HTML clipboard

- Trong chiều 23/5, một số cán bộ thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Hình sự, Bộ Công an (phía Nam) đã có mặt tại hiện trường vụ tàu Dìn Ký chìm trên sông Sài Gòn làm 16 người tử vong.

Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Phạm Xuân Trường – Quyền Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn viên của Công an tỉnh Bình Dương cũng đã có xác nhận. Nhưng cũng theo Thượng tá Trường, cán bộ của Bộ Công an có mặt tại hiện trường cũng là chuyện bình thường, nhưng các cơ quan chức năng và Công an tỉnh Bình Dương vẫn giữ vài trò điều tra chính.

“Bộ Công an sẽ hỗ trợ giúp Công an tỉnh Bình Dương sớm điều tra làm rõ nguyên nhân chìm tàu một cách nhanh chóng” – Phát ngôn viên của Công an tỉnh Bình Dương khẳng định.

Chiều 23/5, trả lời VietNamNet về tiến trình điều tra, Thượng tá Nguyễn Hoàng Thao - PGĐ Công an tỉnh Bình Dương xác nhận: “Sau khi lai dắt tàu về cảng Bà Lụa, chúng tôi sẽ có những đơn vị nghiệp vụ phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác để kiểm tra các thông số kỹ thuật, xem xét tàu có vi phạm gì không?”.

Khi trả lời về biện pháp tố tụng tiếp theo đối với những người có liên quan hoặc kết quả điều tra ban đầu vụ án đặc biệt nghiêm trọng nói trên như thế nào, Thượng tá Thao cho biết “Văn phòng công an tỉnh đã có kế hoạch sẽ tổng hợp các thông tin cần thiết nhất liên quan đến vụ án và sẽ có họp báo công bố thông tin với các cơ quan báo chí trong thời gian nhanh nhất có thể”.

Công an tỉnh Bình Dương sẽ sớm họp báo, công bố thông tin về tai nạn đường thủy đặc biệt nghiêm trọng ở địa phương này.
Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Đức Thành – Phó chỉ huy, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương – nói với PV VietNamNet vào chiều 23/5 rằng, con tàu BD – 0394 đang neo đậu phía bờ ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM đã có dấu hiệu xê dịch vào trưa 23/5, nhưng lực lượng cứu hộ cứu nạn đã kịp thời xử lý và neo đậu lại ở một vụ trí an toàn khác gần đó.

Ông Thành cho biết thêm, đến sáng 24/5 mới có thể lai dắt con tàu về cảng Bà Lụa ở P.Phú Thọ Hòa, TX.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được.

Theo đó, khó khăn lớn nhất đối với việc lai dắt tàu, là đảm bảo yêu cầu của cơ quan điều tra, phải giữ nguyên hiện trường bên trong con tàu để không ảnh hưởng đến việc khám nghiệm.

“Nhưng việc lai dắt không mấy khó khăn, cứ mượn theo dòng nước để lai dắt đi như thông thường thôi” – Đại tá Nguyễn Đức Thành nói.

Chiều 23/5 trao đổi với báo giới, ông Mai Châu Đông Phương (Đại diện của công ty du lịch xanh Dìn Ký) cho biết, trước mắt phía công ty sẽ lo toàn bộ chi phí an táng đối với 16 nạn nhân.

Cụ thể đối với 4 nạn nhân mang quốc tịch Trung Quốc, phía Dìn Ký bước đầu “hỗ trợ” 14,5 triệu đồng/nạn nhân.

11 nạn nhân xấu số người Việt, Dìn Ký cũng “hỗ trợ” với mức 10 triệu đồng/người. Trong đó 9 người được gia đình đưa về miền Bắc an táng sẽ được Dìn Ký chi 350 triệu đồng. Còn 2 nạn nhân ở Bình Dương cũng được Dìn Ký tỏ thiện chí bằng việc phúng điếu 40 triệu đồng/trường hợp.

Trước đó, khi vừa xảy ra vụ tai nạn đường thủy kinh hoàng, UBND tỉnh Bình Dương đã chi từ nguồn ngân sách của địa phương hỗ trợ 4,5 triệu đồng/nạn nhân.

Được biết từ khi “đại nạn” ập đến, cho đến nay, tổng số tiền hỗ trợ mà gia đình các nạn nhân nhận được từ phía chính quyền tỉnh Bình Dương và của Công ty du lịch xanh Dìn Ký là 660 triệu đồng. VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin chi tiết về quá trình khám nghiệm con tàu tử thần và những thông tin điều tra vụ án tai nạn đường thủy đặc biệt nghiêm trọng của cơ quan công an.

Đàm Đệ - Trung Thanh

>> Toàn cảnh vụ chìm tàu