- Hơn 40 tác phẩm của 11 nhà văn Việt Nam sẽ được chào bán bản quyền ra nước ngoài từ tháng 3/2012 này. Dù chưa biết kết quả như thế nào, đây vẫn là một tin vui.

Tác giả có số lượng tác phẩm được chọn nhiều nhất là Bùi Anh Tấn. Nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm về đề tài đồng tính này có 12 tiểu thuyết và 2 tập truyện ngắn được ký hợp đồng chào bán bản quyền ra nước ngoài.


Nhà văn Phan Hồn Nhiên (trái) với bản hợp đồng bán tác phẩm ra nước ngoài

Những tác giả còn lại hầu hết đều trẻ hơn Bùi Anh Tấn như Phan Hồn Nhiên (có 6 tác phẩm), Nguyễn Vĩnh Nguyên (3 tác phẩm), Cấn Vân Khánh, Vũ Đình Giang (mỗi người 2 tác phẩm), Trần Nhã Thụy, Dương Bình Nguyên (1 tác phẩm)...

Toàn bộ danh mục này được in thành catalogue bằng nhiều thứ tiếng với đầy đủ thông tin tiểu sử tác giả, quá trình sáng tác, số lượng tác phẩm, nét đặc trưng, tầm ảnh hưởng đến xã hội... Một số tác phẩm còn được chọn dịch trước sang tiếng Anh.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi, GĐ công ty sách Chibooks, đại diện bán các bản quyền này cho biết: "Chúng tôi sẽ chào bán ở các hội chợ sách quốc tế như hội chợ bản quyền sách Kuala Lumpur (4/2012), hội chợ sách Bắc Kinh (8-9/2012), và cũng chỉ chào hàng với đối tác có quan tâm đến văn học Việt Nam để đỡ mất công cho đôi bên".

Sau "mẻ" đầu, sẽ có gần 10 nhà văn khác nữa cũng thỏa thuận cung cấp tác phẩm để Chibooks mang đi chào bán. Tổng cộng, trong năm 2012 có gần 100 tác phẩm của các tác giả Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức theo một lộ trình chuyên nghiệp để đưa ra bên ngoài ranh giới đất nước.

Tại buổi ký kết hợp đồng "giao con" hôm 16/3 ở TP.HCM, nhà văn Bùi Anh Tấn dè dặt: "Việc này giống như đi câu cá. Nhưng tôi hy vọng mình và các đồng nghiệp sẽ có tác phẩm bán được ra nước ngoài".

Văn học Việt Nam chưa tạo dấu ấn gì đáng kể trên bản đồ văn học thế giới, các tác phẩm của những cây bút trẻ đương đại như kể trên cũng chỉ có bạn đọc trong nước biết đến. Ngoài chuyện chất lượng, còn có nguyên nhân tác phẩm thiếu kênh đi ra, còn bên ngoài thì thiếu đầu mối để bước vào.

Nhịp cầu mới được xây này như khẳng định của đơn vị làm đại diện, cũng chỉ nối trước hết đến những đối tác quen của mình. Song vẫn hơn không có mối nối nào để thế giới biết rằng văn học Việt Nam còn có nhiều hơn những tác phẩm về chiến tranh.

Thậm chí, bà Nguyễn Lệ Chi khẳng định không bán cho có kiểu đại trà, mà áp dụng cách đối tác nước ngoài đã bán bản quyền cho mình để thỏa thuận. Điều này không chỉ nhằm đạt được mức giá tối ưu mà còn góp phần khẳng định giá trị, vị thế của các nhà văn Việt Nam.

Lối đi mới bao giờ cũng nhận nhiều e ngại. Nhưng nói như cây bút Phan Hồn Nhiên "ước mơ đưa tác phẩm ra nước ngoài không khó thực hiện", có thể trong năm nay chẳng có bản quyền nào được bán, vẫn có quyền hy vọng tương lai không xa tên tuổi nhà văn Việt Nam được bên ngoài tìm đọc.

Hợp đồng đại diện bán bản quyền tác phẩm của các nhà văn kéo dài từ 8 đến 10 năm. Đây được xem là thời gian đủ để thực hiện việc thỏa thuận, dịch thuật, in ấn, phát hành. Đơn vị đại diện chịu chi phí liên lạc, ký kết, nếu giao dịch thành công, họ nhận 10% giá trị hợp đồng như thông lệ quốc tế.

Theo bà Nguyễn Lệ Chi, ngay lượng in ban đầu ở nước ngoài cho một đầu sách đã lên đến 10.000 - 20.000 bản. Chẳng cần biết có tái bản hay không, riêng con số này cũng đủ để làm đối trọng so sánh với mức tác động lẫn nhuận bút của một vài nghìn bản ở trong nước.

V.Tiến