Các cuộc đàm phán đầu tiên giữa Iran và sáu cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân của Iran đã kết thúc khả quan.

Bản đồ các lò phản ứng nghiên cứu, mỏ khai thác uranium, cơ sở quân sự và khu vực hạt nhân của Iran

Tuy nhiên, một số quan chức ngoại giao nói rằng vẫn còn nhiều việc phải làm, và Iran vẫn cần có các hành động đặc biệt.

Buổi đàm phán tại Istanbul ôm qua là lần đàm phán đầu tiên trong suốt 15 tháng qua. Vòng đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra tại Baghdad vào ngày 23/5 tới.

Iran cho biết chương trình hạt nhân của họ vì mục đích hòa bình, nhưng phương Tây cho rằng Tehran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.

Bà Catherine Ashton - giám đốc đối ngoại của Liên minh châu Âu mô tả các cuộc đàm phán này 'có ích và mang tính xây dựng'.

Phát biểu vào cuối buổi đàm phán giữa sáu cường quốc - là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức- cùng với Iran, bà Ashton nói rằng các cuộc đàm phán trong tương lai có thể được định hướng từ "nguyên tắc tiếp cận từng bước và có đi có lại".

Bà cũng nói rằng Iran có quyền phát triển chương trình hạt nhân với mục đích hòa bình, nhưng Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân sẽ phải là 'nền tảng then chốt' cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Người đứng đầu nhóm đàm phán hạt nhân của Iran là Saeed Jalili gọi kết quả đàm phán là 'rất thành công' và dựa trên nguyên tắc cùng hợp tác.

Ông này cũng nói rằng các cuộc đàm phán trong tháng sau nên tập trung vào việc xây dựng lòng tin giữa các bên.

Ngoại trưởng Anh William Hague hoan nghênh các cuộc đàm phán, tuy nhiên, ông nói rằng 'vẫn còn cả chặng đường dài phía trước' để giải quyết tranh cãi.

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho rằng Iran cần 'có các động thái cấp thiết và nhất quán để thiết lập lòng tin' trong các vòng đàm phán sau đó.

Còn người phát ngôn của Nhà Trắng lại hoan nghênh 'thái độ tích cực' của Iran, và gọi các cuộc đàm phán này là 'bước đi đầu tiên'.

  • Lê Thu (theo BBC)