– “Hôm nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, em trùm chăn khóc từ chập tối đến sáng hôm sau. Đó là một ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2009. Trời thì mưa lâm thâm, lại rét, em buồn, em tuyệt vọng quá…”, bệnh nhân Phạm Văn Th., hiện đang điều trị HIV/AIDS giai đoạn cuối tại bệnh viện 09 (Hà Nội) tâm sự.

Đau đớn nhận án tử

Con đường trở thành một bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối của Phạm Văn Th. có thể nói là khá điển hình cho những thanh niên nông thôn thời hiện đại.

Th. sinh năm 1984 tại Mỹ Đức, Hà Nội trong một gia đình nông dân bình thường. Học hết cấp 3 rồi thi trượt Đại học nhưng cậu nhất định không đi học cao đẳng hay trung cấp hoặc học nghề. Phần vì nghĩ học cao đẳng, trung cấp sẽ khiến cậu “bẽ mặt” với bạn bè, phần vì gia đình cũng không ủng hộ, yêu cầu cậu ôn thi thêm một năm nữa để làm sao thi đỗ ĐH cho gia đình “mở mày mở mặt”.

Không ngờ trong suốt quãng thời gian nghỉ ở nhà để ôn thi, Th. không giữ được mình. “Chị biết đấy, những đứa khá khẩm, tử tế thì đã đi học ĐH hoặc học nghề hết ở ngoài Hà Nội. Em ở nhà suốt ngày loanh quanh với mấy đứa lêu têu không chí hướng. Thêm nữa, vì chán nản nên em đâm ra cáu bẳn, hay gây sự với gia đình. Càng ngày em càng xa cha mẹ, anh em và đi sâu vào con đường tội lỗi”, Th. tâm sự.

“Xài” ma túy được hơn 2 năm thì Th. được đưa đi cai nghiện ở Trung tâm bảo trợ xã hội số 1. Gia đình không có điều kiện nhưng bố mẹ Th. vẫn cố gắng để không mất đi đứa con trai cả.

Vì thế, dù đã ngoài 50 tuổi nhưng bố mẹ Th. thường xuyên lóc cóc đi từ cuối tỉnh (huyện Mỹ Đức) lên đầu tỉnh (huyện Ba Vì - Hà Tây cũ) để chăm con. Trước đó, cả gia đình đã khánh kiệt, chịu bao đau đớn, điều tiếng vì Th. nghiện ma túy nặng.

Bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ở Bệnh viện 09 (Thanh Trì - Hà Nội). Ảnh: N.A
 
 

Đến Trung tâm bảo trợ xã hội số 1, như tất cả các học viên khác, việc đầu tiên cậu phải làm là xét nghiệm HIV/AIDS. Bị nghiện hơn 2 năm, cũng có một số lần (đếm trên đầu ngón tay) Th. dùng chung kim tiêm với bạn nghiện nhưng cậu vẫn lạc quan lắm, chỉ nghĩ là mình bị nghiện, ở đây một thời gian cai nghiện xong là sẽ trở về quê, cưới vợ sinh con và làm ruộng, quyết tránh khỏi “nàng tiên nâu”.

Nhưng, đùng một cái, Th. nhận được “án tử”.

Đó là một ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2009. Th nhận kết quả xét nghiệm vào cuối giờ chiều. Trước khi đến nhận, Th. vừa run vừa cười. Run vì có thể 1% không may mắn kia có thể rơi vào cậu, còn cười để giấu đi nỗi sợ hãi đó. Nhiều anh em trong phòng động viên Th. cứ “tự tin đi lấy kết quả, cuộc đời có thế nào cũng đã có số cả rồi”…

Nhưng hai chữ “dương tính” như một cơn bão cấp 12 dập tắt ngọn lửa hi vọng vốn đã yếu ớt trong Th. “Lúc biết tin, em như không thở nữa. Sau đó về phòng, em nằm trùm chăn khóc từ chập tối đến sáng hôm sau. Hôm đó là một ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2009. Trời thì mưa lâm thâm, lại rét, sao mà em buồn … Em tuyệt vọng quá”, Th. nhớ lại và bật khóc, như thể thời khắc đó mới xảy ra ngày hôm qua.

Những ngày sau đó, Th. gần như không ăn uống, mặt mũi xuống sắc thảm hại. Bên cạnh cậu là những người bạn cùng cảnh ngộ.

Dù được an ủi, động viên nhưng việc phải một mình đón nhận kết quả kinh hoàng này là một thử thách quá lớn đối với một cậu thanh niên còn quá trẻ như Th. Nhưng điều cậu lo lắng hơn cả là làm sao để nói được điều này với gia đình? Có lẽ bố mẹ cậu sẽ không chịu nổi cú sốc này…

Nhưng chuyện gì đến cũng phải đến. Sau hơn 1 tháng giấu giếm, và đấu tranh, chính Th. đã chủ động nói cho bố mẹ biết chuyện. Họ đã khóc lóc vật vã mấy ngày trời…

Song có điều để tự mình nói ra được điều này, Th. đã phải đấu tranh với chính mình. “Thật lòng là lúc đó em chỉ muốn chết luôn thôi, sống cũng không để làm gì, trước sau gì cũng chết, lại chết trong đàm tiếu, nhục nhã. Các chị không hiểu được cảm giác đó đâu… Nhưng nghĩ đến bố mẹ và 2 em là em tự nhủ mình còn sống được ngày nào là còn được nhìn thấy họ ngày đấy. Đến lúc này mới thấy gia đình, cuộc sống là quý giá, nhưng đã muộn mất rồi …”, Th. bật khóc.

Hai cuộc đời, một số phận

Chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS tại BV Nhân Ái (Ảnh: minh hoa: VnMedia)
 
Nếu câu chuyện của Th. là điển hình cho những thanh niên lêu lổng ở nông thôn nhiễm HIV/AIDS thì câu chuyện của Nguyễn Thị Phương A. (sinh năm 1980 tại Đông Anh, Hà Nội) lại điểm hình cho những trường hợp nhiễm HIV/AIDS của những thanh niên thành phố.

Mới chào đời, Phương A. đã phải sống cùng bà ngoại vì bố mẹ bỏ nhau. Phương A. có rất nhiều anh em nhưng không có ai cùng cha, chỉ chung mẹ. Người mẹ của cô cũng là dân giang hồ tứ chiếng, nay đây mai đó và cũng bị cuốn vào con đường ma túy. Khi lên 10 tuổi, Phương A. hay tin mẹ vào tù …

Cuộc sống của Phương A. càng trở nên u tối. Cô bé sống lay lắt vì bà ngoại tuổi cao sức yếu. Cô dì chú bác xung quanh cũng đều khó khăn và không có “thiện cảm” với một đứa bé có nguồn gốc, lai lịch như Phương A. nên tình cảm và sự sẻ chia rất hạn chế.

Cũng chính nguồn gốc và lai lịch này biến Phương A. thành một cô gái bất cần đời, bướng bỉnh, luôn chống lại gia đình như một cách để tự vệ. Đây cũng chính là nguyên nhân đẩy cô vào con đường ăn chơi với những đối tượng “bất hảo” trong xã hội.

Nhưng bước ngoặt của cuộc đời Phương A. lại xảy ra sau khi cô lập gia đình và chính điều này đã đẩy cô đến với ma túy, rồi sau đó là HIV/AIDS. Năm 18 tuổi, Phương A. lấy chồng nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt của mẹ chồng.

Chung sống với nhau được một thời gian, Phương A. có bầu nhưng “mẹ chồng hờ” lừa và ép cô uống thuốc phá thai. Đứa con ra đi, Phương A. lâm vào cảnh bi đát tột cùng. Cô đã tìm đến ma túy để “giải sầu” rồi nhiễm HIV từ lúc nào không hay.

Cũng như Th., Phương A. cho biết: “Thời điểm biết mình nhiễm bệnh, nói thật là em chán nản đến mức chả có cảm giác gì, vì em bị trầm cảm, trống rỗng. Nhưng trong những lúc tỉnh táo, em cảm thấy sợ chết. Nếu em chết, em không còn được nhìn thấy cuộc sống này nữa, dù nó không tươi đẹp với em nhưng em vẫn muốn được sống. Em khóc triền miên mấy ngày trời và đã định tự tử nhưng không thành. Phải mất đến mấy tháng sau, con người em nó mới dần quen và chấp nhận với sự thực này”.

Khác với Th., áp lực lớn nhất của Phương A. chỉ là vượt qua được bản thân mình. Cô gái này không phải đối mặt với gia đình, bởi gần như cả họ tộc đều coi như cô đã không còn tồn tại.

“Đôi khi em thấy thế lại là một điều may”, Phương A. vừa nói vừa rưng rưng rơi lệ…

N.Anh

(còn nữa)