– Không lâu sau khi 'cướp số' thành công, trở thành “ngôi vương” của thủ phủ Quỳ Châu, Vi Văn Phong cùng đàn em bắt đầu chuỗi ngày thống trị “vương quốc đá đỏ", trở thành nỗi kinh hoàng của người dân nơi đây.

Trói cha, hãm hiếp con gái

Những chiến sỹ công an mà chúng tôi từng gặp trong quá trình thu thập hồ sơ cho loạt bài này, khi được hỏi: “giang hồ thời đó, ai nổi cộm nhất” đều đồng loạt khẳng định: Vi Văn Phong.

Cho dù đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng với các chiến sỹ công an đã từng có mặt ở thủ phủ đá đỏ Quỳ Châu, thì những tội ác mà Phong và đồng bọn gây ra, còn mới như vừa xảy ra ngày hôm qua.

Chính vì thế, khi hỏi về Phong, không ai là không nhớ. Thậm chí, nhớ rất rõ. Từ cái ngày y chân ướt, chân ráo về đất Châu Bình, đến cái ngày y lên ngôi vương, thống nhất thiên hạ và chuỗi ngày làm mưa, làm gió ở thủ phủ đá đỏ đều được thuật lại khá rõ ràng.

Hồ sơ về Vi Văn Phong còn ghi lại rất rõ những tội ác mà tướng cướp này gây ra trong thời gian làm bá chủ giang hồ đá đỏ Quỳ Châu. Ảnh:Q.Huy

Sau khi soán ngôi, Phong cùng đàn em tổ chức cướp bóc, chấn lột tiền, vàng và đá đỏ của người dân nơi đây. Để tránh sự truy đuổi và phục kích của lực lượng công an, hiếm khi y xuất đầu lộ diện.

Địa điểm cư trú của Phong “trọc” cũng được thay đổi thường xuyên. Khi thì y lập một lán trại trong rừng, lúc lại ẩn nấp trên bè nứa ở dưới lòng sông Hiếu.

Nếu thấy động, y lẩn nhanh vào rừng hoặc nhảy xuống sông rồi lặn không thấy tăm hơi đâu. Thoắt ẩn, thoắt hiện như một bóng ma, Phong trở thành nỗi kinh hoàng của người dân nơi đây.

Một đêm thượng tuần tháng 6, năm 1991, có hai bóng đen lầm lũi cắt bìa rừng đón xe về Nghĩa Đàn. Một già, một trẻ. Người già đang húng hắng ho, thi thoảng đang đi lại đổ vật xuống như cây chuối khô bị gió bão quật xuống vệ đường.

Chốc chốc, cô gái lại phải dìu người cha đang khe khẽ rên lên vì những cơn sốt rét hoành hành. Đang bước, cả 2 cha con giật bắn khi nghe tiếng quát phát ra từ bụi rậm ven đường: “Kiếm được hàng rồi giờ tính bài chuồn hả? Muốn sống, đưa lô hàng vừa đào được ra đây”.

Người cha đang trong cơn ớn lạnh vì sốt rét, mở đôi mắt mệt mỏi, bạc trắng nhìn những người lạ mặt, chân tay run bần bật, va cả vào nhau. Hai cha con nép lại, ôm chặt lấy nhau. Tiếng cô con gái nói không thành lời: “Bố tui bị sốt rét, phải đưa về bệnh viện gấp chứ có phải đào được đá đỏ đâu. Mong các anh thương tình, để tui còn dìu bố ra đường, xin xe về chữa bệnh viện”.

Cô gái vừa dứt lời thì Nguyễn Văn Đường và Phong 'trọc' tiến lại gần. Đường 'rộ' dùng đèn pin dọi thẳng vào mặt cô gái, lục lọi khắp người nhưng không thấy gì ngoài mấy đồng bạc lẻ đã nhàu nát. Hắn gằn giọng, chửi thề rồi định quay lưng bỏ đi.

Nguyễn Văn Đường, nhị ca của giang hồ đá đỏ với tiền sự, tiền án dày đặc. Ảnh:Q.Huy

Từ nãy đến giờ, Phong “trọc” đứng ngoài để canh chừng. Trong lúc Đường “lỳ’ lục lọi đồ đạc thì y chăm chăm nhìn vào cô gái mặt đang tái mét vì sợ. Qua ánh sáng nhàn nhạt của chiếc đèn pin, y kịp nhận ra vẻ đẹp mặn mà của cô gái mới chừng 18 tuổi.

Y tiến đến, ném ánh mắt rằn những vệt máu, nhìn cô gái không chớp mắt. Đoạn, y rút phăng con dao găm sắc lẹm trong người và dí lên cổ cô gái, mắt hằn lên cơn thèm khát nhục dục.

Con dao sắc lẹm lướt từ từ xuống cổ rồi cắt phăng chiếc cúc áo. Cô gái van lên sợ hãi, khóc lóc xin tha. Người bố già ở gần đó, cố gắng nhoài người ra ôm lấy chân Phong “trọc” và Đường “lỳ” cầu xin: “Hai bố con vì nghèo quá, lên đây đào đá đỏ nhưng cả mấy tháng trời rồi không kiếm được gì hết. Các anh thương tình tha cho cháu nó”.

Vừa dứt lời, Đường 'rộ' đã vung chân, nhằm thẳng ông bố tội nghiệp mà phang. Ông lão hực một tiếng, ngã dúi dụi ra phía sau, máu trào ra từ khóe miệng.

Ông lão chịu đau, cố tình trườn đến, ôm lấy chân Đường. Cú, y cầm 2 tay ông lão, lôi xềnh xệnh trên đường rồi dùng thắt lưng, trói ông ở ngay gốc cây. Sau đó, bọn chúng thi nhau hãm hiếp cô gái trước ánh mắt gần như tê dại và bất lực của người cha già.

Hả hê, chúng vứt lại cô gái và ông bố tội nghiệp với nỗi đau ê chề rồi mất hút trong đêm.

Trói người, châm lửa đốt

Khi “thiên hạ” đã về tay mình, Phong lại sinh… chán. Bởi từ đây, y không còn ai là đối thủ, không có ai dám đối đầu với mình. Bởi vậy, nhiều lúc ngứa nghề, y lại trà trộn vào đám người đang đào đá đỏ để trêu ghẹo rồi kiếm cớ gây sự.

Hồ sơ lưu trữ tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An còn ghi rất rõ những tội ác dã man như thời trung cổ của băng nhóm do Vi Văn Phong cầm đầu.

21 giờ đầu tháng 4/1991, sau một chầu thuốc phiện trong lán trại của Hiệp ngất, Vi Văn Phong cùng với các thuộc hạ là: Hồ Đức Vinh, Hồ Trọng Châu, Trần Văn Sơn rủ nhau vào nhà anh Hồ Viết Nghi ở xã để chơi.

Trước đó, đám lâu la của Phong từng cho y hay rằng: Trong nhà của anh Nghi có rất nhiều phụ nữ ở trọ để đi đào đá đỏ. Trong số đó, có một cô gái dân Bắc, cỡ 18 tuổi rất đẹp. Tiếng lành đồn xa, rất nhiều đại gia buôn đá đỏ đã đến để 'trêu hoa, ghẹo nguyệt'. Thậm chí, có người còn muốn cưới cô gái này về làm vợ.

Là kẻ hám sắc, nên sau khi nghe đám thủ hạ giới thiệu, y đứng phắt khỏi bàn thuốc phiện, theo chân đám thủ hạ đến để xem mặt người đẹp.

Phố "sung sướng", nơi mà băng đảng do Phong 'trọc' cầm đầu thường lui quân về xả hơi. Nơi đây cũng từng chứng kiến nhiều cuộc đâm chém đẫm máu - Ảnh: H.Sang

Khi cả hội kéo đến, thấy anh Nguyễn Văn Thắng cũng đang có mặt để tán tỉnh cô gái. Thấy người đẹp cứ mải miết nói chuyện với Thắng mà không đoái hoài gì đến Phong, y nổi cáu, kiếm cớ sinh sự. Phong nháy mắt, ra hiệu cho đàn em nhảy vào “tình địch”.

Nhận được lệnh, đàn em của Phong là Hồ Đức Vinh xông vào tát ngay giữa mặt Thắng. Quá bất ngờ, Thắng chạy vào nhà để cầu cứu. Sẵn con dao trong tay, Phong nhè đầu Thắng phang tới tấp. Thắng ngã quỵ xuống, máu chảy ra ướt đẫm cả vạt áo. Phong cùng đồng bọn lấy dây dù trói Thắng vào cột rồi lục soát, lấy đi một viên đá đỏ và toàn bộ tiền mặt trong người.

Để dằn mặt những ai còn dám đến tán tỉnh cô gái này, trước lúc về, Phong lấy xăng tưới vào tay Thắng rồi châm lửa đốt. Thắng kêu lên, vật vã đau đớn, quỳ rạp xuống xin tha mạng. Bỏ ngoài tai những lời van xin, hội của Phong 'trọc' cười ré lên rồi rút quân.

Trước lúc về, y còn ném lại một ánh mắt sắc lạnh: “Đứa nào muốn tán em này, thì nhìn cái gương thằng này mà học tập”. Nói đoạn, cả lũ kéo nhau, rú ga, chạy thẳng về phía đồi Hoa cỏ may.

Đêm đó, cả lũ kéo về lán trại của Hiệp 'ngất' để hút ma túy. Khi đi qua khu phố sung sướng (khu vực nằm ngay Đồi Triệu), Phong không quên tìm cho mình một cô gái làng chơi để giải sầu.

Sau những lần gây án với thủ đoạn tàn ác và liều lĩnh, Phong đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng công an Nghệ Tĩnh.

Một chuyên án truy bắt tên đầu đảng khét tiếng này nhanh chóng được thành lập. Là một con cáo già nên y luôn thay đổi địa điểm. Lúc thì trốn tít trong rừng sâu, khi lại chui lủi trên một cái bè ở giữa sông Hiếu. Chính vì vậy, nhiều lần bị lực lượng công an bao vây, nhưng Phong vẫn trốn thoát, tiếp tục chuỗi ngày thống trị giang hồ đá đỏ Quỳ Châu.

  • Hoàng Sang – Quốc Huy

Kỳ tới: Hàng chục người đang luồn sâu trong lòng đất để tìm đá đỏ thì hầm sập. Phải mất tới chục ngày sau, người ta mới đưa xác các nạn nhân xấu số lên khỏi lòng đất. Có người bảo, số người chết là do lời nguyền của một vị thần cai quản vùng đá đỏ này. Chẳng biết rõ nguồn cơn như thế nào, chỉ biết ngày đó, dọc theo con đường mòn từ đồi Tỷ dẫn ra QL 48, 2 bên đường xác người nằm ngổn ngang, khói nhang nghi ngút phủ kín cả một quãng đường...

'Đế chế đá đỏ' và những trận huyết chiến
Tranh giành lãnh địa, chém giết, siết cò cướp mạng sống của nhau… có một thời, vùng đất Quỳ Châu như thế. Có người gọi thời kỳ hỗn mang đó là thời của 'đế chế đá đỏ'...
 
Cơn khát Ruby ở 'lãnh địa máu'
Một đế chế mới hình thành nơi miền Tây xứ Nghệ: đế chế đá đỏ; đế chế của những trận huyết chiến kinh hoàng, đế chế của máu và nước mắt. Quỳ Châu ngày đó, chỉ có một màu: màu đỏ của những viên Ruby và màu máu.
 
Những cuộc thanh trừng ở 'thủ phủ đá quý'
Để tồn tại, giang hồ ở lãnh địa máu buộc phải chém giết lẫn nhau. Thủ phủ đá đỏ đã từng chứng kiến những trận huyết chiến kinh hoàng giữa đại ngàn.
 
'Chủ soái' giang hồ đá đỏ
Sau một thời gian trành giành ngôi soái ở tử huyệt Quỳ Châu, cuối cùng, giang hồ lãnh địa máu cũng tìm ra cho mình một ngôi vương mới với cái tên Vi Văn Phong, thường gọi là Phong 'trọc'.