HTML clipboard

Hiện vụ việc lùm xùm giữa HLV Lê Minh Khương và Vietnam Airlines (VNA) vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên khi tiến hành xâu chuỗi một loạt vụ việc, có thể thấy HLV Khương không phải là nạn nhân đầu tiên.

TIN BÀI KHÁC


Liệt kê vào danh sách cấm bay

Những thông tin mới nhất từ vụ việc này cho thấy HLV Lê Minh Khương đã quyết định khởi kiện tới cùng “không phải vì tiền mà vì danh dự cá nhân của ông Khương đã bị xúc phạm”.

Vụ việc ngày càng phức tạp và rắc rối khi lời khai của các nhân chứng mâu thuẫn và cáo buộc lẫn nhau. Sự xuất hiện của nhân chứng “bất đắc dĩ” Eileen Tan – Giám đốc điều hành Công ty lữ hành Viking, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Singapore tại TP.HCM, người đại diện của đại lý bán vé máy bay cho Vietnam Airlines đã đẩy vụ việc lên đến đỉnh điểm của mâu thuẫn. Trong đó đáng lưu ý bà Eileen Tan đã buông lời chỉ trích và cáo buộc những người bảo vệ cho HLV Lê Minh Khương.

HLV Lê Minh Khương cho biết sẽ khởi kiện VNA tới cùng (Ảnh: Người lao động)

Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngày 22/4, Cục Hàng không Việt Nam đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho thanh tra hàng không xử lý. Theo đó, trong trường hợp cần thiết có thể đề nghị tất cả hành khách trên chuyến bay VN1169 cung cấp những thông tin, hình ảnh ghi lại được cho Cục Hàng không Việt Nam, đồng thời triệu tập nhân viên an ninh, tổ bay để đối chất.

Trong khi đó, đại diện VNA khẳng định sẽ không xin lỗi HLV Lê Minh Khương và việc ông Khương muốn khởi kiện VNA ra tòa là quyền công dân của ông Khương. Động thái mới nhất của hãng hàng không quốc gia là phát đi bản thông báo đưa ông Lê Minh Khương vào “danh sách đen” cấm bay.

Tuy nhiên khi trả lời trên VTC News, ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam phụ trách an ninh hàng không - cho biết, theo quy định cũ thì Vietnam Airlines được làm việc này, tuy nhiên theo Nghị định 81/2010 về An ninh hàng không dân dụng hiện nay, Vietnam Airlines chỉ có quyền lập danh sách đề nghị còn quyền quyết định là của Cục Hàng không Việt Nam.

Khách VIP cũng bị áp giải

Vào tháng 11/2009, vụ việc tiếp viên trưởng của VNA có hành vi cư xử “dã man” đối với nữ doanh nhân nổi tiếng, Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm AAA Đỗ Thị Kim Liên cũng đã từng khiến dư luận phản ứng gay gắt.

Bà Đỗ Thị Kim Liên bức xúc sau khi bị nhân viên VNA đối xử tệ (Ảnh: VietNamNet)

Tường thuật lại vụ việc với Vnexpress, bà Liên kể trong nước mắt: Gia đình bà gồm chồng và 2 con nhỏ (3 tuổi và 5 tuổi) đáp chuyến bay khứ hồi từ Singapore về TP.HCM. Tuy nhiên, ở lượt về chỉ có 3 ghế hạng C (hạng thương gia). Khi mua vé, gia đình chị đã được nhân viên bán vé giải thích là nếu ở hạng C còn chỗ trống sẽ sắp xếp cho con nhỏ ngồi cùng. Tuy nhiên khi lên máy bay, dù khoang C vẫn còn chỗ, song tiếp viên đã yêu cầu một thành viên của gia đình phải về đúng chỗ ngồi ghi trên vé.

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi đến phần phục vụ bữa ăn, tiếp viên yêu cầu một người phải về ghế hạng phổ thông để tiện phục vụ. Gia đình chị đã không đồng ý vì lý do có con nhỏ không thể tách rời cha mẹ. Vì bực tức chị có to tiếng và nói “chúng mày", nhưng sau đó chồng chị vẫn chấp hành và xuống ghế phổ thông ngồi.

Tưởng mọi việc giữa hai bên đã êm xuôi và không có mâu thuẫn gì thì đột nhiên khi bước xuống sân bay bà và 2 con đã bị 10 nhân viên an ninh áp giải đến phòng an ninh để làm việc và tạm giữ tại đây hơn 3 tiếng đồng hồ mà không có giải thích thỏa đáng. Sau đó bà Liên được biết bị áp giải theo yêu cầu của tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Hồng Viện.

Theo luật sư Phạm Ngọc Trung, đại diện pháp luật cho vợ chồng bà Liên cho biết: Tiếp viên làm như vậy là hoàn toàn sai quy định. Quyết định số 06/2007 của Bộ GTVT đã quy định rất rõ, chỉ những trường hợp hành khách "Đe dọa khủng bố hoặc tội phạm mới bị áp giải". 

Dân thuờng bị “đè bẹp”

Nhiều người cho rằng đến thương gia, khách VIP còn bị “qua mặt” thì việc khách phổ thông bị đối xử bất công bằng và vô lý là điều vẫn thường xuyên xảy ra như cơm bữa.

Trường hợp của anh Hoàng Minh Phú (quê Quảng Bình, công tác tại Vũng Tàu) là một ví dụ điển hình.

Chiếc vali của anh Phú bị bẻ khóa và rách dọc thân (Ảnh: Dân trí)

Ngày 11/1/2011, anh Phú đáp chuyến bay VN378 của VNA từ TP.HCM đi Quảng Bình. Khi máy bay đáp xuống sân bay Quảng Bình, anh phải chờ đợi rất lâu để nhận lại hành lý.

Tuy nhiên khi tiếp nhận hành lý, anh Phú phát hiện chiếc vali đã bị bẻ khóa, bung phần thân và rách dọc theo viền kéo. Đồ đạc bên trong bị xáo trộn.

Khi báo cáo vụ việc với Cảng hàng không Đồng Hới, thay vì lập biên bản vụ việc, đại diện VNA tại đây chỉ đề nghị bồi thường cho anh Phú 200.000 đồng.

Trước thái độ gay gắt của anh Phú và nhiều hành khách đi cùng chuyến bay, một biên bản đã được lập, tuy nhiên những ý kiến trong bản tường trình của anh Phú không được đưa vào đầy đủ.

Kế đó trong chuyến bay VNA376 khởi hành từ TP.HCM đi Vinh (Nghệ An) ngày 11/2/2011 cũng đã có hàng trăm hành khách bức xúc trước cách xử lý của VNA.

Sau khi buộc phải hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng vì thời tiết xấu, hành khách trên chuyến bay không nhận được giải thích rõ ràng rằng khi nào chuyến bay sẽ khởi động lại mà chỉ nhận được thông báo khách hàng phải tự tìm phương tiện di chuyển về Vinh và đến văn phòng VNA tại đây để nhận lại tiền chênh lệch.

Trong một số trường hợp không phải hiếm thì rõ ràng những hành xử của VNA với hành khách là thiếu tôn trọng và thiếu trách nhiệm. Trước thực tế này, một số người chỉ còn biết chậc lưỡi: “Họ là con cưng nên nắm quyền sinh, quyền sát trong tay, hễ ai ho he là bị đè bẹp như chơi”.

Minh Anh (tổng hợp)