- Trong 2 ngày diễn ra Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương, sự chia sẻ và giao lưu của các nhà thơ đến từ 24 quốc gia trên thế giới - lần đầu tiên đã mang lại hy vọng mới cho sự trở lại của thi ca.

Buổi tham luận thứ hai diễn ra vào ngày 3.2 có chất lượng cao hơn hẳn buổi hội thảo đầu tiên. 17 diễn giả tham gia (gần gấp 3 lần buổi hội thảo trước) đã mang đến những bài phát biểu có nội dung phong phú, ghi dấu ấn cá nhân, giành được sự tập trung cao độ và sự tán thưởng từ phía người nghe. Nhiều tham luận xuất sắc đã được nhắc đến bằng 2 từ "ám ảnh".

"Cây bút làm cho thanh kiếm tra vào vỏ"

Nhà thơ/ nhà văn hóa Rida K Liamsi (Indonesia) (từng nhận bằng danh dự Nghệ sĩ ưu tú từ Hội đồng Nghệ thuật Riau, 2010; Giải thưởng nhà lãnh đạo Văn hóa Xã hội Malay năm 2010, do Tổ chức Malay và Thế giới Hồi giáo (DMDI) - một tổ chức văn hóa và kinh tế đặt tại Malacca, Malaysia trao tặng) đã phát biểu: "Cây bút đã nói: tôi là vua của thế giới. Ngôn từ có thể làm được nhiều công việc của thanh kiếm. Nhưng thanh kiếm không thể làm được tất cả công việc của ngôn từ. Hàng trăm thanh kiếm đã bị tuốt ra khỏi vỏ, nhưng chỉ với một từ, thanh kiếm có thể trở về vỏ...

Nhà thơ/ nhà văn hóa Rida K Liamsi (Indonesia)

Điều này cho thấy ngôn từ chiếm hữu một vị trí quan trọng và đầy thế lực trong cuộc sống của chúng ta, về mặt xã hội, kinh tế, và chính trị. Điều này cũng cho thấy rằng thơ ca cũng có quyền năng tương tự, bởi vì thơ ca bao gồm những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Thơ ca có sức mạnh của tâm hồn, có thể dời núi, tát cạn biển, và làm cho chim ngừng bay."

Ông liên hệ tại thời điểm khởi nguồn của mỗi con người: "Một ví dụ đơn giản có thể tìm thấy trong cuộc sống của một người mẹ và những đứa con. Từ khi những đứa con còn nằm nôi, bà mẹ đã ầu ơ, đọc cho chúng nghe những bài thơ để cho những đứa con của bà được cảm thấy an tâm, thấy được bảo vệ, và ngủ ngon hơn. Bằng thơ, những người phụ nữ bắt đầu cuộc sống của mình và cũng kết thúc chuyến hành trình cuộc sống của mình".

Ông trích dẫn từ thực tế, lịch sử Indonesia: "Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta cũng thấy sức mạnh của thơ ca trong việc chuyển dời tinh thần, để giải thoát con người khỏi sự áp bức, xiềng xích và chủ nghĩa thực dân. Nhờ thơ ca, chúng ta đã đạt được sự độc lập. Ví dụ, ở Indonesia, thơ ca đã giúp nâng cao tinh thần dành độc lập. Tinh thần đoàn kết và cùng nhau chiến đấu. Indonesia đã sản sinh ra một bài thơ vĩ đại, đó chính là "Đoàn thanh niên" (1928)

“Chúng ta là những người con của Indonesia, tuyên thệ:
Một đất nước, đất nước Indonesia.
Một ngôn ngữ Bahasa Indonesia,
và một tổ quốc, tổ quốc Indonesia”.

Với "Đoàn Thanh niên", tất cả những người đàn ông và đàn bà của Indonesia vùng lên, và chiến đấu giành đôc lập, giúp chính họ và đất nước thoát khỏi chủ nghĩa thực dân. Rồi vào ngày 17/8/1945, sau 27 năm, họ đã tuyên bố Ngày Độc lập và sáng tạo lại một bài thơ vĩ đại: Tuyên ngôn độc lập.

Những dòng chữ trong Tuyên ngôn độc lập đã trở thành những ngôn từ vĩ đại, khơi dậy tinh thần và sức mạnh kháng chiến của người Indonesia:

“Chúng ta, quốc gia Indonesia, tuyên bố độc lập.
Những vấn đề liên quan đến việc chuyển giao quyền lực
…. sẽ được thực thi một cách nghiêm túc
và trong khoảng thời gian ngắn nhất…..”

Với bài thơ đó, người Indonesia đoàn kết những bộ lạc khác nhau, những phong tục, ngôn ngữ và tôn giáo, thành: Một Quốc gia, Một Ngôn ngữ và Một đất nước: Indonesia. Với bài thơ ấy, Indonesia đã trở thành một quốc gia độc lập, một đất nước tự chủ".

"Người Hà Nội hiểu rất rõ về hòa bình"

Nhà thơ Mary Croy (Mỹ) đã gây xúc động cho đa số đại biểu các quốc gia khi nhắc về thời điểm năm 1972, ba nhà thơ Mỹ đã bay tới Việt Nam để phải đối cuộc chiến tranh do chính dân tộc bà gây ra cho một dân tộc khác:

Nhà thơ Mary Croy (Mỹ)

Trong năm 1972, những người Hà Nội đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và việc đó kéo dài suốt những năm chiến tranh. Nhưng những con người dũng cảm này không những chỉ mong chờ hòa bình, mà còn hiểu rất rõ về bản chất của hòa bình, chính vì những gì họ phải trải qua. Thơ ca không chỉ là hành vi sáng tạo đơn độc, mà nó còn là cách để sẻ chia và thấu hiểu một con người khác”.
"Thật nực cười, nhưng cũng từ sự tối cần thiết, ba nhà thơ (Muriel Rukeyser, Denise Levertov và Jane Hart) đã phải đến một địa điểm chiến tranh để tìm thấy ý nghĩa trung thực nhất của hòa bình, tìm thấy những chiếc rễ của hòa bình.

Nhà thơ Muriel Rukeyser và những người bạn đồng hành của bà đã làm chính phủ Mỹ nổi giận và đã chấp nhận nguy hiểm tính mạng khi đến Hà Nội – lúc đó đang bị bao vây – bởi vì họ biết rằng ngôn từ của họ và cuộc đời họ yêu cầu họ làm thế - không thể kém hơn. Đó là một tiếng nói muốn được lắng nghe, bất kể những cái giá phải trả về mặt xã hội".

Những tham luận có nội dung cụ thể, có tính thực tế cao đã tác động mạnh mẽ tới tâm thức người nghe trong buổi hội thảo ngày 3.2. Nhiều dẫn chứng đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau cho thấy sức mạnh và những ảnh hưởng rõ nét của thơ ca đã được kiểm chứng qua lịch sử. Có thể nói, sự tin tưởng về một "sức mạnh hơn lưỡi kiếm" mà thơ ca mang lại cho thế giới loài người đã được chia sẻ và tăng lên gấp bội.

Sáng tạo Việt Nam được gì sau Liên hoan thơ?

Tuy vậy, thực sự thiệt thòi cho nền văn học và thơ ca VN khi những gương mặt trẻ đã không có cơ hội học hỏi và lắng nghe những kinh nghiệm quý báu từ Liên hoan thơ Châu Á. Nguyễn Vũ Hưng gần như là đại diện duy nhất . Anh có mặt với tư cách trợ giúp phiên dịch cho Liên hoan thơ. Dịch giả 25 tuổi với tác phẩm "Hoàng đế và giai nhân" (Sơn Táp) và sắp tới là "Bà S." (một cuốn tiểu thuyết ấn tượng về Casanova) này có thể dùng 4 thứ tiếng. Tại hội thảo anh sử dụng chủ yếu tiếng Pháp và tiếng Anh.

Dịch giả Nguyễn Vũ Hưng (sinh năm 1987), giảng viên khoa Pháp ngữ ĐHQG TP.HCM

Nguyễn Vũ Hưng đã từng gây ấn tượng bởi ý kiến tham luận tại Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 8 (tháng 9/2011). Trước nhiều băn khoăn nhận diện và phát triển văn học trẻ, anh cho rằng để phần nào thoát khỏi những cũ mòn và bế tắc: "người viết cần nghiên cứu những bộ môn liên ngành như: triết học, văn học, tâm lý học - thậm chí là vật lý, toán học, sinh học....bổ trợ cho kiến thức và tư duy của mình. Trên thế giới hiện nay đã xuất hiện xu hướng người viết uyên thâm về mặt học thuật".

Mặc dù đã đọc và biết về những nhà thơ và nhà nghiên cứu lớn có mặt tại Liên hoan thơ từ trước đó, nhưng Nguyễn Vũ Hưng vẫn bị bất ngờ: "Mỗi đại biểu sử dụng những ngôn ngữ khác nhau, cách nói khác nhau, phong cách khác nhau..., nhưng đều hết sức đặt biệt. Tôi thấy thế giới hiện đại không phải là một thể đồng nhất đơn điệu mà là một bức tranh được thêu bằng những sợi chỉ đa màu sắc, và rất tinh tế.

Nhiều người nói với tôi rằng họ sẽ viết về VN, về Hạ Long, về Liên hoan thơ lần này; như thế sẽ là tiếng nói từ khắp nơi trên thế giới về đất nước chúng ta. Nhiều nhà thơ lớn và các giáo sư đã gửi gắm tác phẩm cho tôi để dịch thuật. Tôi đã có những trải nghiệm quý báu, đã nhận được những suy nghĩ và ý tưởng quan trọng, có thể trở thành hạt mầm cho những tác phẩm được sáng tạo về sau."

Một số bức ảnh về bầu không khí thân mật và tình hữu nghị giữa đại biểu các quốc gia tại Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất

Các đại biểu cùng ký lên lá cờ chính thức tại Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương

Những màu da, ngôn ngữ, quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau đã cùng có mặt
Những cái bắt tay xuyên quốc gia của thi ca hiện đại
Nhà thơ Ấn Độ Sukrita Paul Kumar
: Các nhà thơ Ấn Độ trả lời phỏng vấn trên xe bus
Sự thân tình giữa các quốc gia khi cùng che chung một chiếc ô


Nụ cười nồng hậu của nước chủ nhà Việt Nam
Các đại biểu quốc tế đã có những khoảng thời gian đẹp trên dải đất hình chữ S
Hồ Hương Giang
Ảnh:Angellittlefire