- "Khi đọc đến câu thơ "Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau", nước mắt tôi ứa ra, nhưng không thấy sự mềm yếu, bé nhỏ mà cảm nhận dường như có nguồn sức mạnh lớn lao vọng về", nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tâm sự.


Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn bên cây đàn piano

Cuộc vận động sáng tác thơ và ca khúc "Đây biển Việt Nam" do báo VietNamNet, Hội nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức đã thu hút sự chú ý và tham gia của nhiều văn nghệ sĩ  khắp các miền đất nước. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - chi nhánh phía Nam - đã hưởng ứng nhiệt tình và gửi tác phẩm dự thi  ngay lập tức sau lễ phát động. VietNamNet có cuộc trò chuyện với vị nhạc sĩ về bài hát "Tổ quốc gọi tên mình" của ông.


Ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình" của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn

"Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau"

- Ông bắt gặp và phổ nhạc bài thơ "Tổ quốc gọi tên" của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai trong hoàn cảnh nào?

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: - Trước tình hình biển đảo nóng bỏng của Tổ quốc thời gian qua, tôi đã có ý định viết một ca khúc về tình yêu đất nước. Đọc báo VietNamNet, tôi tình cờ bắt gặp bài thơ "Tổ quốc gọi tên" của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Tức khắc, cảm xúc tràn về trong tôi nhanh chóng. Tôi đã phổ nhạc bài thơ chỉ trong khoảng 15 phút, sau đó việc còn lại là sắp xếp khúc thức, tính toán giai điệu theo cảm xúc của mình một cách chặt chẽ.

Những câu thơ của Quế Mai vang lên đầy linh thiêng, cảm giác như tiếng nói của cha ông vọng về trên từng tấc đất, từng ngọn sóng của đất mẹ Việt Nam thiêng liêng. Nhiều đêm trong giấc ngủ những lời thơ đó cứ vọng về trong tôi. Sau khi phổ nhạc, tôi gửi email trao đổi với chị Quế Mai, xin đổi một số từ của bài thơ để phù hợp với tính chất ngôn ngữ âm nhạc, đặc biệt là giai điệu và được chị chấp nhận. Ví dụ tựa bài “Tổ quốc gọi tên“ tôi thêm thành “Tổ quốc gọi tên mình“, hoặc “Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình“ đổi lại “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình“...

- Những câu thơ ấy tha thiết nhưng mạnh mẽ, ca khúc cùng tên của ông cũng đầy da diết nhưng giai điệu, hòa âm rất khỏe khoắn, hùng tráng. Để thể hiện cùng lúc hai trạng thái này trong khuôn nhạc là điều khó, nhưng cũng rất "sướng" đối với người nhạc sĩ?

- Rất đúng, ca khúc này được viết ở thể loại hai đoạn A và B. Phần A với giai điệu nhẹ nhàng, da diết như từng lát cắt vào thịt da mình khi Tổ quốc không được bình yên. Phần B điệp khúc khẳng định tình yêu đối với Tổ quốc là bất diệt. Đặc biệt trong phần điệp khúc tôi lặp lại nhiều lần các cụm từ "Tổ quốc của tôi“, “Tổ quốc linh thiêng“ và "hòa bình“ để nhấn mạnh khát vọng yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Có thể nói phần hòa âm, phối khí rất hiệu quả đã thể hiện được ý đồ của tác giả, nâng ca khúc lên tầm cao hơn.

- "Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau". Đọc lên, "chạm" vào, phổ nhạc những câu như thế này, ông rơi vào cảm giác thấy mình bỗng bé nhỏ, bất lực hay thấy mình trở nên mạnh mẽ, lớn lao hơn?

- Khi đọc đến ca từ này cùng với giai điệu của bài hát, nước mắt tôi ứa ra, nhưng không thấy sự mềm yếu, bé nhỏ mà cảm nhận dường như có nguồn sức mạnh lớn lao vọng về. Đó là sức mạnh của tổ tiên, cha ông, của cả dân tộc cộng hưởng lại như chất keo kết dính, đã được chứng minh qua mấy ngàn năm lịch sử.



Hải quân đảo Sinh Tồn trong ca tuần tra. Ảnh: V.Tiến


Mong đến ngày có mặt tại Trường Sa

- Ngoài "Tổ quốc gọi tên mình", ông còn có sáng tác nào trước đây về chủ đề biển đảo quê hương?

- Trước kia tôi có sáng tác bài hát "Biển hát ơn người" để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, và ca khúc “Bên em thành phố biển“ được ca sĩ Quang Linh thể hiện trong cuộc thi Hoa hậu quý bà thế giới tổ chức tại Vũng Tàu.

- Ông đã đặt chân đến những vùng đảo nào của Tổ quốc? Tâm trạng của  ông khi hít thở vị mặn gió biển quê hương, chân bước trên những lớp đất của một phần đất nước?

- Tôi đã đặt chân đến Côn Đảo, Phú Quốc, nhưng chưa có dịp đến với Trường Sa, Hoàng Sa. Ba tôi từng bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo, mẹ tôi nhiều lần ở tù trong hai cuộc kháng chiến, chú ruột, cậu ruột tôi đã hy sinh cho Tổ quốc. Hôm nay được sống trong hòa bình, tôi không thể nào quên những người đã hy sinh vì đất nước, trong đó có một phần máu thịt của những người trong gia đình mình. Quê tôi ở vùng biển, mỗi khi trở về hít thở vị mặn của gió biển quê nhà, lòng tôi thấy thanh thản, nhẹ nhàng trước quê hương, đất nước đổi thay từng ngày.

- Ông có dự định tham gia một chuyến ra đảo Trường Sa?

- Tôi rất mong một ngày nào đó mình có mặt tại Trường Sa để nhìn thấy và cảm nhận sự hy sinh, chịu đựng của những người lính đảo trước đầu sóng ngọn gió để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Hiện tôi cũng đang nuôi ý tưởng về một ca khúc đề tài Trường Sa, Hoàng Sa.


Sáng tác về biển đảo ngày càng nhiều



 Giây phút gặp gỡ của lính đảo Trường Sa Lớn với văn công Quân khu 5. Ảnh: V.Tiến

- Là người sáng tác, làm công tác bản quyền, ông có nắm được thời gian gần đây những ca khúc về chủ đề chủ quyền biển đảo, ca ngợi biển cả quê hương, chân dung người lính hải quân, xuất hiện có nhiều hơn không và chất lượng ra sao?

- Tôi chưa nắm thống kê cụ thể như nhận thấy ca khúc viết về biển đảo thời gian gần đây nhiều hơn, chất lượng tương đối tốt. Tất nhiên, đối với tác phẩm nghệ thuật thì thời gian là câu trả lời chính xác nhất.

- Rõ ràng, ca khúc chính trị, nhạc cách mạng vẫn sống lâu bền trong lòng người yêu nhạc hôm nay. Giữa những thảm họa nhạc Việt này kia, thì nhạc đỏ vẫn được nhiều người yêu thích, ca hát. Vừa là nghệ sĩ, vừa là nhà quản lý, ông nhìn nhận gì về điều này?

- Những vấn đề của nhạc Việt hiện nay báo chí nói khá nhiều và cũng đã có rất nhiều hội thảo về những tồn tại này. Theo tôi, chúng ta cứ bình tĩnh. Những gì tôi tạm gọi là "rác" thì nó sẽ không bao giờ ở lại trong lòng người nghe. Thực tế nhiều bài hát với ca từ nhạt nhẽo vô thưởng, vô phạt đã chết dần, chết yểu, thực tế rất ít nơi sử dụng. Trong khi đó, những ca khúc chính trị, cách mạng vẫn sống lâu bền trong lòng công chúng, đã được kiểm nghiệm qua thời gian, và tương lai nó sẽ sống mãi.


V.Tiến thực hiện