- Suýt bị ngừng phát sóng ở tập 20 để dành chỗ cho một bộ phim khác nhưng đến phút chót, 22 tập tiếp theo của "Huyền sử Thiên đô" vừa được bật đèn xanh để lên sóng.



Đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng, đại diện nhà sản xuất "Huyền sử Thiên đô" tại Hà Nội xác nhận thông tin này với VietNamNet: "Đến giờ này thì Đài THVN đã cho phát sóng tiếp 22 tập tiếp theo. Tuy nhiên, hợp đồng và việc thương thảo vẫn chưa được hoàn tất vì lý do Đài cố gắng tìm cách để doanh nghiệp được lợi cao nhất. Vì qua phần đầu phát sóng và với tình hình thị trường hiện nay, doanh nghiệp lỗ rất lớn do chi phí đầu tư sản xuất cao.

Cảnh phim Huyền sử Thiên đô

Để so sánh với các dự án phim đương đại bình thường khác thì phim này đã được tạo rất nhiều điều kiện rồi nhưng vẫn chưa đủ nên Đài đang cố gắng tạo điều kiện hơn nữa cho Huyền sử Thiên đô do chi phí sản xuất phim này gấp tới 6-7 lần các phim thông thường. Trong khi nguồn thu từ quảng cáo thì bạn biết rồi, thị trường VN chỉ có thế, vừa nhỏ lại vừa rẻ, nên nếu đầu tư làm phim lớn thì rất khó gỡ được tiền đầu tư cho nhà sản xuất.

Đài truyền hình luôn tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp, không chèn ép hay bức bối gì cả. Lý do chưa ký được hợp đồng là vì họ đang tìm ra những cách khác nhau làm cho doanh nghiệp có lợi nhất vì Đài cũng chia sẻ rằng việc sản xuất phim này rất tốn kém". Như vậy là trên cơ sở thương thảo bằng miệng, nhà sản xuất và VTV đã đạt được thoả thuận sẽ phát sóng tiếp 22 tập Huyền sử Thiên đô ngay sau khi chiếu xong 20 tập phim. Đây cũng có thể coi là kết cục đẹp cho bộ phim.

Phát rồi định ngừng, định ngừng rồi lại được phát

"Huyền sử Thiên đô" cũng như rất nhiều dự án phim lịch sử khác được triển khai gần đây có số phận hết sức long đong. Bấm máy từ tháng 5/2010, phim thực hiện theo phương thức cuốn chiếu với hy vọng có thể ra mắt công chúng vào dịp 10/10 năm ngoái. Tuy nhiên, phải đợi tới tháng 5/2011 "Huyền sử Thiên đô" mới lên sóng giờ vàng VTV3. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Đã hoàn thành 42 tập nhưng trước đó phim chỉ được nhà đài xếp lịch phát sóng 20 tập đầu tiên dù kịch bản 42 tập phim đầu tiên đã được duyệt và đưa vào sản xuất trong tổng số 70 tập do nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn viết.

Gần đây dư luận dậy sóng khi hay tin "Huyền sử Thiên đô" sẽ ngưng chiếu ở tập 20, tức là sẽ kết thúc vào ngày 24/6 tới để nhường chỗ cho một bộ phim lịch sử khác cùng về một nhân vật, một thời kỳ là Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Ngay sau bài báo: "Vì sao Huyền sử Thiên đô bị cắt sóng?" đăng tải trên VietNamNet ngày 7/6, đại diện VTV có phản hồi rằng họ chưa ra quyết định cuối cùng về việc phát sóng Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long thay thế Huyền sử Thiên đô.

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, cách đây 1 tuần, ngay sau bài báo "Vì sao Huyền sử Thiên đô bị cắt sóng?" của VietNamNet, lãnh đạo của Sao Thế giới, nhà sản xuất của bộ phim này đã bay ra Hà Nội cùng 22 tập phim còn lại để trình duyệt VTV. Công cuộc thương thảo về việc phát sóng 22 tập tiếp theo của bộ phim được tiếp tục. Kết quả là Huyền sử Thiên đô vừa nhận được quyết định thông sóng.

Người đẹp Bebe Phạm trong Huyền sử Thiên đô

Còn nhiều phim lịch sử đang "đắp chiếu"

Việc bộ phim này đi tiếp cũng đồng thời với việc Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long bị gác lại, kéo dài thời gian "đắp chiếu" sau nhiều lần dự định lên sóng không thành suốt thời gian dài vừa qua. Ít nhất bộ phim này sẽ phải đợi đến tháng 9, khi 42 tập phim Huyền sử Thiên đô chiếu hết mới có cơ hội ra mắt.

Cuối tháng 2/2011, thông tin từ đại diện trường quay Cổ Loa cho hay Huyền sử Thiên đô sẽ tiếp tục quay tiếp vào tháng 4. Song kế hoạch đã bị dời lại. Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn nói rằng 99% là bộ phim này sẽ không được sản xuất tiếp ngay cả khi cả 42 tập phim đã hoàn thành được phát sóng. Chi phí sản xuất quá lớn, khả năng lỗ nắm chắc trong tay, khó khăn khi tìm đầu ra là những lý do chính khiến cho Huyền sử Thiên đô khó có khả năng sẽ làm tiếp 28 tập vào thời điểm này.

Như vậy là các dự án phim được làm nhân dịp Đại lễ đều ít nhiều gặp trục trặc. Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long vì nhiều lý do vẫn chưa thể công chiếu dù kinh phí sản xuất lên đến cả trăm tỉ đồng. Thái sư Trần Thủ Độ được Nhà nước rót hàng chục tỉ đồng, đã đóng máy cách đây cả năm nhưng chưa biết khi nào mới ra mắt. Huyền sử Thiên đô thì mới chỉ hoàn thành 42/70 tập, bò được lên sóng quốc gia rồi mà suýt bị ngưng ngang giữa chừng.

Với những trắc trở như vậy, không biết sau này có nhà sản xuất nào dám tiếp tục mạo hiểm với dòng phim lịch sử vốn đầy rẫy khó khăn và nhiều thách thức ở Việt Nam?

Hạnh Phương