-Ngày tháng bên ông là thời gian có ý nghĩa nhất trong đời vì tôi được cha dạy dỗ để làm người và làm khoa học mà không sách vở, trường học nào có thể truyền thụ lại và so sánh được" - con gái nuôi GS Trần Văn Giàu.

Nhiều người biết GS. Trần Văn Giàu không có con, song ít ai biết, ông có một người con gái nuôi là TS. Đinh Thu Xuân. Phút lâm chung của người cha nuôi bà không kịp có mặt, nhưng những ngày sau khi giáo sư ra đi, bà tất bật với bổn phận của một người con đối với tang gia.

TS. Đinh Thu Xuân đã dành cho VietNamNet một cuộc trò chuyện về người cha nuôi "nhân từ, độ lượng, mẫu mực, liêm khiết, giản dị, rất mực yêu thương gia đình và rất hóm hỉnh" của mình.

"Phải chi Giàu có một đứa con!”

Cơ duyên nào để bà trở thành con nuôi của Giáo sư Trần Văn Giàu, điều mà rất ít người, đặc biệt là ngoài giới sử học, biết đến?

- Mùa đông năm 1946, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam bộ, kiêm chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Nam bộ Trần Văn Giàu được Trung ương gọi ra Bắc. Do chưa quen với khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc và điều kiện vô cùng thiếu thốn của chiến khu Chi Nê (Hòa Bình), ông đã bị sốt rét ác tính, đi tiểu ra máu. Cha đẻ tôi - một cán bộ người Mường đã chăm sóc và chữa bệnh cho ông bằng phương thuốc gia truyền của người Mường. Từ đó hai ông trở thành bạn thân thiết...

 

 
Di sản mà GS. Trần Văn Giàu để lại cho cô con gái nuôi chính là lời căn dặn  “Hãy tham gia và góp sức mình vào hết thảy những việc gì đem lại ích nước lợi nhà!”.

 

Năm 1994, cha đẻ tôi lâm trọng bệnh, giáo sư đã gọi tôi đến nhà (lúc đó ông đang ở số 70 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP. HCM), lấy ra một cặp nhân sâm Triều Tiên rồi nói: “Đây là quà của Chủ tịch Kim Nhật Thành tặng”. Ông sẻ một cây và nói tôi phải về quê ngay để kịp cho cha đẻ tôi bồi bổ sức khỏe. Nhận được quà, cha đẻ tôi rơm rớm nước mắt, dặn: “Từ giờ trở đi, con phải coi ông bà giáo sư như cha mẹ của mình và phải chăm sóc ông bà chu đáo, vì ông bà có hai người con đều mất từ khi còn nhỏ. Hồi ở chiến khu cha rất xót xa khi nghe ông nói: "Phải chi Giàu có một đứa con!”.

Cha tôi qua đời, giáo sư rất đau buồn. Ông nghẹn lời khi tôi nói lại lời căn dặn của cha tôi. Từ năm 1997, sức khỏe của ông bà ngày càng yếu, nhất là khi bà ngã bị gãy chân. Tôi chỉ biết chăm sóc ông bà bằng tấm lòng thành của một người con, cùng những bài thuốc gia truyền của gia đình. Rồi bà ra đi vào đầu năm 2005, khiến ông càng hẫng hụt. Có một việc tôi hoàn toàn không dám nghĩ đến là ông gọi tôi đến và nói rất ngắn: “Thầy ủy quyền cho con biên tập và xuất bản toàn bộ tác phẩm của thầy”.

Đó là năm tôi bắt tay vào biên tập cuốn Tổng tập Trần Văn Giàu, tập 1, có dung lượng 1.780 trang. Năm 2006, sách được xuất bản, ông lấy một cuốn đề tặng tôi Tặng con gái và học trò tin cẩn, rồi ký chữ Giàu dung dị ở dưới. Đối với tôi, đây không chỉ là phần thưởng mà còn là vinh dự lớn rất lớn vì cả cuộc đời làm cách mạng, làm nhà tư tưởng, nhà khoa học và nhà giáo của mình, ông không hề có trợ lý và thư ký. Ông tự làm lấy mọi việc. Nay do sức khỏe suy giảm, ông đã chọn tôi làm con và học trò tin cẩn trong hằng hà nhiều thế hệ học trò của mình. Là người luôn nói ít lời, nhưng nhiều nghĩa, nên những chuyện riêng của gia đình hay của cá nhân, cha tôi ít khi bộc bạch. Có lẽ đó là bài học làm người đầu tiên mà cha dạy tôi.

Vậy tình cảm của ông đối với cô con gái nuôi như thế nào khi giáo sư là người không có con, thưa bà?

- Cha luôn tin tưởng, bao dung và yêu thương tôi như con đẻ. Đó là hồng phúc mà cha đã ban tặng cho tôi. Vào những ngày lễ, nhất là sinh nhật của cha tôi, ông luôn muốn tôi xuất hiện trong bộ quân phục, giơ tay chào ông theo đúng tác phong của một nữ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong suốt một năm nằm điều trị ở bệnh viện Thống Nhất, mỗi khi đến thăm cha, tôi luôn chào cha như vậy và không quên hôn đều trên hai má ông.

Đó là những khoảnh khắc cha con đều cảm thấy ấm áp và rất hạnh phúc. Những khi bệnh trở nặng, cha kiên cường chịu đựng, không để lộ nỗi đau ra bằng cách nắm chặt tay tôi. Mỗi lần như vậy, tôi áp tay cha vào má và hôn lên bàn tay gầy guộc, mờ hết vân tay vì cả một đời cầm viết cho đến khi không thể cầm viết được nữa.

Người làm sử phải dũng cảm viết đúng sự thật

Đóng góp của Giáo sư Trần Văn Giàu đối với nền khoa học lịch sử nước nhà, đã được khẳng định, còn di sản mà một người cha đã để lại cho bà - con gái nuôi, theo bà, đó là những gì?

- Di sản mà cha để lại cho tôi rất đồ sộ: Cách học để làm người và làm sử, với lời răn dạy “Hãy tham gia và góp sức mình vào hết thảy những việc gì đem lại ích nước lợi nhà!”. Về lương tâm nghề nghiệp, cha tôi luôn nhắc nhở: “Hãy viết sử như chính nó vốn có, chứ không được luận sử và người làm sử nhất thiết phải có tâm và lòng dũng cảm để nói và viết đúng sự thật”.

 

 
TS. Đinh Thu Xuân con gái nuôi của TS Trần Văn Giàu

Công trình nào của ông mà bà khâm phục, tâm đắc? Bà đã rút tỉa, học tập, đúc kết được những gì từ kiến thức, tác phẩm và tinh thần của ông?

- Tôi tâm đắc nhất là những công trình ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử tư tưởng, vì những thể loại sách đó rất khó viết, nhất là viết hay để ai cũng có thể đọc, hiểu và say mê được. Ý nghĩa và tác động của những loại sách đó luôn đem đến sự đổi thay và tiến bộ lớn trong xã hội. Ngoài ra, với tư cách một người con, tôi tâm đắc với cuốn hồi ký cha tôi viết như món quà tặng cho má tôi - bà Đỗ Thị Đạo - người bạn đời thủy chung mà ông rất mực yêu thương.

 

Dẫu rằng cuốn hối ký cha viết chỉ có 5 năm (1940 - 1945), với lời tựa Những năm tháng có ích nhất trong đời tôi, nhưng đã giúp tôi hiểu được phần nào sự hy sinh vô tư, không đắn đo trên mọi phương diện của cha và má tôi trong những tháng năm khó khăn nhất của cách mạng Việt Nam đang trong “thời kỳ trứng nước” như sử sách vẫn ghi.

Một công trình nữa khiến tôi vô cùng khâm phục là cuốn Giai cấp công nhân Việt Nam, do NXB Sự Thật (nay là nhà xuất bản Chính trị quốc gia) xuất bản lần đầu năm 1958, với lời giới thiệu viết bằng tay của người thợ nổi tiếng Tôn Đức Thắng - người kéo cờ đỏ trên chiến hạm Pháp để ủng hộ cách mạng Tháng Mười Nga, cũng là người sáng lập ra tổ chức Công hội Đỏ, tiền thân của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ngày nay. Má tôi kể rằng cha tôi đã viết cuốn sách này trên ổ rơm của người nông dân Sơn Tây, trong cái rét căm căm của đất Bắc.

Ngày tháng bên cha là thời gian ý nghĩa nhất trong đời

Những ấn tượng đáng nhớ về một nhà khoa học, trí thức lớn, một người cha tinh thần, trong bà?

- Đó là người cha nhân từ, độ lượng, mẫu mực, liêm khiết, giản dị, rất mực yêu thương gia đình và rất hóm hỉnh. Là nhà cách mạng, suốt đời ông đã chiến đấu kiên cường, cống hiến tuổi xuân, trí tuệ, hạnh phúc và ngay chính bản thân mình cho dân, cho nước. Là nhà khoa học, ông đã vắt kiệt sức mình cho ngàn vạn trang viết luôn lấp lánh sự khám phá những cái mới. Là nhà giáo, suốt đời ông trăn trở với nghiệp dạy chữ và dạy làm người, theo tiêu chí “Học cả đời. Học ở dân. Học ở sách vở và cuộc sống. Học để làm người, với chữ người viết hoa”.

Thật vinh dự, tự hào, hạnh phúc khi tôi được làm con gái và học trò tin cẩn của cha. Những ngày tháng bên ông là những tháng năm có ý nghĩa nhất trong đời vì tôi được cha dạy dỗ để làm người và làm khoa học mà không sách vở, trường học nào có thể truyền thụ lại và so sánh được. Nhưng nỗi buồn lớn nhất của tôi là không thể chia sớt sức khỏe của mình cho cha. Đó còn là sự bất lực trước bệnh tình của cha và chưa đem lại cho cha nhiều niềm vui như mong muốn. Nỗi ân hận lớn nhất đời tôi là không kịp có mặt bên cha trong phút ông lâm chung.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nhận định chưa có ai thay thế được Giáo sư Trần Văn Giàu. Bà cùng thế hệ của mình, thậm chí là thế hệ sau nữa, làm gì để tiếp nối và để xứng đáng với tiền bối?

- Tôi đồng ý với nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu vì không mấy ai cùng lúc có thể làm được như cha tôi: nhà cách mạng tiêu biểu, nhà tư tưởng hàng đầu, nhà khoa học lớn, nhà giáo có nhiều học trò thành đạt trên nhiều lĩnh vực.

Để xứng đáng với cha, tôi chỉ biết tâm niệm và nỗ lực làm theo lời cha dạy: “Học suốt đời. Học để làm người và gắng sức tham gia, góp phần vào tất cả những gì đem lại ích nước, lợi nhà”. Một việc nữa mà suốt đời tôi muốn làm là quảng bá rộng rãi những tác phẩm của cha tôi tới mọi người quý mến ông như là di sản, gia tài quý báu mà ông để lại cho nước, cho dân.

Võ Tiến thực hiện