– Có lẽ chưa có năm nào nhạc Việt được chứng kiến những thảm họa âm nhạc nhiều như năm 2011, và cũng có lẽ chưa bao giờ mọi chuyện lại thay đổi nhanh như thế!


Thảm họa âm nhạc, một năm nhìn lại

Có thể nói 2011 là năm bùng nổ của hiện tượng “thảm họa V-Pop”. Cộng đồng online thì có thêm nhiều Music Video (MV) khôi hài để bàn tán xôn xao, dư luận cũng được dịp chỉ trích không thương tiếc. Những cái tên như Phi Thanh Vân, Lê Kiều Như, HKT, Phương My,… đã không còn xa lạ đối với công chúng, đặc biệt là giới văn phòng thường xuyên sử dụng internet.

Đến lúc nhìn lại chặng đường của những thảm họa, có lẽ công chúng cần tỉnh táo để nhận biết con đường, mục đích mà những nghệ sỹ này muốn đạt được đó là sự nổi tiếng, khác hoàn toàn với cái gọi là danh tiếng.

Phi Thanh Vân từng tuyên bố “Muốn gọi tôi là ca sỹ, Phi Thanh Vân hát hay người đẹp hát gì cũng được” và con đường mà cô theo đuổi đâu phải là một ca sỹ chuyên nghiệp.

Về hai “thảm họa” nổi nhất trong năm 2011 này là Phương My và HKT thì câu trả lời có lẽ là phong cách mà họ chọn cho con đường âm nhạc của mình.

Phương My đã từng là thí sinh trong cuộc thi Idol

Phương My đã từng là thí sinh trong cuộc thi Idol, có lẽ ca hát nhiều mà không có được tiếng tăm nên quyết định chọn cách hát và thể hiện khác người, thế là nổi thật. Cô từng tuyên bố “vui mừng vì được gọi là thảm họa”.

HKT dù có bị gọi là “thảm họa” đi chăng nữa nhưng đã đầu tư về tiền bạc lẫn công sức, ý tưởng cho những MV của họ được. Nếu cho rằng dòng nhạc HKT hát là nhạc chợ thì những dòng nhạc thị trường đã từng làm mưa làm gió như Khi người đàn ông khóc của Lý Hải hay Thà rằng như thế của Ưng Hoàng Phúc là gì? Vậy chuỗi series Trọn đời bên em đã làm nên tên tuổi của Lý Hải nếu xuất hiện vào thời điểm này có bị gọi là “thảm họa” hay không?!

Nếu nhìn vấn đề một cách thấu đáo thì liệu có hay không cái gọi là thảm họa trong âm nhạc, khi mà dưới sự công kích của búa rìu dư luận những sản phẩm ấy vẫn tồn tại và sống khỏe.

Dòng nhạc thị trường vốn được giới bình dân ưa chuộng nhờ có giai điệu dễ nghe, lời đơn giản dễ thuộc kết hợp thêm vũ đạo sôi động. Về tiêu chí này rõ ràng HKT đã rất thành công với mục tiêu đặt ra của họ. Và như thế, vẫn tồn tại những lý do để khán giả lắng nghe nhạc 'thảm họa"?

Ý kiến trái chiều của của Phương Anh, 20 tuổi – một khán giả khu vực miền Tây cho biết: “Nếu không có những “thảm họa” như HKT, Vũ Hà… thì giới bình dân sẽ nghe cái gì? Chẳng lẽ họ lại nghe nhạc của Đại Lâm Linh – những tác phẩm được giới bình dân cho là... thảm họa. Đã đến lúc dư luận nên nhìn nhận vấn đề thảm họa dưới cái nhìn công tâm và đúng đắn hơn. Nếu nghệ thuật là để thưởng thức thì thảm họa chỉ có một mục đích đơn giản là giải trí, và phân khúc rõ ràng cho đối tượng bình dân. Tồn tại một sự khập khiễng khi dư luận đánh đồng những thảm họa với âm nhạc chính thống và đập nó tơi bời. Trong khi đối tượng chính của dòng nhạc này lại thấp cổ bé họng không có cơ hội lên tiếng trong cuộc chiến không cân sức này.

Khi người hát tự thay đổi "thảm họa"…

“Liên khúc thảm họa” của Duy Khiêm là một cái kết khá đẹp cho một năm 2011 đầy sóng gió của “thảm họa V-Pop”. Tác giả đã cover lại 5 thảm họa đình đám của năm 2011, Da nâuTâm hồn là vĩnh cửu (Phi Thanh Vân), Nàng Kiều lỡ bước (HKT), Đừng yêu em (Lê Kiều Như), Nói dối (Phương My). Trong thời điểm hiện tại, dù đã chính thức phát hành gần 2 tuần nhưng MV này vẫn còn một độ thu hút nhất định với cộng đồng mạng.

Khi được hỏi về mục đích của việc tung ra MV này, tác giả của nó trả lời: “Mục đích của MV này là không có mục đích nào cả… Duy Khiêm muốn để cho công chúng tự thưởng thức và tự cảm nhận về: nhạc sĩ, ca sĩ, ca khúc. Vì yếu tố nào trong 3 yếu tố trên mà một bài hát bị cho là thảm họa? Có bài dở vì giai điệu, vì ca từ, có bài lại vì người thể hiện. Mỗi người sau khi nghe xong sẽ có một cách hiểu khác nhau. Chính cách hiểu của từng người đã thể hiện tư duy của họ về âm nhạc cũng như nhận thức của họ về cuộc sống”.

Cũng không cần nói thêm về sự đón nhận của công chúng đối với MV này. “Giải thoát thảm họa”, “cứu vớt thảm họa”,  “biến thảm họa thành nghệ thuật” là những cụm từ được dư luận nhắc đến nhiều khi nhận định về “Liên khúc thảm họa”. Công chúng nghe nhạc cũng đã tự mình trả lời được câu hỏi “Ca khúc thảm họa hay là ca sĩ thảm họa?”

Độc giả đã có cái nhìn rất sâu sắc khi nhìn nhận lại về cái gọi là “thảm họa âm nhạc”: “Vậy là chứng tỏ, lỗi không phải ở nhạc mà là ở người. Nếu người không có tài thì hát nhạc của diva hay của Trịnh thì cũng sẽ thành thảm hoạ mà thôi. Biến 1 bài hát tầm thường thành một tác phẩm nghệ thuật được hay không là còn tuỳ vào cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ muốn mang đến cho công chúng. Tốt nhất là HKT, Phi Thanh Vân, Phương My và những người khác nên nhìn đây là tấm gương mà đánh giá lại bản thân mình thì tốt hơn”. (Vitconxauxi193377)

  • MiA