- Sự kiện cậu bé 10 tuổi, Nguyễn Bình, học lớp 5, ở Hà Nội, là tác giả của bộ tiểu thuyết giả tưởng dự kiến gồm 8 tập “Cuộc chiến với hành tinh Fantom”, có thể được coi như một cách “chào sân” của khái niệm “công dân toàn cầu” rất ngoạn mục của thế hệ rất trẻ, chỉ ở tuổi nhi đồng.

Biết viết năm 3 tuổi, 4 tuổi Nguyễn Bình đã nhờ bố mua từ điển Hán - Việt để học, 5 tuổi đã tự tạo hộp thư điện tử riêng, 6 tuổi đã biết một số tiếng Anh, và gần đây còn làm giật mình người lớn khi dịch phụ đề của một số phim được công bố trên internet về các di tích trên thế giới được cho là tác phẩm của người ngoài hành tinh.

VNN đã có cuộc trò chuyện thân mật và cũng rất tự nhiên (cả hồn nhiên) với cậu bé Nguyễn Bình.

Tiểu thuyết gia tuổi nhi đồng

Chào em, có thể gọi em là “bé” hay giản đơn “chào Bình”?

Dạ thưa chị, em thích gọi là “Bình” thì hơn vì “bé” khiến em nghĩ mình mới 1, 2 tuổi.

Với những gì đã thể hiện tại cuộc giao lưu ở NXB Trẻ, Bình vừa tỏ ra rất “nhí” như bao trẻ em khác, nhưng cũng rất chững chạc. Có phải bố đã dặn hay chỉ bảo trước?

Thưa chị, bố không dặn hay chỉ bảo gì em cả. Chỉ có buổi tối trước ngày vào TP Hồ Chí Minh bố nói với em là: Nếu con thấy mình có thể trả lời được câu hỏi thì hôm sau đi, bố sẽ không giúp con bất kỳ điều gì liên quan đến cuốn sách, vì cuốn sách là của con. Em nghĩ em trả lời được nên em “Vâng”. Em cũng không phải là nhà tiên tri nên em không biết ngày hôm sau bạn đọc sẽ hỏi những gì, nên ai hỏi thì em trả lời.

Ý thích viết tiểu thuyết viễn tưởng nảy sinh từ lúc nào, hay điều gì làm Bình muốn viết “Cuộc chiến với hành tinh Fantom”?

Ý thích của em nảy sinh từ khoảng năm 2010. Còn hồi đó, em nghĩ thế nào thì hiện giờ em không còn nhớ nữa ạ!

Tại sao lại là “Fantom” mà không phải là một cái tên khác? Và vì sao bối cảnh lại là nước Mỹ, Peru, Hy Lạp… mà không phải Việt Nam hay là các quốc gia châu Á gần với Việt Nam?

Em lấy từ “Fantom” vì… em không rõ nữa! Bối cảnh ở các nước châu Âu và châu Mỹ vì tại nơi ấy là cái nôi của hàng chục nền văn hóa, nền văn minh lớn nhỏ được 2/3 dân số thế giới biết đến. Ở châu Á cũng có nhiều nền văn minh nhưng em chọn châu Mỹ, cũng vì nơi này có công nghệ và ngành du lịch phát triển vượt mức.

Thần đồng tiểu thuyết Nguyễn Bình (giữa ảnh)

Cũng như trong truyện, Bình đặt tên các nhân vật của mình là: Frank William Wells, Michael John Henderson, George Abraham Carroll, Sarah Margaret Adams, Bejeweled, Cakkratge… Có vẻ đọc và nhớ hơi khó, nhất là với các bạn “nhí” như Bình. Sao Bình không đặt những cái tên phổ thông hơn như  Peter, Alex, John, Anne, Rose…? Hay những cái tên Việt Nam như: Hòa, Bình, Hà, Hương..,?

Những tên phổ thông thực ra chỉ là tên bình thường, còn tên đầy đủ mới quan trọng ạ. Nếu gọi tên, phải là Frank, Michael, George, Sarah,.. chứ! Như câu trên em đã nói, bối cảnh ở Việt Nam thì không hợp cốt truyện. Chẳng lẽ em phải bê nhân vật người Việt sang Mỹ?

Những kiến thức về lĩnh vực khoa học vũ trụ, khoa học tự nhiên, xã hội, các địa danh lịch sử, thiên nhiên của thế giới được Bình “gài” vào trong tiểu thuyết rất hợp lý và khá chính xác. Trong khi Bình chỉ là học trò lớp 5 tiểu học ở Việt Nam, và Bình cũng chưa bao giờ đi ra khỏi Việt Nam. Kiến thức đó Bình làm sao có được, và chọn lọc như thế nào cũng như Bình có hiểu về những kiến thức đó?

Dạ, phần lớn em tra cứu trên internet và qua đọc sách. Cũng phải hiểu một ít thì mới đưa vào truyện được, chứ không hiểu, đưa vào sai thì bị chê ngay.

Những tình tiết trong câu chuyện về việc khám phá UFO - vật thể bay không xác định được cho là của người ngoài hành tinh, Bình tự tưởng tượng hay là dựa theo các thông tin trên internet?

2/3 em lấy từ những sự thật trong lịch sử nhân loại. 1/3 còn lại do em tự tưởng tượng, nhưng vẫn dựa theo sự thật.

Các pha chiến đấu có cả chiến thuật trinh sát, cận chiến tấn công, phòng thủ… trong các trận giao tranh bảo vệ trái đất với người ngoài hành tinh, Bình có tham khảo tư liệu trong lịch sử chiến tranh Việt Nam hay chỉ tham khảo qua các phim ảnh viễn tưởng của nước ngoài đã xem?

Thưa chị, em chỉ tham khảo qua một số bộ phim khoa học viễn tưởng em đã được xem thôi ạ, còn thì em tự nghĩ ra!

Khi viết, Bình có “nháp” không, có phác thảo trước tình tiết của câu chuyện sẽ diễn biến như thế nào?

Bố cho em rất nhiều các tờ giấy một mặt để em đóng thành vở nháp. Em vẽ bằng bút chì lên các tờ giấy ấy tình tiết em vừa nghĩ ra, sau đó tưởng tượng bằng hình ảnh và ghép vào văn bản xem có khớp, có hay không.

Chân dung “công dân toàn cầu” thế hệ mới

Biết sử dụng internet từ rất bé, Bình có tham gia vào các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Yume…, mở blog? Bình có các bạn cùng lứa tuổi ở ngoài Việt Nam không?

Thưa chị, tính tới giờ thì em mới tham gia Facebook và một số diễn đàn em yêu thích. Em chẳng có ai cùng lứa ở ngoài Việt Nam cả.

Thường lên mạng, Bình quan tâm thông tin gì? Và có hay bàn luận trao đổi thông tin với các bạn trên internet?

Em quan tâm tới những nền văn hóa, nền văn minh, kiến thức thiên văn và động thực vật. Em chưa bao giờ bàn luận hay trao đổi thông tin với bạn nào trên internet cả.

Bình có hay đọc các truyện phù thủy như Harry Potter - J.Rowling, Kỵ sĩ rồng - Cornelia Funke, Charlie Bone - Jenny Nimmo, Biên niên sử về Narnia (7 tập) - C.S.Lewis… Nhận xét của Bình?

Thưa chị, em chưa đọc Hiệp sĩ rồng và Charlie Bone. Em thấy Harry Potter không hề hay một chút nào, bối cảnh hẹp quá. Biên niên sử Narnia của C.S.Lewis em mới đọc vài tập nhưng nó đã lôi cuốn ngay từ vài trang đầu tiên.

Nếu như cho Bình có một “quyền năng”, thì Bình sẽ làm gì để sách thiếu nhi  Việt Nam được hấp dẫn?

Em chưa tính, chị ạ!

Có nghe một chuyện vui về Bình. Ấy là nhiều lần phải làm bài tập môn Tiếng Việt - làm văn ở trường, Bình vò đầu bứt tai loay hoay mãi không làm được, nhờ các chị không được, hỏi bố cũng không xong. Tại sao thế? Đề khó quá? Hay vì sao? Trong khi Bình có thể ngồi viết 200 trang một bộ tiểu thuyết giả tưởng không hề thấy khó.

Em tự thấy mình không hợp với thể loại văn ở trường. Những bài văn viết ở trường cho một đề và phải quanh đi quẩn lại cái đề ấy, tức là bị gò bó, khó tưởng tượng. Nhưng viết truyện thì em được tưởng tượng rất nhiều.

Ở trường của Bình, sau khi “Cuộc chiến với hành tinh Fantom” được phát hành, có nhiều bạn đọc không? Thầy cô giáo có đọc không? Và ý kiến của họ?

Có vài bạn ở trường em đọc, nhưng các bạn chưa đọc hết. Em cũng không rõ thầy cô giáo nhận xét gì nữa!

Thế hiện tại Bình có được “ưu tiên” gì không khi đến trường?

Ưu tiên là gì hả chị? Em vẫn đi học bình thường mà chị!

9 câu hỏi thật ngắn:

Ở lớp Bình đứng hạng mấy? Em không để ý.

Môn học nào thích nhất? Em cũng không để ý, vì thích hay không thì vẫn phải học tất cả các môn.

Bình yêu nhân vật nào nhất trong truyện của mình? Chú chó sục Boston Superstar.

Phim viễn tưởng nào Bình đã xem và thích? Phim nào em cũng thích, nhất là phim hoạt hình với cốt truyện giả tưởng. Nhưng phần nhiều những phim em thích lại là phim phiêu lưu hoặc tìm kho báu.

Được làm người nổi tiếng Bình có thích không? Em cũng chưa rõ mình là người nổi tiếng hay là một người bình thường nên em cũng không biết.

Bình có biết khái niệm “công dân toàn cầu”? Khoản này em chịu!

Bình có ý định dịch tác phẩm của mình ra tiếng Anh? Dạ, em rất muốn.

Điều Bình muốn làm nhất hiện tại? Mua kính thiên văn ạ!

Để nói về mình, Bình viết đúng 10 chữ? Em cũng không rõ mình là ai nên không biết!

Chúc em là con ngoan, trò giỏi và sẽ hoàn thành nốt các phần tiếp theo của tiểu thuyết.

Cuộc chiến với hành tinh Fantom

Có thể tóm tắt tiểu thuyết viễn tưởng "Cuộc chiến với Hành tinh Fantom", dày 200 trang, của cậu bé 10 tuổi Nguyễn Bình: Diễn tả trận giao tranh để bảo vệ trái đất giữa một nhóm bạn trẻ người Mỹ với các thế lực đến từ hành tinh Bóng ma. Ngoài việc nhân vật trong cuốn sách là người Mỹ, truyện còn lấy bối cảnh ở nhiều nước như: Hy Lạp, Italy, Peru...

Người kể truyện trong sách là nhân vật tôi, tên Frank William Wells, thủ lĩnh của Hội Earth- Trái đất, gồm các thành viên: Michael John Henderson, George Abraham Carroll, Sarah Margaret Adams... Hai nhân vật đại diện người ngoài hành tinh- hành tinh Fantom, là: Bejeweled và Cakkratge.

Câu chuyện của tiểu thuyết giả tưởng này được mở đầu bằng buổi sáng đầu tiên khi nhóm bạn của Hội Earth trong chuyến đi du lịch tại Hydra, một hòn đảo nhỏ của Hy Lạp. Trong hành trình, nhóm đã dần khám phá những bí mật khủng khiếp về UFO (Vật thể bay không xác định) và sự hiện diện của người ngoài hành tinh trên trái đất. Và rồi nhóm cũng đã “đụng” ngưòi ngoài hành tinh, một cuộc chiến nổ ra giữa những người Trái Đất với ngừòi ngoài hành tinh để bảo vệ bình yên trên hành tinh Trái Đất.

Trích một đoạn trong tiểu thuyết: "... Các nhà khoa học vẫn nghiên cứu về UFO, báo chí vẫn tiếp tục đưa tin. Còn trẻ con vẫn tiếp tục ao ước và hy vọng một ngày nào đó, chúng sẽ được tận mắt chứng kiến UFO, được bắt tay và trò chuyện với những người ngoài hành tinh, trò chuyện thân thiết như bạn bè (dù họ sử dụng ngôn ngữ gì thì tôi không biết đâu nhé!), thậm chí cùng đi nghe hòa nhạc, xem phim với họ. Trẻ con tin rằng người ngoài hành tinh cũng giống như người Trái đất, nghĩa là có người tốt - kẻ xấu, kẻ giàu - người nghèo...".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: "... đối với Nguyễn Bình, viết văn đâu có phải một việc dễ dàng, cứ nghĩ gì thì nói thế. Cậu đã lao động nghệ thuật rất nghiêm túc như một nhà văn và nhà khảo cứu đích thực...". Với những trang viết đó, có thể coi Nguyễn Bình như một... quái kiệt, nếu như không nói đó là một trường hợp đặc biệt và không thể lý giải nổi"

Nhà văn Phạm Sỹ Sáu, người trực tiếp biên tập cuốn sách thì bày tỏ: “ Đọc lướt qua tập bản thảo, cảm giác đầu tiên của tôi là bất ngờ. Thật sự bất ngờ… Từ bất ngờ tôi chuyển sang thán phục. Thật sự thán phục…Tôi cho đây là quyển sách đầu tiên trong nước biểu hiện cho một công dân toàn cầu. Độc giả nước nào đọc truyện cũng đều có thể hiểu nó”.

Hoài Hương thực hiện