào.

Là người thừa kế di sản của cha ông và chồng để lại, bà Ngõ ngày đêm đau đáu trước việc đất trong khuôn viên bị một hộ dân kế cận lấn chiếm. Sự việc bắt đầu xảy ra vào năm 2010 hộ bà Nguyễn Thị Sấm ở sát cạnh phía tây khu di tích trong quá trình đào ao nuôi tôm đã dùng máy đào đất đào lấn vào khuôn viên di tích với kích thước 2,5m x 27m sau khi phá hàng me dọc theo rào.

Chạm khắc trên những vì kèo.

Sự việc được khiếu nại lên Sở Văn hóa thể thao và du lịch Long An. Sau khi phối hợp với chính quyền địa phương đi kiểm tra thực tế, Sở này thừa nhận việc lấn chiếm này là có. Sở đã đề nghị UBND xã Long Hựu tiếp tục xác minh việc lấn chiếm đồng thời giải quyết thỏa đáng để bảo vệ khu di tích.

Trong phiên hòa giải tại xã Long Hựu Đông ngày 29/1 giữa bà Trần Thị Ngõ và Nguyễn Thị Sấm không có kết quả, UBND xã đã có kết luận tuy di tích nhà trăm cột đã được công nhận nhưng quyền sử dụng đất lại cấp cho cá nhân vợ chồng nhà giáo Trần Văn Ngộ nên vụ việc phải do tòa án giải quyết.

Bà Ngõ tiếp khách tham quan

Không đồng tình với cách giải quyết của xã, bà Ngõ tiếp tục khiếu nại lên UBND huyện Cần Đước và được nơi đây hướng dẫn bà liên hệ với phòng đăng ký quyền sử dụng đất để đăng ký đo đạc theo qui định. Bà đã làm theo sự hướng dẫn này nhưng mãi tới ngày 18/7, bà Ngõ mới nhận được văn bản trả lời của UBND huyện với nội dung không khác xã Long Hựu Đông: đề nghị bà khởi kiện lên tòa án bởi UBND huyện không thẩm quyền giải quyết.

Trước thái độ bàng quan của các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh, luật sư Huỳnh Văn Nông đã cho biết, theo điều 9 luật di sản văn hóa, nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa. Trong vụ việc “nhà trăm cột”, các cơ quan chức năng ở địa phương hoàn toàn có căn cứ và thẩm quyền để can thiệp và giải quyết. Vì là một di tich văn hóa nên hành vi xâm hại của hộ bà Sấm có thể áp dụng biện pháp hành chánh theo khoản 4 và 5 nghị định 75/2010ND-CP.

Trong vụ việc, vẫn theo luật sư Nông, mặc dù đã có văn bản của Sở VHTT&DL Long An về tình trạng di sản bị xâm hại nhưng các cơ quan chức năng vẫn bàng quan cho thấy công tác bảo vệ di sản tại địa phương chưa được quan tâm đúng. 

Như đã nói ở phần trên, di tích nhà trăm cột là một di sản văn hóa cấp quốc gia với những nét độc đáo hiếm thấy, nhưng việc bảo quản di sản hầu như được khoán trắng trên đôi vai người phụ nữ tuổi đã về chiều. Tiếp chúng tôi và du khách, bà Ngõ đã bày tỏ những ưu tư của mình trước sự xuống cấp ngày một nhiều của ngôi nhà trăm cột.

Đã một lần tu sửa nhưng hiện nay, ngôi nhà đã xuất hiện những hư hỏng theo thời gian. Vì được xây dựng toàn bằng gỗ nên cột kèo cứ xiêu vẹo dần. Một phần của ngôi nhà, kho lúa và nơi ở của gia nhân đã không còn...

Kể từ ngày ông Ngộ mất, lượng người đến tham quan ngày một vắng bởi không còn ai thuyết minh dẫn giải. Bên ngoài sân vườn, cỏ dại mọc um tùm. Tấm biển di tích nhà trăm cột và bản đồ khoanh vùng bảo vệ của ngôi nhà đã hoen ố theo mưa nắng.

“Nhà trăm cột” là một di sản văn hóa quí báu, là niềm tự hào của người dân Cần Đước. Sự đầu tư của nhà nước vào đây để biến nơi này thành khu du lịch văn hóa là điều cần thiết và cũng không mấy khó khăn. Thế nhưng cứ ngày này qua ngày khác di tích cứ xuống cấp dần và nhiều người lo ngại, một mai bà Ngõ không còn ai sẽ là người tiếp tục gìn giữ di sản này ?

Trần Chánh Nghĩa