HTML clipboard
- “Ốc đảo” làng Vân (thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nằm dưới chân đèo Hải Vân - địa danh một thời gắn với hàng trăm người mắc bệnh phong cùi sắp được di dời vào đất liền thay vào đó là dự án du lịch mang tầm cỡ quốc tế....

Nơi hiu quạnh trở nên sầm uất

Để đến được làng Vân, chỉ có một con đường độc đạo là leo lên lưng chừng dốc đèo Hải Vân, xuyên qua rừng, men theo con đường sắt khoảng 10km, hoặc đi thuyền thúng nhanh nhất cũng mất hơn nữa giờ. Vào mùa mưa bão, gần như không có con thuyền nào dám mạo hiểm đi đến nơi này.

Vào những năm 1960 của thế kỷ trước, Làng Vân là một khu rừng âm u, hiu quạnh không một bóng người. Với vị trí hiểm trở và tách biệt đó, nơi đây trở thành khu “trú ẩn” an toàn và yên bình cho những người bị bệnh phong, căn bệnh mà một thời bị người đời xa lánh.

Năm 2006, thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương di dời những công dân Làng Vân vào đất liền nhằm giúp họ có một cuộc sống hoà nhập cộng đồng, đầy đủ hơn về mọi mặt như văn hoá, y tế, giáo dục…Nhưng bẵng đi một thời gian, không thấy người ta nói đến chủ trương này. Người dân làng ấy vẫn sống yên bình lặng lẽ, cô độc, tách biệt rất hiếm người qua kẻ lại.

Đến 2008, thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận cho tập đoàn Oaktree (Hoa Kỳ) khảo sát dự án với tổng số vốn đầu tư 5 tỷ USD, biến nơi đây thành khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, bến du thuyền, casino…khiến dư luận xôn xao và nhiều người bắt đầu quan tâm hơn về “làng cùi”.

Gần đây, tháng 5/2011, UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương đầu tư Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp tại thôn Hòa Vân và di dời người dân vào sinh sống tại khu dân cư mới thì làng Vân trở nên nhộn sinh động hẳn.

Bởi, dân nhiều nơi ào ạt chuyển vật liệu đến xây dựng nhà trái phép và mua đất chờ “thời”.

“Ốc đảo” làng Vân đang dần đông đúc lên.

Ông Nguyễn Văn Hiệp phó trưởng thôn Hòa Vân cho hay: “Trước đây, nghe nói đến “làng cùi”, mọi người ai cũng sợ tránh xa. Còn bây giờ, các đại gia, những hộ gia đình có điều kiện…từ nhiều nơi đổ xô ra mua đất hay ra vào liên tục Làng Vân để hỏi han nghe nghóng tình hình”.

Liệu có đổi được tâm lý về người “làng cùi” chăng?

Theo kế hoạch của thành phố Đà Nẵng, đầu tháng 12/2011 sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị và tiến hành di dời các hộ dân làng Vân vào tại khu dân cư Hoà Hiệp (Kho Lào). Một số hộ gia đình không có người bị bệnh phong, hoặc các hộ thuộc thế hệ sau không bị di chứng sẽ được bố trí ở xen kẽ trong các khu dân cư khác.

Riêng bệnh nhân phong sẽ được ở tại Khu điều dưỡng dành cho bệnh nhân phong. Mọi thứ dường như đã rõ, nhưng người dân làng Vân vẫn không khỏi hoang mang và lo lắng.

Chúng tôi đến nơi này, bà con cứ nhầm là cán bộ làm bên công tác di dời, hết người này đến người khác hỏi “khi nào chuyển đi vậy cô, gia đình bà… (ông…) chuyển đi đâu cô biết không? Đằng sau nỗi lo về nơi ở, là nỗi sợ không chỉ của riêng ai liệu mình có hòa nhập được với công đồng?

Chị Nguyễn Thị C. (41 tuổi) nghẹn ngào giơ bàn tay cụt của mình và xúc động nói: “Nói là hòa nhập cộng đồng nhưng khó lắm cô ơi, tui đây còn trẻ vậy chỉ cùi mỗi bàn tay mà mỗi lần vào đất liền đi chợ mua thức ăn, chưa kịp ngoảnh cái lưng đi đã nghe mọi người to nhỏ, bà ấy ở “làng cùi” ra đấy”.

Đừng nói đâu xa, khi chúng tôi hỏi đường để tìm đến với nơi này dường như cái tên làng phong cùi được nhiều người đất liền biết đến nhiều hơn là tên làng Vân (“ốc đảo” làng Vân) được đặt sau này nhằm xóa đi tâm lý phân biệt giữa dân làng Vân và đất liền.

Bà Nguyễn Thị Vân (82 tuổi) cả tay lẫn chân đều bị cùi và mắt bị mù không nhìn thấy gì tâm sự: “Những người mắc bệnh như chúng tôi khổ lắm cô ơi, sống trong làng bà con biết hoàn cảnh, biết bệnh tật thân tình tới lui giúp đỡ, còn vào đất liền không biết có ai dám lại gần không nữa?”. Bà còn kể thêm, nơi đây còn có rất nhiều người khác bị di chứng nặng như bà: Ông Thiên, ông Hai, bà Nở, bà Bồn…

Ông Phạm Văn Tưởng - người thầy thuốc chủ chốt của làng Vân (ngoài ông còn có thêm Nguyễn Đức Dụng nay đã về hưu) cho hay: “Bà con sợ nhất là di dời vào một chỗ, điều đó sẽ không tránh khỏi đàm tiếu của người đất liền là dân từ làng cùi chuyển vào đó”.

Tâm trạng lo lắng bị phân biệt đối xử khi vào đất liền là nỗi niềm của hầu hết người dân sống ngoài “ốc đảo”. Họ biết rằng, vào đất liền điều kiện sẽ tốt hơn, nhưng vẫn trằn trọc và dường như luyến tiếc cuộc sống yên bình, thanh thản ngoài làng Vân.

Họ sẽ làm gì để tiếp tục sống… ?

Dù rằng, tại buổi làm việc mới đây về việc di dời làng Vân, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lập hồ sơ, phân loại chi tiết từng hộ gia đình để có kế hoạch cụ thể về việc chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân để họ yên tâm vào bờ.

Thế nhưng, bà con làng Vân vẫn không biết mình sẽ làm được gì để tiếp tục sống bởi xưa nay họ vốn sống thu mình, tự ti về bệnh tật, ngại tiếp xúc với người đất liền.

Thậm chí, nhiều người sống gần hết cả đời chưa một lần ra khỏi làng. Anh Nguyễn Minh Hà (39 tuổi), là cư dân thế hệ thứ 2 tại Làng Vân, ba mẹ anh đều là những người bị bệnh phong lưu lạc ở Huế vào đây, tỏ ra lo âu: “Ở ngoài này, mùa nắng thì làm biển, mùa mưa thì làm rẫy, làm lúa, không giàu có chi nhưng cũng có cái ăn, cái mặc. Vô đó, tuổi lớn rồi, trình độ lại không có, chẳng biết làm chi để nuôi cả gia đình”.

Hay ông Hoàng (64 tuổi): “Tui đây còn phải nuôi 2 con đi học, tay bị cùi sống ở làng còn chăn được con bò, thả con gà quanh vườn, làm nương rẫy, cuộc sống không dư dả nhưng không sợ đói, ra thành phố không biết làm gì với bàn tay cùi, có khi muốn đi phụ hồ cũng không ai nhận”.

 
Khu du lịch mang tầm quốc tế trong tương lai.

Đặc biệt, người làng Vân, họ cần lắm một tấm lòng để mình sớm được tái hòa nhập cộng đồng thoát khỏi cảnh thu mình, mặc cảm bệnh tật. Và, mối quan tâm lớn nhất của những người dân nơi đây là chế độ, chính sách đền bù giải toả liệu có đủ để họ yên tâm khi bước vào cuộc sống mới.
  • Tuyết Phan