- Làm phim cổ trang không khác gì thực hiện một chuyến đi mạo hiểm, ngay cả khi đã kết thúc vẫn chưa hết nguy hiểm.

Dòng phim lịch sử, dã sử.. hay còn gọi là dòng phim cổ trang mới chỉ mạnh lên trong vòng một vài năm gần đây với sự xuất hiện của hàng loạt bộ phim kinh phí cao trong cả lĩnh vực điện ảnh và truyền hình như Khát vọng Thăng Long, Tây Sơn hào kiệt, Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử Thiên đô, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long... Mặc dù nhiều phim đến nay vẫn còn chưa ra mắt hoặc chưa phát sóng hết nhưng những khó khăn và thách thức mà những người làm chúng vấp phải thì đã thấy rõ.

Thách thức đầu tiên là trường quay. Do chưa có một trường quay với những bối cảnh kiên cố dành riêng cho phim cổ trang nên các đoàn làm phim một là phải sang tận trường quay Hoành Điếm của Trung Quốc thuê bối cảnh, hai là dựng tạm các bối cảnh ở Cổ Loa để quay hoặc kéo cả đoàn đến hết Huế lại Ninh Bình để tận dụng những bối cảnh có sẵn. Mất cả tháng trời dựng các bối cảnh tạm với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng lại chỉ sử dụng cho 1-2 dự án phim khiến cho chi phí sản xuất trở nên vô cùng tốn kém. Việc không chủ động được bối cảnh cũng khiến cho các đoàn làm phim luôn bị động về mặt thời gian.


Cảnh phim Huyền sử thiên đô

Thứ hai là chuyện phục trang. Đây cũng là một khâu khiến các nhà làm phim đau đầu. Chi phí may phục trang phim lịch sử nổi tiếng tốn kém và cầu kỳ. Mỗi giai đoạn lịch sử lại đòi hỏi phục trang riêng phù hợp với bối cảnh lịch sử. Do vậy không thể mượn tạm trang phục từ các nhà hát hay mặc cái gì cũng được như các bộ phim lấy bối cảnh hiện đại mà phải cần đến chuyên gia về phục trang riêng với sự tham gia của các cố vấn lịch sử. Phim càng nhiều nhân vật, càng nhiều tập thì việc lo phục trang cho phim càng trở nên phức tạp. Chỉ một chi tiết trên trang phục cho một vị vua khi xuất hiện trên phim cũng có thể gây tranh cãi và phá hỏng cả tính tổng thể của bộ phim.

Chuyện phục trang phức tạp và điều kiện làm việc làm phim cực khổ cũng khiến cho các diễn viên hết sức đau đầu. Cách đây đúng 1 năm, khi phim "Huyền sử Thiên đô" đang thực hiện những cảnh quay nội tại trường quay Cổ Loa cũng là giữa mùa Hè. Trời nắng nóng, trường quay quá kín, máy móc đèn đóm lại nhiều, khi đó nhiệt độ trong trường quay đo được tới cả 60 độ C. Vậy mà các diễn viên vẫn phải khoác lên mình 2-3 lớp trang phục. Diễn viên Công Dũng, người đảm nhiệm vai Lý Công Uẩn có ngày phải đóng phim từ 8h sáng đến 4h chiều. Trời nắng nóng, làm việc liên tục ngoài trời nhiều giờ đồng hồ, cộng với trang phục quá dày và bí có lúc khiến anh choáng váng.


"Khát vọng Thăng Long"

Nếu như Công Dũng có lúc phải đánh vật với phục trang bằng da thì Trung Dũng đến khổ vì bộ giáp mạ đồng từ Trung Quốc nặng tới 10kg. Cái nóng khủng khiếp trên trường quay cùng những đòi hỏi khắt khe của dòng phim lịch sử khiến cho ngay cả các diễn viên nam cũng lắc đầu vì vất vả. Trong khi đó, rất nhiều diễn viên trong phim "Khát vọng Thăng Long" lại phải đối mặt với thách thức không thể lường trước: cưỡi ngựa! Đạo diễn Lưu Trọng Ninh tiết lộ rằng đoàn rất vất vả trong việc quay các cảnh liên quan đến cưỡi ngựa. Nhiều diễn viên liên tục bị ngựa quật ngã đến ngất đi, sau cảnh quay là vào viện. Ngay cả các diễn viên đóng thế cũng lắc đầu ngao ngán.

Chưa hết, để chuẩn bị đóng phim cổ trang, nhiều diễn viên còn phải lên lớp với các nhà sử học để tìm hiểu về bối cảnh lịch sử bộ phim diễn ra, chuyện ăn-nói-đi-đứng cũng phải học. Đó là chưa kể đến việc phải di chuyển nhiều cùng đoàn làm phim hết các bối cảnh trong nước đến ngoài nước như trường hợp của Thái sư Trần Thủ Độ hay Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Diễn viên Tiến Lộc, người thủ vai Lý Công Uẩn trong Đường tới thành Thăng Long đã phải ở trường quay Hoành Điếm của Trung Quốc nhiều tháng trời, thậm chí phải ăn Tết  ở xứ người trong cái lạnh thấu xương để hoàn thành cho xong vai diễn. Nhiều diễn viên tham gia phim này cũng phải ăn Tết trên trường quay để kịp hoàn thành bộ phim.


Phim "Thái sư Trần Thủ Độ"

Thách thức tiếp theo chính là kinh phí sản xuất cao. Chi phí cho phục trang, bối cảnh, đạo cụ, trường quay.... khiến cho kinh phí thực hiện các bộ phim cổ trang luôn cao gấp nhiều lần các bộ phim hiện đại. Không tận dụng được những gì có sẵn trong đời sống, tất tật phải chuẩn bị từ đầu khiến cho hầu hết các bộ phim về đề tài lịch sử đều nắm chắc phần lỗ ngay khi còn chưa ra mắt. Ví dụ kinh phí làm mỗi tập phim Huyền sử Thiên đô là khoảng 1,5 tỉ đồng (dù đã tận dụng được một số bối cảnh của Thái sư Trần Thủ Độ). Mức giá này gấp 5-6 lần các tập phim thông thường. Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long thì chi phí mỗi tập lên tới cả 5 tỉ đồng do hầu hết các khâu đều được làm tại trường quay Hoành Điếm, Trung Quốc. Thái sư Trần Thủ Độ chưa có con số quyết toán cuối cùng nhưng được thông báo là Nhà nước cho gần 60 tỉ đồng để sản xuất 30 tập phim, tính sơ sơ mỗi tập đã ngốn 2 tỉ.

Song thách thức lớn nhất chính là áp lực. Áp lực tiến độ, áp lực công chiếu, áp lực doanh thu và áp lực dư luận là điều mà những người dám dấn thân vào dòng phim này thực sự lo lắng. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng nói đùa rằng khi làm xong Khát vọng Thăng Long coi như anh bước lên đoạn đầu đài, sợ hãi đến mất ngủ. Phim công chiếu từ tháng 11 năm ngoái và nhận được nhiều phản hồi tích cực, tuy trụ rạp không lâu, doanh số không được công bố nhưng bù lại, Khát vọng Thăng Long nhận giải Cánh diều 2011 cho Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Một bộ phim lịch sử khác là Long Thành cầm giả ca nhận giải Cánh diều vàng 2011 cho phim hay nhất. Những vị trí cao nhất của một giải thưởng nghề nghiệp dành cho hai bộ phim cổ trang có thể nói là sự thừa nhận cao nhất cho sự xuất hiện ấn tượng của một dòng phim khó tại Việt Nam.


Diễn viên Tiến Lộc trong "Đường tới thành Thăng Long"

Mặc dù vậy, tất cả các bộ phim cổ trang Việt Nam đều phải đối mặt với một áp lực vô cùng lớn. Đó là tâm lý so sánh của người xem. Những bộ phim cổ trang hoành tráng của Trung Quốc, Hàn Quốc... đã quá quen thuộc với khán giả Việt Nam và tự tạo nên những chuẩn mực và thước đo vô hình khiến cho phim cổ trang nào của VN cũng bị mang ra so sánh. Đây là một áp lực không nhỏ với những người làm phim.

Thách thức cuối cùng lại nằm chính ở đầu ra. Thái sư Trần Thủ Độ đã đóng máy từ lâu nhưng thấy lên sóng. Huyền sử Thiên đô mới chỉ hoàn thành 42 tập trong tổng số 70 tập trên kịch bản do chi phí sản xuất cao, đầu ra gặp khó. Số phận 28 tập trên giấy chưa được quyết định và ít có khả năng được sản xuất tiếp. Nhiều phim dù đã lên sóng trót lọt như Về đất Thăng Long, chi phí cho mỗi tập chưa phải "hàng khủng" nhưng không thể bù chi phí từ quảng cáo. Lý Công  Uẩn - Đường tới thành Thăng Long đã hoàn thành từ lâu nhưng phải qua 3 lần chỉnh sửa, năm lần bảy lượt bị ách lại chưa phát sóng nổi, phim chưa công chiếu đã chịu nhiều sức ép từ dư luận.

Bài tiếp theo: Người trong cuộc nói gì?

Hạnh Phương