Vào tối nay (5/11) những người yêu mến thiên văn học sẽ có cơ hội được quan sát những vệt sao băng trong trận mưa sao băng Taurid đạt đỉnh.

TIN BÀI KHÁC


Mưa sao băng Taurid xuất hiện từ cuối tháng 10 tới giữa tháng 11. Các vệt sao băng trong trận mưa sao băng này xuất hiện với tần suất trung bình 7 vệt mỗi giờ, di chuyển trong không khí với tốc độ khoảng 27 km/giây.

Mưa sao băng xuất hiện phía trên những dãy núi phía bắc thủ đô Geneva, Thụy Sỹ (Ảnh minh họa, Nguồn: National Geographic)

Tuy nhiên, người yêu mến thiên văn học ở Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn trong việc quan sát trận mưa sao băng Taurid vào tối nay do ảnh hưởng của ánh sáng mặt trăng. Bên cạnh đó, tần suất xuất hiện thấp của các vệt sao băng Taurid cũng là một trở ngại đối với người quan sát.

Trước đó, vào đêm 21, rạng sáng 22/10 vừa qua, giới trẻ đam mê bộ môn thiên văn học cũng đã có cơ hội quan sát mưa sao băng Orionids, một trận mưa sao băng "trên trung bình" của năm. Mưa sao băng Orionids là trận mưa sao băng diễn ra hàng năm, kéo dài từ ngày 15 đến ngày 29/10 với cực điểm thường rơi vào đêm 21 hoặc 22. Vào cực điểm của trận mưa sao băng này, chúng ta có thể quan sát trên 20-30 sao băng mỗi giờ nếu như điều kiện thời tiết và ánh sáng lý tưởng.

Từ đêm 8/8 cho đến đêm cực đại vào ngày 13/8 vừa qua, trận mưa sao băng Perseids kéo dài cả tuần cũng đã khiến nhiều bạn trẻ thích thú. Trận mưa sao băng Perseids là một trong những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm. Nguồn gốc của trận mưa sao băng này là sao chổi Swift – Tuttle. Vào cực điểm, mưa sao băng Perseids cho phép quan sát 60 - 100 vệt sao băng mỗi giờ. Đặc biệt, một phần không nhỏ trong số đó là sao băng dài và sáng.

Những lưu ý trước khi quan sát mưa sao băng:

- Hãy hết sức chú ý bảo vệ sức khỏe của bạn bằng cách mặc ấm trước khi ra ngoài trời lạnh (nhất là với các tỉnh miền Bắc)

- Theo dõi thời tiết trước khi quyết định quan sát, trong trường hợp trời nhiều mây, tốt nhất bạn không nên lãng phí thời gian và sức lực của mình để đổi lấy sự thất vọng

- Chọn địa điểm có góc nhìn rộng, không bị ánh đền chiếu thẳng vào mắt, tuy nhiên bạn cũng nên hết sức lưu ý chọn địa điểm sao cho vừa quan sát tốt vừa bảo đảm an ninh cho bản thân vào ban đêm.

- Nên quan sát sau 12h đêm, lý tưởng nhất là từ 2 đến 4 giờ sáng ở tư thế nằm ngửa vì đó là tư thế tốt nhất để bạn luôn hướng ánh mắt lên bầu trời.

- Bạn không cần kính thiên văn hay ống nhòm để quan sát mưa sao băng, thậm chí điều đó còn làm kết quả tệ hơn là quan sát bằng mắt thường vì tốc độ của mỗi sao băng lên tới hơn 30km/s, ở độ phóng đại của kính thiên văn và ống nhòm, vận tốc góc sẽ nhân lên nhiều lần nữa và bạn không thể kịp đưa ống kính đuổi theo để nhìn được.

(Đặng Vũ Tuấn Sơn CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam)

Lê Minh (Tổng hợp)