– Thực phẩm chức năng ngày càng đa dạng về chủng loại và 'xâm nhập' ngày càng sâu vào đời sống, nhưng với tình trạng quảng cáo “nổ tung trời” bằng những lời có cánh như hiện nay, thì người tiêu dùng như đang 'lạc trong mê cung', không biết đằng nào mà lần.

Quảng cáo bằng những lời có cánh

Trên một số trang báo, kênh truyền hình và đặc biệt là vào mạng internet là người đọc thấy nhan nhản những quảng cáo về thực phẩm chức năng. Điểm giống nhau giữa những quảng cáo này là chúng đều được dùng những lời “có cánh” để biến thực phẩm chức năng thành thần dược.


Thực phẩm chức năng bị cơ quan chức năng thu giữ vì không được cấp phép và quảng cáo sai sự thật (Ảnh minh họa: Tiền Phong)

Có thể lấy ví dụ: Chỉ cần gõ từ khóa “thực phẩm chức năng collagen” trên google, sau 0,10 giây đã cho ra 444.000 kết quả. Trong đó, có những loại thực phẩm chức năng collagen được quảng cáo là “được chiết xuất từ protein của cá biển sống ở tầng nước sâu, làm da sáng đẹp, mịn màng, săn chắc, tươi trẻ, loại bỏ hoàn toàn các vết nhăn, vết thâm quanh trán, khóe mắt, miệng, cổ tay, gót chân, vv.. Chỉ cần uống 2 viên/ngày trong vài tuần liên tục là da dẻ sẽ trở nên căng mịn không ngờ”.

Đang quảng cáo về khả năng làm đẹp da thì ngay lập tức sản phẩm này quay sang quảng cáo thêm về chức năng "giúp tóc bóng đẹp, chắc khỏe, giúp móng bền, đẹp, giảm bớt sự tê cóng chân tay”.

Choáng nhất là vẫn cùng sản phẩm làm đẹp da này, nhưng cuối cùng nó có thêm khả năng “giúp xương và khớp cử động dễ dàng, giúp phụ nữ có hình thể cân đối, vóc dáng săn chắc, gọn gàng” (?!).

Cùng là “anh em” với sản phẩm này, nhưng một công ty khác quảng cáo như sau: “Nếu dùng hàng ngày đến già sẽ không bị bệnh gì, các hoạt chất trong sản phẩm có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư. Dùng sản phẩm này không những khỏi bệnh mà còn trẻ mãi không già” (!)

Để thêm phần thuyết phục, phía công ty kinh doanh và quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng này còn đưa ra cả những “nhân chứng sống” để nói về hiệu quả sau khi dùng sản phẩm với những lời lẽ mỹ miều như thể đây là 'vị cứu tinh' cho sắc đẹp và sức khỏe của họ!

Tác dụng tăng theo cấp số nhân

Sẽ công khai toàn bộ các công ty vi phạm quảng cáo

Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết thêm: “Trong thời gian vừa qua và tới đây, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã và sẽ tiếp tục công khai tất cả các công ty vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng.

Việc công khai này sẽ có tác dụng lớn nhằm cảnh báo người tiêu dùng.

Chính phủ cũng đã giao Bộ Y tế xây dựng nghị định mới thay thế nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính, theo đó mức phạt đối với hành vi vi phạm quảng cáo sẽ tăng lên 20-30 triệu đồng/lần để đảm bảo tính răn đe.

Ngoài ra, sẽ vẫn áp dụng hình phạt bổ sung như thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm”.

Với những lời quảng cáo “có cánh” như trên, tác dụng của thực phẩm chức năng đã bị “thổi” lên theo cấp số nhân và bỗng dưng chúng biến thành “thần dược”.

Nhất là với những sản phẩm thực phẩm chức năng phục vụ người bị bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, ung thư thì đọc xong lời giới thiệu cũng đủ để người nghe phải “hoa mắt chóng mặt”.

Ví dụ về một đoạn quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng internet nhưng viết rõ ràng là “thuốc” như sau: “Thuốc L. có thành phần từ các thảo dược quý hiếm, có tác dụng bồi bổ và tăng cường năng lượng cho tế bào, thúc đẩy sự lưu thông và thải độc ở hệ bạch huyết; hỗ trợ điều trị các bệnh viêm nhiễm, u nang tuyến giáp, u nang buồng trứng cũng như ung thư và các hệ quả phụ của hóa trị và xạ trị liệu...

Hay một loại thực phẩm chức năng khác được quảng bá có khả năng thần diệu trong việc “hỗ trợ việc tăng sinh tế bào gốc đã trưởng thành, bảo vệ tế bào gốc, lọc máu, chống oxy hóa tế bào”.

Và phạm vi mà loại thực phẩm chức năng này có thể 'phủ sóng' rộng đến khó tin: Từ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, cơ tim bị xơ cứng các bệnh về tim đến các bệnh nhân gặp các bệnh về cơ bắp, thần kinh, các bệnh về mắt, các bệnh liên quan tới hệ miễn dịch, khớp, loãng xương, parkinson, đần độn, Alzheimer, thận, gan, tiểu đường, vv…!

Do có tác dụng như “thần dược” và chữa trị được mọi loại bệnh nên loại thực phẩm chức năng này có giá lên tới gần 5 triệu đồng/hộp! Điều đặc biệt là trong các quảng cáo, hầu như không có lần nào những tác dụng phụ được đưa ra (dù trên thực tế thực phẩm chức năng cũng có tác dụng phụ như thuốc).

Một trong những sản phẩm đang phát triển mạnh là thực phẩm chức năng dành cho người “yếu sinh lý”.

Nhiều loại được quảng bá như Viagra bởi nó có thể ngay lập tức “kích thích ham muốn tột cùng” sau khi uống và mỗi lần “chinh chiến” có thể kéo dài tới hơn 1 tiếng!

Người tiêu dùng bị nhiễu thông tin

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay các nội dung quảng cáo được thẩm định của cơ quan y tế thì hầu như không có chuyện thổi phồng tác dụng.

Tuy nhiên, rất tiếc trong thời gian vừa qua nhiều đơn vị phát hành quảng cáo, nhiều nhà sản xuất không tuân thủ quy định này, dẫn đến tình trạng quảng cáo chui, quảng cáo không đúng sự thật vẫn diễn ra

Vì quảng cáo không đúng sự thất dẫn đến một thực tế là người tiêu dùng bị nhiễu thông tin và gặp nhiều khó khăn trong việc chọn lựa cho mình một sản phẩm phù hợp.

Cá biệt, có những người vì bệnh nặng nên đã nhắm mắt tin dùng thực phẩm chức năng trị bách bệnh với mong muốn kéo dài sự sống, nhưng thực tế là kết quả không như mong muốn.

“Tất nhiên là thực phẩm chức năng cũng có những tác dụng nhất định, tuy nhiên không thể thay thế hoàn toàn thuốc chữa bệnh. Trong các quy định về quảng cáo đều cấm quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh. Vì thế, người dân khi mua và sử dụng thực phẩm chức năng cần đọc kỹ và phân biệt rõ điều này”, ông Phong nói.

Người Việt Nam rất tin vào quảng cáo

Theo kết quả nghiên cứu về độ tin cậy vào quảng cáo của  Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen vào năm 2007, tại Việt Nam, 60% số người được phỏng vấn cho biết họ rất tin vào các hình thức quảng cáo.

Việt Nam cũng đứng thứ 8 trong top 10 quốc gia tin vào quảng cáo nhất.

Nghiên cứu của Nielsen cho thấy ở thị trường Việt Nam, người tiêu dùng tin vào các kênh quảng cáo truyền thống như quảng cáo truyền miệng (79%), tivi (73%) và các loại hình báo chí (72%).
Trong khi đó, các kênh quảng cáo hiện đại như: ý kiến khách hàng trên mạng chiếm 58%, email quảng cáo 38%, công cụ tìm kiếm trên mạng chiếm 52% niềm tin của người tiêu dùng.

Về nguyên nhân khiến người Việt Nam tin vào quảng cáo với tỷ lệ cao, đã có 1 số giải thích cho rằng Việt Nam mới tham gia nền kinh tế thị trường có nhiều hàng hoá được đưa từ nước ngoài vào và có nhiều hàng hoá mới sản xuất trong nước, người tiêu dùng chưa biết đến (hoặc chưa có đủ thời gian, điều kiện để hiểu biết về sản phẩm một cách sâu sắc).

Vì thế, người tiêu dùng không biết dựa vào cơ sở nào để chọn được sản phẩm tốt nhất giữa cả rừng sản phẩm mà họ chưa từng biết, kết quả là quảng cáo - phương tiện duy nhất cung cấp thông tin về sản phẩm - đã chiếm được lòng tin của đa số người tiêu dùng.

Cẩm Quyên

(còn nữa)