- Mùa phim Tết, mùa vàng của điện ảnh Việt, đã bắt đầu giảm nhiệt trên rạp chiếu, để lại nhiều bài học nhìn từ danh sách kẻ thắng – người bại.


Gần 100 rạp chiếu trải dài từ Bắc chí Nam vừa trải qua mùa phim sôi động nhất kể từ năm 1975 đến nay. Có được điều này là nhờ thị trường chiếu bóng có những bước chuyển động mạnh mẽ để đạt được số lượng phim chiếu Tết nhiều nhất, lẫn số rạp chiếu vòng đầu đông nhất.
Phim “Hello cô Ba” dẫn đầu doanh thu phim Tết 2012)
Có tới 9 phim tham gia cuộc đua phim Tết năm 2012, Trong số này bao gồm 5 phim nội: Thiên mệnh anh hùng, Lời nguyền huyết ngải, Hello cô Ba, Lệ phí tình yêu, Vũ điệu đường cong; và 4 phim ngoại: Đại nhạc hội rối, Thế giới ngầm trỗi dậy, Happy Feet 2, Phi vụ ngầm.

Không chỉ vì chiếc bánh” doanh thu bị chia nhỏ hơn, mùa phim Tết năm nay còn gây khó khăn cho phim Việt khi thời gian chiếm rạp ngắn hơn so với mọi năm. Tất cả chỉ kéo dài chừng 3 tuần. Sau đó, số suất chiếu giảm mạnh, nhường chỗ cho loạt phim “bom tấn” khởi chiếu đầu tháng 2 như Harry Potter 7.2, Sherlock Holmes 2, Journey 2...

Nếu chỉ xét thành công của bộ phim dựa trên doanh thu, kết quả thắng – bại ở phòng vé năm nay rõ ràng mang lại nhiều bài học trong việc chế tác một bộ phim ăn khách.
 Danh hài Hoài Linh mang lại phần lớn thành công cho “Hello cô Ba”

Làm khán giả cười…no bụng

Có một thực tế, những bộ phim ăn khách nhất trên màn ảnh Việt hiện đều là phim hài. Tâm lý rủ nhau đến rạp mua vui đang góp phần định hình một thị trường điện ảnh đầy ắp các dạng phim hài hước, được gia giảm thêm các yếu tố lãng mạn, tình cảm cho đến kinh dị, tâm lý, hoặc đơn thuần là…hài nhảm.

Nhạy bén và triệt để trong việc nắm bắt tâm lý này có lẽ không ai bằng ông bầu Phước Sang, người nổi tiếng với dòng phim hài nhảm. Dù bị giới chuyên môn chỉ trích, chê cười “phim không khác gì một chuỗi tấu hài ghép lại”, Hello cô Ba của bầu Phước Sang tràn ngập các tình tiết chọc cười khán giả theo kiểu tấu hài, đủ sức đưa bộ phim lên vị trí đầu bảng doanh thu phim Tết.
“Thiên mệnh anh hùng” còn hi vọng doanh thu với vòng chiếu thứ hai ở các rạp tỉnh lẻ?

Nối dài doanh thu nhờ khán giả tỉnh lẻ

Kể từ khi xuất hiện các cụm rạp hiện đại đi kèm dòng phim “bom tấn” Hollywood từ cách nay gần một thập niên, thị trường chiếu bóng Việt chỉ khoanh vùng ở những thành phố lớn, nơi khán giả có đủ khả năng trả từ 60 đến 100 ngàn đồng cho một vé xem phim. Nhưng mùa Tết 2012 đã thổi luồng sinh khí mới vào hệ thống các rạp chiếu Nhà nước, vốn đang sống phập phù vì thiếu nguồn phim và cơ sở xuống cấp.

Xác định khán giả của “Hello cô Ba” nằm ở đâu, ông bầu Phước Sang đã in sang chừng 70 bản phim (cả bản kỹ thuật số lẫn bản nhựa) để “phủ sóng” hàng loạt tỉnh, thành từ Bắc chí Nam. Trong đó, toàn bộ khu vực miền Trung và Tây Nguyên đều được xem phim này trong vòng chiếu đầu. Không nhiều món ăn tinh thần để giải trí ngày Tết giống như các thành phố lớn, khán giả tỉnh lẻ tỏ ra khá vui vẻ khi chọn “Hello cô Ba”. Trong khi đó, ba phim Tết lớn khác là “Thiên mệnh anh hùng”, “Lời nguyền huyết ngải” và “Lệ phí tình yêu” chỉ in sang từ 28 – 30 bản phim để phân phối về các rạp ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Biên Hòa. Việc cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau khiến nhóm phim này chỉ đạt doanh thu từ 10 đến 16 tỷ đồng VN.
Poster của “Lời nguyền huyết ngải”
Thiện cảm của người xem…không chủ đích

Chưa có một điều tra đầy đủ và thường xuyên nào về thói quen xem phim của khán giả, nhưng nhiều ông chủ rạp chiếu vẫn tin rằng phần lớn khán giả đến rạp mà không có chủ đích xem phim nào từ trước đó. Đây là lúc các bộ phim phải ra sức lôi kéo khán giả về phía mình bằng những hình ảnh phô trương.

Xét ở góc cạnh này, lợi thế lại tiếp tục nghiêng về phía “Hello cô Ba” trong bối cảnh khán giả đến rạp để giải trí, mua vui ngày Tết. Hình ảnh danh hài Hoài Linh hóa trang thành cô đào Marilyn Monroe bị gió hất tung váy mang lại cảm giác buồn cười và thú vị, hơn hẳn vẻ u ám, căng thẳng trong những hình ảnh mà “Thiên mệnh anh hùng” hay “Lời nguyền huyết ngải” phô trương.
  Đầu tư quá lớn đang khiến “Thiên mệnh anh hùng” khó thu hồi vốn

Điệp vụ bất khả thi của “bom tấn” Việt

Thất bại về doanh thu của “Thiên mệnh anh hùng” có lẽ là điều bất ngờ nhất trong mùa phim Tết. Được truyền thông ca ngợi đến mức quá lời, bộ phim của đạo diễn Victor Vũ ở thế thượng phong ngay khi cuộc đua bắt đầu, nhờ ở thể loại võ hiệp kỳ tình mới mẻ, dàn “sao” trẻ trung, kinh phí đầu tư lên tới gần 30 tỷ đồng.

Bài toán doanh thu đặt ra cho bộ phim này là phải kiếm được trên 60 tỷ đồng (tức gần 3 triệu USD) tiền vé thì mới thu hồi được vốn và bắt đầu có lãi, đó là trong trường hợp tỷ lệ ăn chia với rạp chiếu là 50/50 (chưa kể các chi phí phải trả cho nhà phát hành Megastar). Đây gần như là một “điệp vụ bất khả thi”, bởi ngay như bộ phim ăn khách nhất lịch sử chiếu bóng VN là “Kungfu Panda 2” cũng chỉ mới cán mức 2,6 triệu USD sau khi càn quét các rạp chiếu trong suốt mùa hè

Nhiều ý kiến cho rằng, ở một thị trường mà quy mô phòng vé mới chỉ đạt chừng 35 triệu USD (ước tính năm 2011), việc đầu tư cho một bộ phim với yêu cầu doanh thu quá cao như vậy là không thể đạt được. Trừ khi người ta muốn làm phim vì một mục đích khác. Không hề nghi ngờ gì là những bộ phim lớn dạng luôn đóng vai trò kích thích các thị trường điện ảnh. Nhưng với “bom tấn” Việt, có lẽ còn phải chờ thời gian, khi số rạp chiếu đã phát triển lên đến hàng trăm, chứ không phải hàng chục như hiện nay.

Minh Chánh