- Hai tác giả - một nhạc một thơ - thực sự là có mối duyên kỳ lạ với nhau. Nhiều bài của nhà thơ đã chuyển tới tay nhạc sĩ và được phổ nhạc rất nhanh, tràn trề cảm xúc.

Tác giả Thơ và Nhạc cùng đoạt Giải Nhì

“Tôi thực sự xúc động bởi cuộc thi “Đây biển Việt Nam” đã mang lại một không khí sáng tạo mới mẻ, hướng đến những điều cao cả, thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Nhiều cuộc thi không thể vận động được một số lớn tác giả tham gia; chưa nói tới tinh thần, khí thế và nhiệt huyết lớn lao như thế này. Trong những thời điểm mà Tổ quốc và dân tộc rơi vào hoàn cảnh thử thách thì, như một quy luật, tình yêu đất đất nước sẽ dâng cao…” – nhà thơ Trịnh Công Lộc tâm sự.

“Hàng ngàn tác giả thơ và ca khúc đã cùng nhau hướng về biển đảo, chủ quyền dân tộc và sâu xa hơn nữa là tình yêu thiêng liêng, thắm thiết đối với non sông, đất nước. Giải thưởng không thể “chia đều” cho tất cả. Cho nên, chỉ một số tác giả đoạt giải. Nhưng tôi nghĩ, mỗi tác giả đều đã góp phần trong sự thành công của cuộc thi, cho dù họ không được lên sân khấu để vinh danh. Chưa chắc những tác phẩm đoạt giải của chúng tôi đã là hay nhất. Có thể còn có nhiều tác phẩm hay như thế hoặc thậm chí hay hơn…”

Cảm nhận và trải nghiệm về những cung đường cam go trên biển với bao nhiêu hy sinh xương máu của hai cuộc chiến tranh đã qua, và bây giờ là sóng gió bão dông ở vùng trọng yếu về quân sự, chính trị, đã được nhà thơ Trịnh Công Lộc, đồng thời là người làm công tác tuyên huấn, đúc kết lại tất cả bằng một câu nói nhẹ về từ mà nặng về ý: “Đừng vô cảm với thời cuộc!”.

Không phải lúc nào cũng cần phải hô hào, đao to búa lớn, nói dài và nói to; có thể chỉ là những vần thơ nhẹ nhất, vừa thầm thì quyến rũ, vừa sâu lắng đến vô cùng; bởi nghệ thuật đích thực thì tầm cỡ càng cao sẽ càng là những gì giản dị nhất.

Đâu phải  bây giờ, mới từ biển mà đi. Đất nước mấy ngàn năm bão tố…” – “Từ biển mà đi” có hơi hướng sử thi, chính luận nhưng cũng hết sức duyên dáng, quyến rũ, là một trong hai bài thơ được gửi tới dự thi “Đây biển Việt Nam”. Bài thứ hai của nhà thơ Trịnh Công Lộc là “Mộ gió” chắt lọc, tinh tế đến gai người. Chỉ trong một lượng ngôn từ hạn chế, nhà thơ đã dựng lên cả một bản hùng ca tưởng nhớ những người chiến sĩ anh hùng đã hy sinh vì non sông, đất nước:

“…Mộ gió đây, giăng từng hàng, từng lớp; vẫn hùng binh giữa biển - đảo xa khơi. Là mộ gió, gió thổi hoài, thổi mãi. Thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời!

Khi nhà thơ Trịnh Công Lộc bước lên sân khấu đêm trao giải “Đây biển Việt Nam” nhận Giải Nhì với bài thơ “Mộ gió” thì cũng là khoảnh khắc BTC dành riêng để mời nhạc sĩ Vũ Thiết lên nhận Giải Nhì hạng mục Nhạc, ca khúc “Khúc tráng ca biển” phổ chính bài thơ “Mộ gió”. Hai BGK làm việc độc lập và hoàn toàn không trao đổi gì với nhau về "giải thưởng kép” thú vị này.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chúc mừng nhà thơ Trịnh Công Lộc (giữa) và nhạc sĩ Vũ Thiết (phải)

Hai tác giả - một nhạc một thơ - thực sự là có mối duyên kỳ lạ với nhau. Nhiều bài của nhà thơ Trịnh Công Lộc đã chuyển tới tay nhạc sĩ Vũ Thiết và được phổ nhạc rất nhanh, tràn trề cảm xúc.


Ca khúc "Lời sóng hát" của nhạc sĩ Vũ Thiết gửi tới dự thi cũng phổ nhạc một bài thơ của nhà thơ Trịnh Công Lộc. Lần trước VietNamNet đã giới thiệu bản thu do ca sĩ Hoàng Tùng thể hiện. Lần này là bản thu mới, với giọng hát Hương Liên, thiết tha, trữ tình nhưng không kém phần hào hùng, mạnh mẽ.

Những vòng sóng tình yêu đất nước

Không chỉ là mối lương duyên giữa Vũ Thiết với Trịnh Công Lộc, cuộc thi “Đây biển Việt Nam” đã như chiếc cầu nối liền thêm mối đồng cảm lớn lao giữa các tác giả Thơ và Nhạc trên khắp các miền đất nước.

Bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (không dự thi) nhưng đã được phổ nhạc tới 3 lần bởi 3 tác giả: Nguyễn Văn Đông, Trung Hòa và Đào Hữu Thi. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã gửi tới “Đây biển Việt Nam” hai bài thơ mới và được trao giải bởi bài “Tổ quốc bên bờ biển cả”. Thông tin từ BTC cũng đã cho biết rằng nhiều nhạc sĩ sẽ phổ nhạc bài thơ này, nhưng công bố sau. Bởi cảm xúc cần chín đủ, và sáng tác không phải chỉ để kịp cho một cuộc thi.

Bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cũng được phổ nhạc 2 lần bởi hai tác giả đã có tên tuổi trong làng âm nhạc Việt. Bài thơ “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh cũng có hai tác giả - Cao Minh Khanh và Nguyễn Văn Thành - lựa chọn phổ nhạc, làm tươi mới lại những vần thơ yêu thương da diết đến muôn đời.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trình bày tác phẩm "Tổ quốc bên bờ biển cả"

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha không những có tác phẩm dự thi ở Hạng mục Thơ mà còn có cả tác phẩm dự thi ở hạng mục Nhạc. Và không thể phủ nhận tầm cỡ của bài thơ “Cực sóng”, cũng như hợp xướng “Kỷ niệm Trường Sa”. Chính vì thế, anh là một trong ba tác giả nhận được Tặng thưởng đặc biệt của BTC.

Cuộc thi “Đây biển Việt Nam” đã khép lại, nhưng các tác phẩm Thơ và Nhạc ca ngợi, vinh danh tình yêu quê hương đất nước thì vẫn đang lan tỏa mãi, như những vòng sóng cồn cào và mạnh mẽ, kết nối trái tim hàng triệu người Việt.

Hòa Bình