- Sự kiện “Sát thủ đầu mưng mủ” bị dừng phát hành khiến công chúng liên hệ tới một bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ Trương Quý Hải  - "Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa" cũng bị nhại lời. Phóng viên VietNamNet  đã tìm gặp nhạc sĩ Trương Quý Hải và các "tác giả" đã nhại lời ca khúc của anh.


Phóng viên: - Khi bài hát "nhái" - Hà Nội mùa này phố cũng như sông được lan truyền trên mạng, anh có biết?

NS Trương Quý Hải: - Tôi biết, thực ra hai tác giả đã "nhại" ca khúc của tôi cũng là các bạn trẻ, đồng nghiệp cùng phòng với tôi tại công ty (FPT) , tên các bạn ấy là Đinh Công Sáng là người hát và đồng sáng tác và Trần Chí Hiếu là người sáng tác và phối nhạc.

Đinh Công Sáng là người đã hát ca khúc
Trần Chí Hiếu sáng tác và phối khí

- Trong cảm hứng như thế nào mà hai bạn là cho ra đời hát chế lời này?

Công Sáng: Ngày ấy Hà Nội bị ngập, mình và Hiếu sau khi lội làn nước đến cơ quan thấy ai cũng xôn xao về việc ngập lụt nên Hiếu mới nảy ra ý tưởng: “Chế lời bài hát đi anh…”. Tôi ngại bản quyền, Hiếu lại bảo: “Sợ gì, lôi bài ông Hải ra chế cho lành!” vậy là bài hát chế ra đời.

Chúng tôi sáng tác và hoàn thiện cũng rất nhanh, khoảng chỉ khoảng 30 phút. Khi anh Hải đến thì chúng tôi cho nghe thử. Chỉ thấy anh vừa nghe vừa vỗ đùi đen đét khoái trí.

- Vậy chắc hẳn là mục đích của các anh cũng chỉ sáng tác cho vui?

Công Sáng: Đúng vậy, chúng tôi chỉ xác định làm cho vui. Sau này không ngờ nó lan truyền mạnh quá, cái này bản thân tôi cũng chưa nghĩ và tính đến.

- Vậy sau khi “vỗ tay vào đùi đen đét” anh phản ứng thế nào, thưa nhạc sỹ Trương Quý Hải?

NS Trương Quý Hải: Phải nói thật là vì tôi bị ấn tượng câu: “Quán cóc nước dâng ngập qua…mông!”. Tôi thấy nó quá “thật thà”. Trong sáng tác không ai dám bê ngôn từ như thế vào cả. Tôi chỉ bảo với Sáng và Hiếu: “Thôi, anh chịu chúng mày rồi!”

- Khi anh ra ngoài công ty, bạn bè anh có phản đối hay “mách lẻo” với anh bài hát chế này?

NS Trương Quý Hải: Phản đối gì chứ. Mấy người bạn của tôi khi gặp còn dấm dúi đưa tôi nghe, lại còn bảo: “Này, có cái thằng nào nó sáng tác còn hay hơn mày!”

Thậm chí còn có câu chuyện vui về một ông bạn tôi ở bên ngành y còn tếu táo bình lời bài hát theo ngôn ngữ ngành y: “Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay… tức là có triệu chứng hôn mê, Cho đến đêm nay lạnh đôi chân… triệu chứng hôn mê sâu!, Giờ đây lạnh luôn toàn thân... tức là nhập quan rồi”.

Nhạc sỹ Trương Quý Hải

- Thế bạn bè anh Sáng thì sao? Họ có những bình luận thế nào?

Công Sáng: Bạn bè tôi nghe thì ai cũng bảo là vui, nhưng cũng nhiều người nói với tôi rằng: “Thật sự là cười ra nước mắt! Có vui, có ý nghĩa, có hài ước nhưng lại có cái sâu cay ở trong đó…”

- Còn anh Hải, anh bình luận thế nào về việc có người chế bài của anh?

NS Trương Quý Hải: Phải nói thật là tôi bất ngờ về sự sáng tạo của các bạn trẻ bây giờ. Và cũng đúng như Sáng nói, tôi cũng bị các bạn trẻ làm cho phải cười ra nước mắt.

- Liệu có thể so sánh với bài hát gốc?

NS Trương Quý Hải: Mỗi bài phù hợp với một ngữ cảnh, không thể đem ra so sánh. Bài hát chế thì phù hợp với cái ngày lụt lội đó. Trong cái khó khăn, có một tiếng cười chia sẻ, để quên đi cái vất vả, để tìm thấy cái lạc quan thì bài hát chế cũng có giá trị riêng và hướng tới một đối tượng riêng.

- Anh Hải nghĩ thế nào nếu như có người nói rằng việc chế lời bài hát của anh như vậy ngoài để vui vẻ sẽ cũng làm ảnh hưởng tới góc nhìn của giới trẻ, về giáo dục hay thậm chí rằng nó cũng sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt?

NS Trương Quý Hải: Nếu đứng trên phương diện ngôn ngữ, tôi xin không có ý kiến, xin hãy để những nhà ngôn ngữ, nhà xã hội học lên tiếng vì họ nghiên cứu về nó, có chuyên môn về nó sẽ có góc nhìn và nhận xét có tính chất chuyên sâu và bài bản hơn chứ không bị cảm tính. Còn bản thân tôi với bài hát chế của hai bạn, xét trên phương diện dùng để chia sẻ cá nhân, tôi nghĩ nó vô hại, chỉ là để mua vui mà thôi.

Một tác phẩm của họa sỹ Thành Phong - tác giả cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" về Hà Nội ngày mưa

-Anh Sáng nghĩ sao về vấn đề trên?

Công Sáng: Bản thân tôi cũng hoạt động, công tác trong đoàn thể thanh niên nên thực ra tôi có điều kiện xâm nhập vào đời sống của những người trẻ. Thế nên ngôn ngữ trong bài hát chế của mình tôi cũng mượn từ chính đời sống đó mà ra. Cách tiếp cận với các bạn trẻ không thể cứng nhắc, mà muốn cứng nhắc cũng không thể được. Tôi ủng cách tiếp cận đa chiều và gần gũi, miễn sao là phải phù hợp và đảm bảo không vi phạm các giá trị đạo đức thuần phong mỹ tục.

- Có bao giờ bài hát chế lời của anh bị đem ra sử dụng ngoài mục đích mua vui?

Công Sáng: Có, có rất nhiều nơi lấy bài hát chế lời của tôi để đem ra sử dụng với mục đích khác. Tôi hoàn toàn phản đối trước việc làm đó. Giống như anh Hải ở trên, chúng tôi sáng tác chỉ để cho vui, để chia sẻ với nhau trong lúc khó khăn để có cái nhìn lạc quan để vượt qua hoàn cảnh khó khăn mà thôi.

Hoàng Nguyên