- Liên quan đến việc học và thi ở bậc học cao học ở một số trường hiện nay khá nhàn nhã, theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý giáo dục nay là Học viện Quản lý giáo dục, đã có buổi trao đổi với PV VietNamNet xung quanh vấn đề này.

Mẹ thạc sĩ xót xa cảnh con lớp 1
Đây là tâm sự của một bà mẹ ở quận Đống Đa, Hà Nội, hiện đang là học viên cao học đồng thời có con trai vừa bước chân vào lớp 1 cách đây chưa đầy 2 tháng.

Nghịch lý ở Việt Nam hay ở Mỹ?
Ở Mỹ, nếu cuối năm trẻ học lớp một tuyên bố thích đi học, đó chính là thành công của giáo viên trong cả năm.
 
Thi vào lớp 1 khó hơn thi cao học?
Để vào học lớp 1, nhiều trẻ mẫu giáo phải oằn mình luyện viết trong các lò luyện, trong khi không ít sinh viên mới tốt nghiệp ĐH, công chức chỉ cần ung dung nộp tiền, học ôn là chắc chắn đỗ cao học.
 
Trẻ vỡ lòng tối mắt, thạc sĩ lại “vểnh râu”
Một nghịch lý lạ lùng: Học vỡ lòng phải học ngày học đêm mới mong theo kịp chương trình, trong khi học thạc sĩ, tiến sĩ lại phởn phơ “học mà chơi, chơi mà học”.

Thưa thầy, có một thực tế là hiện nay, ở bậc cao học, việc học và  thi khá nhàn nhã. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng việc học cao học còn nhẹ nhàng hơn so với học sinh tiểu học ở các thành phố lớn, thầy đánh giá thế nào về thực trạng này?


PGS.TS Đặng Quốc Bảo
Tôi cũng không phủ nhận, hiện nay, việc học cao học ở một số trường hợp do quản lý không chặt chẽ đã bộc lộ sự dễ dãi. Họ dù tốt nghiệp là những thạc sĩ giấy “có mũ, có áo” nghĩa là có bằng cấp nhưng cái đầu thì rỗng. Đừng nên nói là học thạc sĩ dễ dàng hơn học tiểu học nếu người học và người dạy có lương tâm, học thật và thi thật. Ở bậc tiểu học, người thầy tránh làm cho trò căng thẳng song cũng phải yêu cầu học trò “động não”, phải biết “lập chí” ngay từ khi còn nhỏ. Tôi cũng xin nói thêm đào tạo cao học phải lấy phương thức người học “tự học” là chính. Nếu người học không biết tự động học tập, học theo tinh thần “sáu mọi” (Học mọi nơi, mọi lúc, mọi nguồn, mọi vấn đề, trong mọi hoàn cảnh, bằng mọi cách) thì sẽ rất ít kết quả. “Tự học” tưởng bề ngoài là nhàn song người “tự học” nghiêm túc sẽ rất vất vả trong “nội tâm”.

Thưa thầy, không thể phủ nhận hiện tượng ở bậc học cao học, một số thầy, cô chấm luận văn theo kiểu “chấm thầy” là chính, nghĩa là nể nang thầy hướng dẫn chấm rất “thoáng” cho các học viên dù luận văn chưa thực sự chất lượng?

Tôi đồng ý là cá biệt có những hiện tượng như thế, Có những hội đồng “hữu nghị” tức là thầy cô nể nang nhau hay thương trò nên đã “nương tay” trong việc đánh giá luận văn. Tuy nhiên, đó không phải là phổ biến. Có những luận văn sơ sài, cẩu thả dù thầy hướng dẫn có uy tín, thân thiết đến mấy người chấm cũng không thể đánh giá cao.

Theo tôi, với đào tạo thạc sĩ nên có cơ chế thẩm định lại luận văn. Nên giao cho một số nhà khoa học có uy tín rút ra ngẫu nhiên một số luận văn để thẩm định, đánh giá lại chất lượng. Nếu luận văn nào còn nhiều thiếu sót mà được Hội đồng bảo vệ cho điểm cao thì người thẩm định nên kiến nghị hạ điểm, thậm chí có thể hủy kết quả.

Về bản thân thầy, đã bao giờ thầy phải chấm “nương tay” vì “nể” thầy hướng dẫn của học viên chưa?

Tôi có thể khẳng định, trong cuộc đời đi dạy của mình chưa bao giờ tôi chấm quá điểm cho luận văn của học viên khi sản phẩm của họ chưa tốt, chưa được đầu tư công phu hay có tính sáng tạo.

Thầy có thể cho một số giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học bậc thạc sĩ hiện nay?

Theo tôi nên “thắt” lại về số lượng đối với các cơ sở mà điều kiện đào tạo chưa thật sự đảm bảo tốt. Nhìn chung đầu vào phải được sàng lọc kĩ càng và quá trình đào tạo nên thực hiện nghiêm cẩn. Hiện nay nhiều cơ sở đào tạo cao học được mở ra nhưng chất lượng chưa thực sự được đảm bảo.


Nhiều luận văn thạc sĩ dù dở tệ vẫn được "nương tay" vì "nể" thầy hướng dẫn (Ảnh minh họa. Nguồn: SVVN)

Về phía người dạy, phải có cái tâm, không bàn giao cho xã hội “sản phẩm” rởm, kém chất lượng khiến dư luận phải lo lắng.

Theo thầy, những căn bệnh này của giáo dục có phải xuất phát từ việc chúng ta thiếu một triết lý giáo dục đúng đắn?

Không phải từ xưa đến nay, chúng ta không có “triết lý giáo dục”, mà ở mỗi thời đại đã có một “triết lý giáo dục” phù hợp. Nếu không xác định được “triết lý giáo dục” phù hợp với thời đại thì đất nước không thể tiến lên được.

Thời phong kiến, Việt Nam tiếp thu phương thức giáo dục của Trung Quốc. Nền giáo dục đó đã đào tạo tầng lớp trí thức theo tiêu chí: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Chúng ta vừa phải chống Hán hóa lại vừa phải tiếp thu tinh hoa của văn hóa Trung hoa. Tuy nhiên, nền giáo dục đó chỉ phù hợp với xã hội phong kiến, lấy kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc làm cơ sở.

Khi người Pháp chiếm nước ta, họ đã cải biến nền giáo dục cựu học thành nền giáo dục tân học, phục vụ cho mục tiêu thực dân. Các sĩ phu tiến bộ đã phát động cuộc duy tân giáo dục theo hình thức tân học, gạt bỏ các yếu tố thực dân. Sau này dòng giáo dục yêu nước cũng tận dụng các yếu tố tiến bộ của hình thức tân học để phục vụ công cuộc giải phóng đất nước.

Sau khi nước nhà giành được độc lập, chúng ta đã có một nền giáo dục dân chủ nhân dân (với phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng”). Từ thập niên 50 của thế kỉ trước, một số lượng khá đông trí thức được đào tạo từ Liên Xô và các nước XHCN (Trung Quốc và Đông Âu) trở về nước, đã mang theo mô hình giáo dục XHCN về áp dụng ở nước ta. Nền giáo dục XHCN hay “triết lý giáo dục” mang các giá trị XHCN đã đào tạo được một đội ngũ trí thức đông đảo đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Triết lý giáo dục của thời kì này là đào tạo lớp người có “Nhân – Nghĩa – Trí – Dũng – Liêm”

Bước vào thời kỳ “Đổi mới”, nền giáo dục của chúng ta chưa theo kịp với động thái thời đại. Thế hệ trẻ đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc tu dưỡng nhân cách khi cùng một lúc chịu sự tác động của ba nền kinh tế: Kinh tế XHCN, kinh tế thị trường và kinh tế tri thức. Hiện nay, chúng ta đang thiếu một triết lý giáo dục giúp cho một thế hệ trẻ thích ứng với tác động của ba trạng thái kinh tế trên.

Xin cảm ơn thầy!

Tôi đi chấm luận án

Tôi cũng từng đi chấm luận án tiến sĩ. Tôi nói với hội đồng là luận án này không nên cho xuất sắc dù người chấm và người làm luận án có mối quan hệ thân thiết với tôi.

Cuối cùng chỉ có mình tôi không cho xuất sắc còn các thành viên trong hội đồng đều đánh giá luận án này xuất sắc hết. Luận án này không yếu nhưng không phải là xuất sắc. Cũng có trường hợp tôi bác luận án nhưng sau đó gặp bao nhiêu phiền toái. Cuối cùng, Bộ GD – ĐT tổ chức cho 1 hội đồng khác chấm lại luận án. Tất cả các thành viên trong hội đồng này đều bỏ phiếu trống như tôi. Trong khi đó hội đồng đầu tiên thì có đến có 3 người cho xuất sắc.

Theo tôi, dù luận án này không kém nhưng không xuất sắc. Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh khi trả lời bảo vệ luận án cũng không trả lời được nên tôi không thể cho xuất sắc.

Với nghiên cứu sinh này, tôi cũng khuyên là tốt nhất không nên bảo vệ mà nên viết lại. Tuy nhiên, anh này trình bày rằng, luận án đã in và gửi đi, tóm tắt luận án cũng đã gửi cho các chuyên gia, tất cả đều đánh giá tốt chỉ trừ mỗi mình tôi thôi.

Tôi cũng nói với nghiên cứu sinh ấy rằng: “Thôi được, tôi sẽ giúp em bằng cách rút khỏi hội đồng. Tôi không chấm luận án kém”.

Tôi làm đơn gửi lên Bộ GD - ĐT nói rằng tôi đang tham dự kì họp quốc hội, không có thời gian cho nên tôi xin rút nhưng Bộ đã không trả lời.

Đến khi họp xong Bộ gọi điện cho tôi nói là mời thầy cứ đi chấm. Lúc ấy tôi phải nói thật là luận án yếu quá tôi không muốn chấm. Bộ cũng nói là rất mong các thầy nghiêm khắc làm việc đảm bảo luận án có chất lượng.

Chúng tôi mong thầy đi chấm nên đành phải đi. Đến nước này tôi cũng nói với nghiên cứu sinh là chờ bài bảo vệ của nghiên cứu sinh thế nào tôi sẽ quyết định. Tuy nhiên, “bài cãi” quá tệ nên tôi phải bỏ phiếu trống
Sau đó, tôi cũng nhận được những phản ứng từ thầy giáo và nghiên cứu sinh. Nhưng điều quan trọng là cuối cùng Luận án trên đã không được công nhận

(GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, TTN&NĐ của Quốc hội)

Ngọc Trang (thực hiện)