- Câu chuyện về các bảo tàng cũng dài không kém Nghìn lẻ một đêm…


Xếp hàng vào thăm quan bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp.

Năm 2009, với 8,5 triệu lượt người thăm quan, Louvre lại một lần nữa trở thành bảo tàng được thăm viếng nhiều nhất trên thế giới và là niềm tự hào của nước Pháp. Các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha và đặc biệt là Hàn Quốc cũng có những bảo tàng nổi tiếng thu hút hàng triệu lượt tham quan. Điều đó cho thấy bảo tàng có vai trò quan trọng như thế nào trong việc làm nên danh tiếng của mỗi quốc gia.

Ngày nay, không có quốc gia nào không có bảo tàng và việc vào thăm đã trở nên đơn giản. Người xem có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật, nghiên cứu một trận đánh, tìm hiểu một chu trình sản xuất, chiêm ngưỡng những bức tượng người bằng sáp… và vô vàn các chủ đề trưng bày khác. Bảo tàng không chỉ còn là nơi để học tập, giải trí mà còn là nơi gặp gỡ, thưởng thức các chương trình nghệ thuật văn hóa hay mang về những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa, những công trình nghiên cứu không thể mua ở hiệu sách thông thường.
 
Mục đích của bài viết không phải để so sánh sự phát triển của hệ thống bảo tàng ở Việt Nam so với các nước khác trên thế giới mà để đưa ra một số hướng suy nghĩ để bảo tàng đến gần hơn với công chúng cũng như nâng cao chất lượng phục vụ.

Đã đến lúc phải nhìn nhận các bảo tàng như một đơn vị cung cấp dịch vụ. Trước hết phải nói đến số lượng các nhà cung cấp dịch vụ đặc biệt này. Đơn cử Hà Nội với gần 8 triệu dân sinh sống và làm việc mà chưa có được 20 bảo tàng là một điều đáng suy nghĩ. Chưa nói đến số lượng gần 10.000 bảo tàng ở Pháp, 15.000 ở Mỹ, mà ở Seoul (Hàn Quốc) đã có 100 bảo tàng, Bangkok (Thái Lan) có 48 bảo tàng chưa kể các nhà trưng bày.

Chất lượng các bộ sưu tập cũng là một điều đáng quan tâm. Hầu hết các bảo tàng của ta thường bị chê vì bộ sưu tập nghèo nàn của mình. Đơn cử bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng không có bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật đương đại tiêu biểu nhất của Việt Nam thời kì mở cửa, các phòng trưng bày còn lại thì quá nặng về phần mỹ thuật chiến tranh.

Bảo tàng là một loại hình dịch vụ đặc biệt mà người xem cần phải đến được vào bất cứ giờ nào trong ngày làm việc và cuối tuần (thường là trừ thứ hai), nhưng nhiều bảo tàng lại đóng cửa nghỉ trưa (!?) với lý do để phục vụ khách thăm quan buổi chiều tốt hơn (bảo tàng Hà Nội, bảo tàng quân đội, bảo tàng không quân…).

Một trong các điểm yếu cần khắc phục ngay đó là khu trưng bày ngoài trời của nhiều bảo tàng. Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng và cảm xúc mà các khu trưng bày này mang lại nhưng có lẽ ai cũng xót xa khi thấy các hiện vật xuống cấp nhanh chóng. Khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng Dân tộc học là một ví dụ. Khánh thành năm 1997, đây là một trong những bảo tàng hấp dẫn nhất Việt Nam và khu trưng bày độc đáo nhất, nhưng sau 13 năm sử dụng, các hiện vật ngoài trời đã dần xuống cấp.


Nhiều bảo tàng ở HN không cuốn hút được người xem ngay ở cách trưng bày.

Nhà dài trông đã xác xơ, cối nước nhiều khi không hoạt động, chân tường khu nhà đất có dấu hiệu xói mòn. Vòng quanh các bảo tàng quân đội người viết cũng thấy một điều quan ngại: các hiện vật như xe tăng, pháo, máy bay đang "trơ gan cùng tuế nguyệt" vật lộn giáp lá cà với mưa nắng nhiệt đới. Sản phẩm công nghiệp còn như vậy, các tác phẩm điêu khắc Chăm được bày trực tiếp dưới mưa nắng miền Trung không khỏi làm các chuyên gia cổ vật nước ngoài ngán ngẩm lắc đầu.

Bảo tàng không chỉ là nơi thăm quan mà còn là nơi người xem giữ lại những kỷ niệm, lưu niệm gắn với bản sắc của bảo tàng ấy. Các sản phẩm phái sinh này hết sức quan trọng không chỉ với người trong nước mà còn với du khách nước ngoài. Khách đến thăm quan bảo tàng nghệ thuật nguyên thủy ai cũng muốn có một chiếc huy hiệu có hình một tác phẩm điêu khắc cổ đại, đến bảo tàng Monet muốn mua một bộ lót cốc với hình những bức họa Ấn tượng nổi tiếng thế giới. Vậy mà hầu hết các bảo tàng của ta để ngỏ phần này khi chỉ bày bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ na ná nhau hay những cuốn truyện nước ngoài in lậu, giá rẻ.

Bộ sưu tập, hiện vật, cách trưng bày, sản phẩm phái sinh và cả các hoạt động văn hóa thường kì để "đổi món" cho các thượng đế-người xem cần được nằm trong một chính sách văn hóa tổng thể của bảo tàng. Cần lắm thay đổi một cách nhìn. 

 10 bảo tàng được thăm quan nhiều nhất năm 2009

1. Musée du Louvre - Paris - Pháp (8 500 000)
2. British Museum - London - Anh (5 569 981)
3. Metropolitan Museum of Art - New York - Mỹ (4 891 450)
4. National Gallery - London - Anh (4 780 030)
5. Tate Modern - London - Anh (4 747 537)
6. National Gallery of Art - Washington - Mỹ (4 605 606)
7. Centre Pompidou - Paris - Pháp (3 530 000)
8. Musée d’Orsay - Paris - Pháp (3 022 012)
9. Museo Nacional del Prado - Madrid - Tây Ban Nha (2 763 094)
10. National Museum of Korea - Seoul - Hàn Quốc (2 730 204)

  • Nguyễn Đình Thành